Khu công nghiệp, khu chế xuất ở ĐBSCL: Áp lực cạnh tranh

Thứ tư, 13 Tháng 6 2012 13:57 Ashui.com
In

Đồng bằng sông Cửu Long là đất thuần nông. Bao đời nay hạt lúa, con tôm, con cá gắn liền với hình ảnh của đồng bằng. Thế nhưng, theo tiến trình công nghiệp hóa, dưới áp lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tốc độ tăng trưởng, hầu hết các tỉnh, thành đều chọn phát triển công nghiệp như một hướng mở tất yếu. Nhìn chung, “dàn đồng ca” khu, cụm công nghiệp (CCN) thời gian qua đã tạo ra không ít thành quả quan trọng, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy...

Mạnh ai nấy làm

Hình thành đã 20 năm, KCN Trà Nóc (Cần Thơ) là KCN đầu tiên của cả vùng mở ra một trào lưu kinh tế mà ngay lúc đó, nhiều tỉnh, thành trong vùng phải âm thầm mơ ước! Sau đó, hàng loạt các KCN ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu ra đời. Tỉnh nào cũng quy hoạch KCN với rất nhiều tiềm năng và chính sách mời gọi đầu tư lý tưởng. Tuy nhiên, lợi thế của các tỉnh có tính tương đồng cao chỉ là nông nghiệp. ĐBSCL rất hiếm nguyên liệu để phát triển công nghiệp nặng, thiếu nguồn lực lao động chất lượng cao, nền đất yếu đẩy chi phí đầu tư hạ tầng cao hơn so các vùng khác trong cả nước.

Long An có lẽ là “điểm nóng” nhất tại các tỉnh ĐBSCL trong việc lấy đất lúa làm KCN. Sau hơn 10 năm tập trung phát triển công nghiệp, tỉnh đã thành lập 64 KCN, với 15.467ha đất bị thu hồi, phần lớn là đất nông nghiệp. Thế nhưng, diện tích đất KCN bỏ hoang cũng không ít. Tại Cần Thơ, ngoài KCN Trà Nóc 1 và 2 có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh nên đã thu hút được nhà đầu tư, còn lại KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, 2B đang trong tình trạng “đắp chiếu” vì đã nhiều năm chủ đầu tư chưa giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng.

Một trong những địa phương phát triển KCN, CCN, khu đô thị nhanh và nhiều nhất là huyện Châu Thành (Hậu Giang) với tổng diện tích quy hoạch lên đến 3.200ha, do có lợi thế bờ sông Hậu. Tại KCN Sông Hậu, hàng loạt dự án được khởi công rất hoành tráng rồi để đó theo kiểu “xí phần” như: Dự án xây dựng nhà máy giấy Lee & Man; dự án xây nhà máy đóng tàu của Tập đoàn tàu thủy Việt Nam (Vinashin)…

Cụ thể, tháng 4-2007, Vinashin khởi công xây dựng nhà máy đóng tàu và CCN tàu thủy ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú trên diện tích 600ha, vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho 20.000 lao động. Thế nhưng, sau 4 năm, nhà máy đóng tàu và CCN tàu thủy vẫn là bãi đất trống và mấy chiếc cần cẩu dựng đứng. Cuối năm 2010, UBND tỉnh Hậu Giang phải ký quyết định “sang bớt” 152ha đất nằm trong dự án này cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) để thực hiện dự án xây dựng cảng biển và khu hậu cần…

Tương tự, vào tháng 8-2007, dự án Nhà máy giấy Lee & Man (Trung Quốc) được khởi công tại CCN Phú Hữu A (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành) cũng khá hoành tráng. Dự án đầu tư trên diện tích 82ha, vốn đầu tư theo tuyên bố là 1,2 tỷ USD, được xem là nhà máy sản xuất giấy và bột giấy lớn nhất Việt Nam. Dù vậy, đến nay hơn 4 năm, dự án này gần như bị đình trệ.

Với tâm lý “bằng anh bằng em”, hầu hết các tỉnh, thành đều có KCN, CCN nhưng chẳng khẳng định rõ thế mạnh là gì và làm thế nào để các KCN, CCN này phát triển, ngoài “bài ca tiềm năng” giống nhau giữa các tỉnh, thành trong vùng.

 

Mất cân đối

 

Đến thời điểm hiện tại, ĐBSCL có 611 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, trong đó Long An dẫn đầu với 371 dự án, vốn đầu tư đăng ký trên 3,56 tỷ USD, tiếp đến là Kiên Giang với hơn 3 tỷ USD; một số tỉnh, thành khác tỷ lệ vốn thấp và nếu cộng lại cả vùng thì tổng vốn FDI ở ĐBSCL chưa bằng một tỉnh Đông Nam bộ.

Theo Bộ KH-ĐT, các KCN là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, thống kê cho thấy các KCN thu hút khoảng 50% tổng nguồn vốn FDI. Đối với ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, thời gian qua dù đạt được những thành tựu khích lệ nhưng bộc lộ nhiều yếu kém cần khắc phục. Việc phát triển KCN chưa gắn kết với tiến trình CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn. Nhiều KCN được thành lập nhưng thu hút đầu tư kém, sản phẩm làm ra nghèo nàn không tương xứng với quy hoạch. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư bất cập, dẫn đến nhiều khó khăn cho người dân. Những lỗ hổng ở các KCN ở ĐBSCL là do các địa phương không tính toán đến chiến lược liên kết vùng mà mạnh ai nấy làm, dẫn đến sự cạnh tranh không đáng có.

Lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng của toàn vùng nhìn chung chưa đồng bộ, suất đầu tư vào công nghiệp còn cao làm nhiều đơn vị nước ngoài ngán ngại, nhiều dự án xin rút vốn và chấm dứt hoạt động khiến đồng vốn đầu tư vào vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, đến nay cả vùng có hơn 20 KCN và 177 CCN. Tỷ lệ cho thuê đất tại các KCN chỉ đạt 22%, trong khi diện tích cho thuê của các CCN cũng chưa đến 5%. Trong đó chỉ có khoảng 4 KCN được lấp đầy. Tính chung, cả vùng hiện còn hơn 17.000ha đất công nghiệp đã quy hoạch đang bỏ trống.

Điểm yếu nhất đối với ĐBSCL là sự mất cân đối nghiêm trọng trong phát triển công nghiệp của các địa phương nhiều năm qua: ngành công nghiệp chế biến (chế biến lương thực, thủy hải sản, thức ăn gia súc) chiếm phần lớn giá trị của toàn ngành; các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chưa phát triển được bao nhiêu. Riêng công nghiệp chế biến, trình độ mới dừng lại sơ chế, tỷ lệ chế biến chuyên sâu chưa cao, trang thiết bị và công nghệ lạc hậu, năng lực sản xuất hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa cao, chi phí trung gian còn lớn.

Tỷ lệ thiết bị hiện đại của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở ĐBSCL còn rất thấp, đa số chưa đồng bộ, chỉ tập trung ở một số công đoạn sản xuất chủ yếu. Nói cách khác, cần phải đổi mới hơn 80% thiết bị mới nâng cao đáng kể sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp.

Công nghiệp ĐBSCL hướng mạnh theo xuất khẩu (gạo, thủy sản đông lạnh...), đến nay chủ yếu dựa vào lợi thế nguồn lao động rẻ, tài nguyên có sẵn tại chỗ; nhưng những lợi thế này có xu hướng giảm dần. Gần đây đã xuất hiện những cảnh báo rằng nếu không khắc phục những yếu kém và bất cập kể trên thì công nghiệp ĐBSCL trong 10 năm tới sẽ tụt hậu so với các vùng khác trong nước và trở thành vùng có tốc độ phát triển công nghiệp chậm nhất Việt Nam. Thách thức gay gắt nhất đối với ĐBSCL là áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng.

B. ĐẠI - L. PHƯƠNG

Siết quản lý môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp

“Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA) ngay trong năm 2012 phải buộc các chủ đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tại các KCX-KCN”.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp về xử lý ô nhiễm môi trường tại các KCX, KCN, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TPHCM ngày 12/6.

Ông Lê Mạnh Hà cho rằng, về chủ trương, UBND TP giao HEPZA quản lý các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để có địa chỉ xử lý khi xảy ra ô nhiễm. Trước mắt, UBND huyện Bình Chánh chủ trì làm việc HEPZA để chuyển giao việc quản lý cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã Tân Nhựt về cho đơn vị này. Mặt khác, HEPZA khẩn trương nghiên cứu giải pháp xử lý mùi hôi từ các doanh nghiệp sản xuất, sang chiết thuốc bảo vệ thực vật. Đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ gây ô nhiễm trong khu dân cư phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, đáng lo ngại hơn, trong 28 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP, có đến 13 đơn vị chưa có chủ đầu tư, trong khi nhiều doanh nghiệp tại đây đã hoạt động từ lâu nên không có đầu mối để quản lý về môi trường.

V. ANH

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: