Bảo tồn di tích nghệ thuật kiến trúc của dân tộc Chăm

Thứ ba, 26 Tháng 6 2012 00:08 Ashui.com
In

Nền văn hóa vật thể của dân tộc Chăm, chịu đựng những mất mát to lớn, vẫn hiện hữu bởi những vết tích và di tích, dưới và trên mặt đất. Đó là một khối lượng tài sản vật chất có niên đại xa xưa, phân bổ trên địa bàn các tỉnh miền Trung và có tình trạng kỹ thuật rất xấu. Nó đặt ra trước các nhà bảo tồn di tích nhiều vấn đề hóc búa cả về cách thức ứng xử và cả về kỹ thuật trùng tu.

Di sản nghệ thuật kiến trúc Chăm, nhìn sâu xa vào mức độ quý hiếm, mức độ mất mát, đòi hỏi ở các nhà bảo tồn và các nhà trùng tu, trên hết và trước hết, sự duy trì lâu dài, không bị mất mát thêm và không bị sai lệch. Để đạt được ba mục tiêu đó, cần xác định một chiến lược và những giải pháp tương thích.


Nhóm tháp Po Kloong Garai ở tỉnh Ninh Thuận

1.  Những căn cứ cho việc xác định chiến lược và giải pháp:

-    Ở các di tích kiến trúc Chăm nên coi trọng trước hết những giá trị lịch sử. Trong những nỗ lực trùng tu, nên ưu tiên trước hết giữ lại cho được những giá trị này. Lý do: các di tích này là dấu vết hầu như cuối cùng của hơn một ngàn năm lịch sử và văn minh, của từng giai đoạn lịch sử, của nền văn hóa và nghệ thuật phát triển đến đỉnh điểm… Chúng là di sản – mồ côi, bởi hậu duệ của dân tộc Chăm ít còn duy trì những mối liên hệ với dĩ vãng xa vời của tổ tiên họ. Di chỉ khảo cổ học, đa phần là kiến trúc vật, di tích ở dạng công trình, là những chứng nhân lịch sử, là những kho dữ liệu lịch sử về nhiều phương diện. Nghiên cứu lịch sử và nền văn minh Chăm, hầu như chỉ có thể dựa vào nguồn vật chất còn sót lại này. Chính vì thế, phải đặt ưu tiên cho việc duy trì nguyên vẹn di tích như những đối tượng tàng trữ thông tin, tránh xóa nhòa dĩ vãng, tránh để di tích trở nên cạn kiệt sau trùng tu.

-    Bức tranh tổng thể về tình trạng tồn tại của các di tích kiến trúc Chăm hết sức nặng nề. Ở Việt Nam và ở trên thế giới có lẽ ít di sản văn hóa vật chất nào mà bị tàn tạ, tàn phá đến mức này. Sơ bộ có thể phân chia các di tích này thành ba loại, theo tình trạng kỹ thuật: (a) Bị chôn vùi dưới mặt đất hoặc bị biến thành bình địa. Phật điện Đồng Dương ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, là một ví dụ điển hình; (b) Các di tích bị đổ nát, ta thường gọi là phế tích. Đó là khu thánh địa Mỹ Sơn ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; nhóm tháp Chiên Đàn cũng ở tỉnh này; nhóm tháp Po Đam ở tỉnh Bình Thuận; (c) Các di tích bị hư hại từng phần. Đó là nhóm tháp Bàng An và Khương Mỹ ở tỉnh Quảng Nam; các nhóm tháp Bánh Ít, Tháp Đôi và Dương Long ở tỉnh Bình Định; nhóm tháp Po Klong Garai ở tỉnh Ninh Thuận v.v…
Các ngôi tháp trong tình trạng đổ nát (nhóm b) và các ngôi tháp trong tình trạng khá nguyên vẹn (nhóm c) cũng đều trong trình trạng nguy kịch. Nếu không được can thiệp cứu chữa sẽ bị hủy hoại nhanh chóng. Từ tình trạng chung như trên, việc cứu vãn ở quy mô cấp thiết và rộng lớn cần phải được đặt ra lúc này và, thậm chí, cho cả quãng thời gian dài phía trước.


Nhóm tháp Bánh Ít ở tỉnh Bình Định

-    Di sản văn hóa vật chất, cụ thể là các di tích kiến trúc Chăm, tuy đã được nghiên cứu hơn một trăm năm nay, song để đáp ứng các yêu cầu của trùng tu nói chung và trùng tu từng di tích, thì quả là chưa đạt mức độ thỏa đáng. Ngay từ đầu thế kỷ XIX, các học giả Pháp đã đầu tư nhiều công sức và có bài bản khoa học cho việc kiểm kê, ghi chép, vẽ ghi và chụp ảnh ghi nhận hiện trạng của nhiều di tích Chăm. Kho tư liệu ảnh (phototek) gồm hàng ngàn tấm film âm bản, lưu giữ tại Thư viện Khoa học xã hội hiện nay, đã bị hư hại nhiều. Những bức vẽ kiến trúc các di tích, đặc biệt ở Mỹ Sơn, theo nghiên cứu so sánh thực địa của nhà khảo cổ học kiến trúc Nguyễn Hồng Kiên, thì có độ chính xác không cao, có thể chúng đã được thực hiện từ những bức ảnh.
Để tiến hành phục hồi, dù từng phần, những thành phần đã mất, lại cần có những căn cứ rất chính xác, tốt hơn cả là tại chỗ. Để đảm bảo việc phục hồi thật sự khoa học, cần có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, chi tiết, tránh mọi biểu hiện đại khái hoặc phỏng đoán.

-    Cho đến nay, nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật xây dựng đền tháp của người Chăm vẫn chưa được làm sáng tỏ và dứt khoát, trong đó trước tiên là kỹ thuật nung gạch và chất kết dính. Ngày càng có sự nghiêng về hướng là người Chăm đã sử dụng chất dính kết có nguồn gốc thực vật, song các giả thuyết khác vẫn tiếp tục được đưa ra. Ngay cả vấn đề giải quyết hiện tượng rêu phong cho các khối gạch xây mới, mà người Chăm xưa kia đã giải quyết được, vẫn còn là một thách đố.
Sớm muộn thì các ẩn số của kỹ thuật xây dựng của người Chăm sẽ được làm sáng tỏ, song điều đó chưa có nghĩa là chúng ta đã có thể yên tâm phục hồi những gì mà các di tích đã mất, cũng như phục nguyên các công trình đã biến khỏi mặt đất.
Giữa ham muốn khôi phục những gì đã mất – những vấn đề kỹ thuật xây dựng và phục chế - di tích là sản phẩm của lịch sử - không lặp lại - quan niệm hàn lâm về bảo tồn di sản là sự cân nhắc, đắn đo để nhà bảo tồn, nhà trùng tu phải tự kiềm chế. Hễ hấp tấp, di tích không còn là nó nữa.

-    Hiện nay ở Việt Nam đã có những điều kiện tài chính, kỹ thuật và nhân lực cho phép thực hiện công tác bảo quản và trùng tu các di tích kiến trúc Chăm. Tuy nhiên, những điều kiện ấy vẫn rất hạn chế, đặc biệt là sự hạn chế về tri thức, kinh nghiệm ứng xử đối với di tích kiến trúc gạch ở dạng phế tích hóa như các đền tháp Chăm. Cộng đồng quốc tế trong những năm qua đã có sự hỗ trợ về tài chính và chuyên gia. Song khối lượng công việc được thực hiện chưa lớn và đặc biệt, vẫn đang diễn ra những nỗ lực tìm tòi những giải pháp ứng xử thật phù hợp với bản chất và hiện trạng di sản kiến trúc Chăm.

Chiến lược bảo tồn và trùng tu di tích Chăm dĩ nhiên không thể không tính tới những thực trạng và những xuất phát điểm nêu trên.


Nhóm tháp Chiên Đàn ở tỉnh Quảng Nam


2.  Chiến lược và giải pháp bảo tồn:  

Với những giá trị kiệt xuất về niên đại, về kiến trúc và mĩ thuật nói riêng, về văn hóa và lịch sử nói chung, với tình trạng bảo tồn và tình trạng kĩ thuật ở dạng di tích kiến trúc – khảo cổ học, với những điều kiện thực tế về tài chính và kĩ thuật, đồng thời dựa vào những quan điểm của bộ môn trùng tu hiện đại trên thế giới, chúng ta chỉ có thể chọn định hướng trùng tu bảo tồn, định hướng duy trì hiện trạng là chính.

Định hướng bảo tồn trong trùng tu cần được hiểu là: Mục đích cứu vãn và giữ gìn lâu dài những nhân tố gốc là ưu tiên hàng đầu, mọi giải pháp kiến trúc và kĩ thuật được huy động trước tiên và chủ yếu là để khắc phục tình trạng xuống cấp, loại trừ những tác nhân hủy hoại di tích. Tuyệt đối không đặt vấn đề khôi phục nguyên vẹn di tích về dạng ban đầu. Chỉ khôi phục từng phần, trên cơ sở những căn cứ khoa học chắc chắn và tại chỗ.

Đây là những quan điểm bài bản của trường phái trùng tu khảo cổ học, hay còn gọi là trường phái trùng tu phân tích, phù hợp với các di tích gạch – đá Chăm, có niên đại xa xưa và ở tình trạng phế tích hóa. Còn đối với các di tích kiến trúc gỗ của người Việt, các “di tích sống”, thì việc áp dụng đầy đủ các nội dung phổ biến trong trùng tu khoa học, như bảo quản, tu sửa, thay thế, khôi phục từng phần và thích nghi là hoàn toàn phù hợp.

Bảo tồn (conservation) trong trùng tu bao gồm hai nội dung, hai giải pháp cơ bản: gia cố (cosolidation) và tái định vị (anastilosis).

Gia cố bao gồm các giải pháp kĩ thuật nhằm gián đoạn quá trình xuống cấp của di tích và tăng cường khả năng chịu lực của các cấu trúc. Gia cố phân chia thành gia cố tạm thời và gia cố lâu dài. Gia cố tạm thời chủ yếu là các giải pháp chống đỡ, che chắn nhất thời, dễ dàng thực hiện và không tốn kém, nhằm cứu vãn từng bộ phận có nguy cơ hủy hoại của di tích. Chúng ta, bởi những lý do nào đó, trong thực tế hay xem nhẹ việc gia cố cấp cứu di tích, để mặc cho chúng đổ nát, rồi sau đó lại phải đặt vấn đề tu bổ. Gia cố lâu dài sử dụng các giải pháp tăng khả năng chịu lực cho các cấu trúc bị lún, lở, nứt toác hoặc không còn khả năng làm việc. Theo bài bản trùng tu hiện đại, thì các giải pháp gia cố sử dụng các vật liệu hiện đại, cấu tạo hiện đại, thường được đặt ngầm trong cấu trúc của di tích. Chúng được tạo ra để cứu chữa di tích khỏi sụp đổ, không nhằm làm giả bất cứ cái gì trong di tích, không thể bị nhầm lẫn với những thành phần gốc. Nếu các biện pháp gia cố kĩ thuật như vậy không được thực hiện đối với các đền-tháp ở Mỹ Sơn, nhóm Tháp Đôi, nhóm Dương Long, nhóm Po Klong Garai v.v… thì có lẽ chúng đã sụp đổ từng phần hoặc toàn phần. Tuy bị chống nạng, chịu sự chắp vá không thể tránh khỏi, Mỹ Sơn vẫn đứng vững với những gì được phân biệt rõ ràng là nguyên thủy, để hôm nay được công nhận là di sản thế giới và được chiêm ngưỡng.


Khu thánh địa Mỹ Sơn ở tỉnh Quảng Nam

Anastilosis (tái định vị) được hiểu như là sự xếp đặt về chỗ ban đầu các bộ phận và thành phần nguyên gốc của di tích, bị xê dịch do những tác động hủy hoại hoặc do việc xây cất lại. Về bản chất, anastilosis mang nội dung khôi phục, song không phải khôi phục ở dạng tái tạo hoặc mô phỏng, mà là khôi phục ở dạng ít can thiệp nhất, với việc sử dụng những dữ liệu tại chỗ, ít gây sai sót nhất.

Những di tích Chăm bị xáo trộn, đổ vỡ và biến dạng ghê gớm (như Mỹ Sơn), đòi hỏi phải có sự nhặt nhạnh, nhận biết, xác định vị trí gốc để định vị lại. Chính nhờ bài bản này mà các nhóm tháp C, D và A ở Mỹ Sơn đã được định hình lại một phần, vực dậy từ đống đổ nát hầu như không còn hình hài. Tuy nhiên, trong kĩ thuật anastilosis áp dụng với tường gạch, một thủ pháp tinh tế đã được thực hiện: Các cấu trúc gạch tái định vị với chủ ý duy nhất là giữ lại hình dáng cơ bản, để ngỏ khả năng khôi phục trọn vẹn hơn cho con cháu khi xuất hiện những cơ sở để làm việc đó. Ngoài ra những thể khối được tái định vị (được anastilosis hóa) không làm giả kĩ thuật xây cũ, mà làm khác biệt để không lẫn với gốc.

Trong trùng tu di tích Chăm, việc khôi phục từng phần (partial hoặc fragmentary restoration) cũng được đặt ra. Mục đích của khôi phục từng phần trước hết là để khôi phục khả năng chịu lực của cấu trúc di tích và một phần để khôi phục hình dáng cơ bản của nó. Tuy nhiên việc khôi phục từng phần chỉ được thực thi hết sức hạn chế, trên cơ sở những dữ liệu tại chỗ. Tuyệt đối không đặt giả thuyết, và quan trọng hơn, được cố ý thi công khác biệt với các thành phần gốc để không gây ra những sự nhầm lẫn.

Chúng tôi xin nhấn mạnh: ngay khi mọi ẩn số xung quanh kĩ thuật xây cất của người Chăm cổ đã được khám phá, thì vẫn không nên và không thể đặt vấn đề phục nguyên các di tích văn hóa Chăm. Mọi nỗ lực phục nguyên sẽ dẫn đến sự đánh mất hẳn những di sản Chăm cổ xưa.

Khảo cứu đầy đủ, trong đó có việc khai quật khảo cổ học có hệ thống, sưu tầm, xây dựng hồ sơ khoa học, trùng tu để cứu vãn và duy trì mãi mãi những giá trị nguyên gốc của di sản văn hóa vật thể Chăm, đó là định hướng duy nhất đúng, phù hợp với khoa học hiện đại, phù hợp với khả năng của các thế hệ chúng ta./.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia
(Bài viết cho Hội thảo “Mối liên hệ văn minh Chăm giữa Ấn Độ và Việt Nam” tại Đà Nẵng, 26-27/6/2012.)

Tài liệu tham khảo:
-    GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: “Một vài vấn đề lý luận và thực tiễn trong bảo tồn các di tích văn hóa Chăm”.  
-    Nhà khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên: “Về công tác nghiên cứu khảo sát và lập dự án trùng tu các di tích đền, tháp Chăm”.
-    KTS Nguyễn Hùng Sơn: “Các phương pháp kĩ thuật đã được áp dụng trong việc trùng tu các di tích đền, tháp Chăm”.
-    KTS K. Kwiatkowski: “Các nguyên tắc và các giải pháp kĩ thuật trong việc bảo quản và tu bổ các di tích kiến trúc dân tộc Chăm”.
-    Kỷ yếu Hội thảo về kĩ thuật trùng tu các di tích đền, tháp Chăm, Nha Trang - 4/2000.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: