Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở: chưa dễ cho người nghèo

Thứ sáu, 29 Tháng 6 2012 08:54 SGTT
In

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ phê duyệt đề án quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở với hai mô hình khác nhau, đó là tiết kiệm nhà ở cho người thu nhập thấp và cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu mua nhà ở thương mại. Dự kiến quỹ này sẽ vận hành thí điểm từ năm 2013 tại TP.HCM và Hà Nội.

Riêng mô hình thứ nhất, theo bộ Xây dựng, là quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Điều kiện vay ở mô hình này là cá nhân, hộ gia đình phải đóng vào quỹ ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội với mức tối thiểu trong thời gian năm năm. Mức tiền được vay thêm tối đa bằng hai lần tổng số tiền đã đóng vào quỹ. Việc cho vay được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên, ai có thời gian đóng dài hơn thì được ưu tiên vay trước. Thời gian trả nợ trong vòng 15 năm với mức lãi suất cho vay trong khoảng 6,5 – 8,5%.


Giấc mơ có nhà ở của người nghèo xem ra còn quá xa
(Ảnh: L.Q.Nhật)

Trường hợp người tham gia không có nhu cầu vay để tạo lập hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì sẽ được quỹ thanh toán cả gốc và lãi, nhưng mức lãi suất được hưởng sẽ cao hơn lãi suất huy động ban đầu là 2% mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, đề án lần này đã có tính thực tế hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để đề án khả thi, người dân có thể tiếp cận được với quỹ thì phải đi kèm nhiều cơ chế chính sách khác. Cụ thể, với quy định muốn vay tiền từ quỹ người dân phải đóng 30% tổng số tiền dự kiến vay trong vòng năm năm. Nếu căn hộ đó khoảng 1 tỉ đồng thì người dân phải đóng được 300 triệu đồng trong vòng năm năm. Tức là mỗi tháng người dân phải đóng vào quỹ 5 triệu đồng. Đây là một điều hết sức khó khăn với thu nhập hiện tại của người dân chưa có nhà ở và cần nhu cầu mua nhà xã hội. Bởi thu nhập của người dân hiện nay 90% đã phải chi phí vào những thứ như ở, ăn, mặc…

Do vậy, theo ông Đực, để người dân có thể tiếp cận được quỹ và mua nhà thì giá trị căn hộ ấy phải có giá từ 500 triệu đồng trở xuống, theo đó bình quân mỗi tháng người dân chỉ phải đóng quỹ 2,5 triệu đồng, hoặc diện tích căn hộ phải nhỏ hơn.

Tương tự, một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM cũng cho rằng, quỹ tiết kiệm nhà ở là rất cần thiết trong tình trạng người dân chưa có nhiều điều kiện mua nhà như hiện nay. Tuy nhiên, với đề án mà bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ, vị này lo ngại tính khả thi không cao. Bởi lẽ, ngoài lý do rất ít người dân có thể dư 5 triệu đồng/tháng để đóng quỹ, thì người dân còn bức xúc về nhu cầu nhà ở nhưng phải chờ đến năm năm mới đủ điều kiện được vay mua nhà thì quá lâu. Người mua nhà cũng không thể yên tâm đóng tiền khi hoàn toàn mù tịt thông tin về nơi ở của mình.

Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị nên có một khoảng mở cho những người tham gia vào quỹ này. Ví như, người dân đã tham gia vào quỹ này được năm năm nhưng số tiền người ta cần phải mua nhà cao gấp năm lần đã đóng, thì cũng nên xem xét để cho người dân được vay chứ không nhất thiết phải theo mô hình hai lần số tiền đóng vào quỹ. Mặt khác, cũng nên xem xét tính bức bách của từng trường hợp để có cơ chế giải quyết phù hợp.

Còn theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, để đề án khả thi, trước hết bộ Xây dựng nên khảo sát thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM. Cuộc khảo sát cần làm rõ các tiêu chí: chuẩn thu nhập thấp ở mỗi thành phố là bao nhiêu tiền/tháng/gia đình? Số lượng gia đình thu nhập thấp ở mỗi thành phố? Giá thấp nhất của một căn hộ 50m2 cho người thu nhập thấp là bao nhiêu?... Từ những số liệu thu thập được, chúng ta sẽ ước tính được khả năng góp vốn của người thu nhập thấp, thời gian để họ có thể trả hết nợ mua nhà, để từ đó có phương án, giải pháp hợp lý.

Vũ Nguyên

Ưu đãi nhưng còn quá cao

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng trong bối cảnh địa ốc đắt đỏ như Việt Nam thì mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở xã hội do bộ Xây dựng đề xuất tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp tiếp cận được với nhà ở, nhưng đến nay mới đề xuất “là hơi muộn”.

Việc những người có nhu cầu mua nhà phải đóng góp 30% tổng số tiền cần vay buộc những người thu nhập thấp phải có trách nhiệm với căn hộ của mình, tránh tình trạng bao cấp, chờ cơ chế phân phát của Nhà nước. Vấn đề duy nhất khiến ông Võ lo ngại là cơ chế vận hành làm sao để tránh tham nhũng, xin cho.

Phó tổng giám đốc một công ty địa ốc tại Hà Nội cho rằng, thực hiện đề án là không đơn giản. Đơn cử, một ngôi nhà thu nhập thấp ở khu vực Hà Nội cũng phải 800 triệu đồng mỗi căn. Giả sử đóng 30% giá trị căn hộ trong vòng năm năm thì mỗi tháng một hộ gia đình cần phải nộp 4 triệu đồng, đúng bằng tổng mức thu của người thu nhập thấp. Như vậy, họ phải nhịn ăn, nhịn mặc và không mua sắm thì mới đủ tiền mua nhà.

Mặc dù là ưu đãi, nhưng lãi suất cho vay từ 6,5 – 8,5%, theo nhiều người là quá cao so với người thu nhập thấp. Theo tính toán, nếu vay 70% tương đương khoảng 560 triệu đồng trong vòng 15 năm thì mỗi hộ sẽ phải trả tiền gốc khoảng 3 triệu đồng một tháng chưa tính lãi. Một chuyên gia cho hay, khi mang ý nghĩa an sinh xã hội thì nhà thu nhập thấp nên được ưu đãi với mức lãi suất bằng 0%, tuy nhiên điều này không đơn giản vì sẽ làm nặng gánh ngân sách nhà nước. Bởi vậy, số đông các chuyên gia cho rằng, giải bài toán nhà thu nhập thấp cho người dân sẽ còn là “câu chuyện dài kỳ”.

Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, đề án được xây dựng sau khi tham khảo các nước và lắng nghe ý kiến đóng góp của các bộ ngành. Lãnh đạo bộ cũng cho biết, năm 2010, bộ đưa ra ý tưởng đề xuất bắt buộc mỗi người dân phải đóng góp khoảng 1 – 2% mức lương tuy nhiên nhận được nhiều quan điểm trái chiều. Do đó bộ đã xây dựng đề án theo hướng người dân đóng góp tự nguyện và Nhà nước sẽ gánh bớt áp lực tài chính cho người dân bằng việc hỗ trợ lãi suất ưu đãi. “Trước mắt, có thể nhiều người chưa hiểu rõ đề án. Khi được thông qua, bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể sau”, ông Nam nói.

Trần Tiến

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: