TP.HCM phản đối xây đê biển

Thứ ba, 16 Tháng 10 2012 06:27 Pháp luật TPHCM
In

Tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công không có khả năng chống lũ, lụt nhưng có thể làm mất dải rừng ngập mặn Cần Giờ. 

“Dựa trên các tài liệu khoa học, qua đánh giá, so sánh tác động các mặt lợi, hại của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công, TP.HCM không ủng hộ ý tưởng xây dựng công trình này” - ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định.  

Không có khả năng chống lũ lụt 

Đầu năm 2012, báo Pháp Luật TP.HCM có loạt bài phản biện về dự án này của Bộ NN&PTNT. Sau đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu nội dung báo nêu. 

Một lãnh đạo Sở NN&PTNT TP cho biết Sở đã nghiên cứu kỹ dự án và tổng hợp ý kiến của nhiều sở, ngành như Xây dựng, TN&MT, GTVT, Quy hoạch - Kiến trúc cũng như các chuyên gia có uy tín. Đến ngày 2/10, Sở đã có báo cáo tổng hợp trình UBND TP xem xét để có kiến nghị với Thủ tướng và Bộ NN&PTNT. 


Họa đồ tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công. 

“Mục đích chính của tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công là chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng TP.HCM, Đồng Tháp Mười và khu vực Gò Công - Tiền Giang, Long An. Tuy nhiên, theo phương án do Bộ NN&PTNT đề xuất, dự án chỉ có thể ngăn nước biển dâng, ngăn sóng biển và bảo vệ các vùng đất bên trong. Chưa thể nói dự án có khả năng chống lũ lụt như báo cáo miêu tả” - Sở NN&PTNT nêu trong báo cáo. 

Báo cáo còn nhận định, cho dù dự án sử dụng tất cả dung tích 3,3 tỉ m3 nước của hồ chứa để chứa lũ thì cũng không mang lại hiệu quả. Bởi lẽ, hồ chứa nằm ở vùng hạ du nên không có khả năng chống lũ hay giảm lưu lượng lũ trong các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ. Mặt khác, tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công làm thu hẹp dòng chảy của đường thoát lũ tự nhiên nên không thể tăng khả năng thoát lũ. 

Dấu hỏi lớn về hiệu quả kinh tế-xã hội 

Theo đề xuất của Bộ NN&PTNT, tổng kinh phí xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công khoảng 66.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT cho rằng nếu triển khai thực hiện, kinh phí dự án sẽ tăng lên rất nhiều lần. 

Về mặt xã hội, báo cáo của Sở NN&PTNT chỉ rõ dự án chưa nghiên cứu các vấn đề ảnh hưởng đến sinh kế của người dân các địa phương liên quan. Trong khi khu vực thực hiện dự án đang là nơi nuôi trồng thủy sản, đem lại nguồn lợi kinh tế chính của hàng ngàn hộ dân của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Long An và Tiền Giang. 

Một vấn đề nữa là tuyến đê biển còn làm cản trở hoạt động của các tàu thuyền tại các cảng nước sâu như cảng Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu), Hiệp Phước - Tân Cảng (TP.HCM)… “Việc xây dựng đê biển có thể làm cho các nhà đầu tư hàng đầu thế giới từ bỏ ý định chọn những cảng biển ở khu vực này để làm điểm xuất phát đi đến các nước khác. Như vậy, dự án sẽ gây những tổn thất, thiệt hại không thể lường được cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - Sở NN&PTNT lập luận. 

Rừng ngập mặn sẽ biến mất 

“Trong báo cáo về dự án xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công, nhiều vấn đề về môi trường chưa được đánh giá đúng mức và dự báo đầy đủ” - PGS-TS Lê Trình, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, nói. 

Ông Trình phân tích: Việc ngăn vịnh Gành Rái - Đồng Tranh bằng đê biển nhằm ngọt hóa vùng cửa sông Đồng Nai - Sài Gòn chắc chắn làm suy thoái các hệ sinh thái rừng ngập mặn trong vùng, đặc biệt là rừng ngập mặn Cần Giờ (khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận). Nguyên nhân chính là do độ mặn của các sông và kênh rạch bị giảm làm thay đổi điều kiện sống của các loài thực vật ngập mặn như mắm, đước, bần… Ngành nuôi trồng thủy sản nước mặn của các khu vực ven vịnh Gành Rái (với diện tích trên 10.000 ha) cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Ngoài ra, việc ngăn vịnh Đồng Tranh - Gành Rái còn làm gia tăng khả năng bồi lắng vùng cửa sông, ven biển, gây tác hại cho hệ sinh thái nước, đặc biệt là tác hại đến giao thông đường thủy trong khu vực. “Các tác hại về sinh thái và kinh tế nêu trên chưa được tính tới trong dự án này. Do vậy, không thể kết luận về hiệu quả kinh tế của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công” - ông Trình nhấn mạnh. 

Trung Thanh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: