Siêu dự án Metro và thách thức "ven đô"

Chủ nhật, 28 Tháng 10 2012 00:56 DNSG
In

Mục tiêu của Metro là rút ngắn khoảng cách địa lý, tạo điều kiện di chuyển thuận lợi cho cư dân nội và ngoại thành. 5 phút giãn cách tuyến, 30 phút ngồi trên tàu điện ngầm, tránh được ùn tắc giao thông và khói bụi, mua sắm ở những ga trung tâm… 

Thuật ngữ Thomas Friedman cho ra đời vào năm 2005 trong tác phẩm cùng tên - “Thế giới phẳng” (The world is flat) có nét tương đồng với tương lai TP. Hồ Chí Minh khi Metro vào guồng hoạt động. Người dân từ các tỉnh ven TP. Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu cũng dễ dàng di chuyển đến trung tâm thành phố.  


Ngoài tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, Metro tạo ra không ít cơ hội đầu tư tại các không gian ngầm và khu vực gần các ga trung tâm 

Xét về khía cạnh kinh tế, ngoài tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, không ít cơ hội đầu tư sẽ mở ra không chỉ tại các không gian ngầm và khu vực gần các ga trung tâm. Vì khi cuộc sống đô thị được nâng cấp, những công ty lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cảm thấy thuận tiện và thoải mái hơn khi làm việc tại “vùng đất hứa”. 

Dưới góc độ xã hội, không ít lập luận cho rằng Metro sẽ góp phần giảm tải sức ép dân số trong khu vực nội thành. Bởi một khi điều kiện đi lại đã được cải thiện, lựa chọn an cư ở ven trung tâm thành phố có thể giảm nhiều chi phí. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Trọng Hòa cho rằng đây chính là cơ hội sở hữu nhà cho người thu nhập hạng trung và thấp, dù cơn sốt giá đất là không thể tránh khỏi. Điều này mang lại mặt tích cực về hiệu quả đầu tư Metro nói riêng và chất lượng cuộc sống nói chung. 

Đặt câu hỏi ngược lại, ai sẽ là người lựa chọn sinh sống tại vùng đất ven đô? Khi mà nội thành đã rơi vào tình trạng quá tải, những cư dân vốn chưa tìm được nơi an cư trong thành phố vì yếu tố tài chính hoặc lớp người mới đến chiếm nhiều khả năng nhất. Bóc tách vấn đề này, hai mặt thuận lợi và thách thức sẽ hiện diện. Không phải để phê bình hay đánh giá, mà cái “giật mình Metro” này sẽ góp phần tạo bước chuẩn bị đầy đủ để hạn chế tối đa những khuyết điểm của Metro. 

Giáo sư sinh học người Mỹ Paul R.Ehrlich đã đưa ra thuật ngữ “Quả bom dân số” (The population bomb) cách đây 40 năm như một hình ảnh thể hiện sự đông đúc và chật chội của Trái Đất. Nhìn lại TP. Hồ Chí Minh, với số dân thực tế đã chạm mốc 10 triệu người theo phát biểu của Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Minh Trí, vấn đề giải tỏa áp lực nhập cư lại càng quan trọng. 

Theo số liệu thống kê vào năm 2011, dân nhập cư đã chiếm gần 1/3 tỷ lệ. Tuy nhiên, với đà mỗi năm tiếp nhận thêm 200.000 người nhập cư, chất lượng cuộc sống và khoảng cách giàu nghèo bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng dân số giữa các tỉnh ven thành phố nói riêng, giữa nông thôn và thành thị nói chung cũng đem lại nhiều hậu quả tiêu cực. 

Chính vì những nguyên nhân này, Dự thảo sửa đổi Luật Cư trú đã siết chặt điều kiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Con số phải đảm bảo 5m2/người dù chưa mang tính thực tiễn cao, nhưng cũng phần nào thể hiện tình trạng cấp bách của vấn đề quá tải dân số. 


Phối cảnh tuyến Metro số 1 TP.HCM 

Quay lại câu chuyện Metro góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng người có thu nhập trung bình, bao hàm cả dân nhập cư. Theo luật chơi lợi thế so sánh thì phúc lợi có xu hướng chảy về trung tâm, ngược lại ô nhiễm, bất lợi thường chảy về ngoại vi. Từ đó, một vùng ven thu hút dân cư sinh sống sẽ đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. 

Đầu tiên là sự du nhập những văn hóa mới từ những người dân nhập cư. Kéo theo đó là khả năng phát sinh những vấn đề liên quan đến lối sống, thậm chí là tệ nạn xã hội. Kế đến yêu cầu đồng bộ về bộ máy chính quyền và cơ sở hạ tầng. Cuối cùng là mâu thuẫn phát sinh giữa ý chí tìm cơ hội sinh sống từ người lao động nhập cư với mục tiêu giảm tải sức ép của bộ máy lãnh đạo thành phố. 

Như một bức tranh tương phản, bên cạnh những tòa cao ốc là những ngôi nhà tạm bợ, hay khu ổ chuột. Những người dân tứ xứ sinh sống tại đất Sài thành chấp nhận cuộc sống bấp bênh, để đổi lấy một môi trường học tập tốt hơn cho con cháu cũng như cơ hội đổi đời. Động cơ chính đáng này kết hợp với cơ hội an cư do Metro tạo ra càng thể hiện độ phức tạp và cấp bách của sự chuẩn bị về mặt con người song song với dự án đang xây dựng. 

Có thể nói, đề án đề xuất mô hình chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh theo 4 thành phố vệ tinh là một bước chuẩn bị để tăng cường quản lý khu vực ngoại thành. Không phải là viễn cảnh xa vời, tình trạng xem thường những người dân nhập cư là không thể chối bỏ. Liệu rồi sẽ có thuật ngữ “TP Hồ Chí Minh 1” để chỉ nội thành, “TP Hồ Chí Minh 2, 3…” dành cho ngoại hạt như câu chuyện “Hà Nội 1”, “Hà Nội 2” vẫn tồn tại trong quan điểm của một bộ phận khi địa giới hành chính của Thủ đô thay đổi. 

Đứng về góc độ xã hội, Metro có liên quan mật thiết đến dân số và chất lượng cuộc sống. Mà đã “chạm” đến vấn đề con người thì dù thuộc tầng lớp nào, sống ở đâu đều cần được xem trọng. TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh khẳng định khoan hãy bàn về các biện pháp bắt người dân tuân thủ, nội tại từng chính quyền địa phương phải xây dựng được đạo luật cụ thể, rồi sau đó mới bắt tay vào điều chỉnh quy định cư trú cho phù hợp. 

Một giải pháp tổng hòa được các lợi ích là một bài toán không dễ nhưng lại yêu cầu đáp án cấp bách đang đặt ra cho Metro./. 

Thiên Thuận - Vân Anh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: