Quản lý và phát triển chợ dân sinh vẫn nhiều bất cập

Thứ sáu, 06 Tháng 9 2013 09:11 TTXVN
In

Chợ không chỉ là một tổ chức hoạt động kinh tế mà còn là một loại hình sinh hoạt văn hóa chứa đựng đậm đà bản sắc dân tộc, là bộ phận cấu thành trong đời sống kinh tế văn hóa xã hội. Thông qua các chợ truyền thống, hàng hóa được đưa từ sản xuất đến tiêu dùng, góp phần mở rộng kích thích sản xuất hàng hóa phát triển, phục vụ sản xuất cũng như đời sống của các tầng lớp nhân dân. 

Phong trào xây chợ, chỉnh trang chợ sôi động, từ Bắc vào Nam, nở rộ nhất là trong các đô thị lớn, kéo theo nhiều toan tính, hy vọng. Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh trong công tác xây dựng, phát triển chợ dân sinh thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều bất cập.  
 

Gây lãng phí lớn 

Một nghịch lý rõ nhất trong các dự án phát triển chợ là nơi cần chợ thì mong dài cổ cũng không có hoặc chợ đã bị xuống cấp nghiêm trọng vẫn phải chờ kinh phí sửa chữa. Ngược lại, những nơi được đầu tư xây mới thậm chí "lên đời" thành trung tâm thương mại to đẹp hơn lại không còn là chợ nữa vì cảnh "đìu hiu", trong khi con ngõ hẹp hay chợ cóc ngay cạnh vẫn tấp nập và quá tải. 

Chợ tại một số tỉnh thành cũng diễn ra tình trạng chợ xây dựng tiền tỷ bỏ hoang tại như chợ Gio Hải được Ủy ban nhân dân xã Gio Hải tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng 1,9 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang.

Sau gần 3 năm đưa vào hoạt động, chợ cá Gio Hải không một bóng người. Nghịch lý là ngay trước mặt chợ Gio Hải lại có một chợ tạm chỉ với những căn lều xập xệ nhưng tấp nập người mua bán, hàng hóa ở đây không thiếu thứ gì.

Tại tỉnh Bến Tre có hàng chục chợ tiền tỷ bỏ hoang. Cách đây hơn 1 năm, Công ty cổ phần Thương mại, tư vấn thiết kế và thi công xây dựng Đông Đô tổ chức lễ khánh thành chợ mới Quới Sơn (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành) trên diện tích gần 5.000m2 với hơn 400 kiốt, sạp hàng, số vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng.

Tất cả các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, xử lý nước thải, chiếu sáng… đều được tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn chợ nông thôn mới. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ngôi chợ này vẫn vắng người mua, bán.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, đã có hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn được rót vào đầu tư xây chợ theo đủ phương thức nhưng mau chóng trở thành lãng phí. Nguyên nhân rất đa dạng, nơi năng nổ và có điều kiện bao cấp ngân sách thì xây "chợ Nhà nước" vào vị trí không thích hợp, địa thế bất tiện nhiều mặt, thậm chí nhiều lỗi kiến trúc và xây dựng, thiếu kết nối hạ tầng, xa nguồn cung cấp hàng hoá, dịch vụ, nên ngay khi đưa vào sử dụng đã không thu hút được các đơn vị, hộ kinh doanh tham gia.

Phong trào đầu tư chợ dàn trải theo cơ chế "xin - cho" khiến không ít chợ chưa xây xong, thiếu kinh phí đành bỏ hoang; hoặc xây chợ xong, đánh trống khai trương, ghi thành tích, còn "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi." 

Thống kê của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2012, cả nước đã cải tạo nâng cấp được 2.984 chợ các loại, xây mới trên 2.000 chợ, nâng tổng số chợ trên cả nước lên con số gần 8.550.

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho rằng, sự phát triển của hệ thống chợ đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tiêu thụ hàng hoá, góp phần thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và đưa hàng Việt về nông thôn.

Tuy nhiên, việc phát triển và quản lý chợ vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế như chất lượng của một số quy hoạch chợ chưa tốt, số lượng chợ tăng nhanh nhưng phân bổ không đều. Cùng với đó là chất lượng quy hoạch chợ nông thôn chưa tốt, số lượng chợ tăng nhanh nhưng phân bổ không đều. Hệ thống chợ chủ yếu là chợ bán lẻ, đa số chợ có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất-kỹ thuật còn sơ sài, lạc hậu (hiện còn khoảng 28% số chợ ở trong tình trạng lều lán, tạm bợ, thậm chí tới 15% chợ họp ngoài trời).

Chợ đầu mối quy mô lớn còn ít (cả nước chỉ có 84 chợ đầu mối, chiếm 0,98% tổng số chợ). Vì vậy, hệ thống chợ chưa tương xứng với vị trí và vai trò của chợ và chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Tình trạng chợ hoạt động kém hoặc không hiệu quả chiếm 3% ở một số địa phương, trong đó có những chợ được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình 135… 
 

Quy hoạch chợ hợp lý, đồng bộ 

Để phát triển cũng như quy hoạch chợ một cách hợp lý, đồng bộ thì các cấp, các ngành và địa phương cần nghiêm túc nhận thức lại, chủ động rà soát, bảo đảm cơ sở khoa học và thực tế của các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển chợ, lựa chọn cơ chế quản lý phù hợp, cân đối các lợi ích giữa chủ đầu tư, tiểu thương, người mua và các mục tiêu kinh tế - xã hội khác. 


Chợ Văn Thánh thành “thanh vắng” trước khi bị đập bỏ: thất bại của một mô hình (Ảnh: Hồng Thái /SGTT) 

Cùng với đó, ông Võ Văn Quyền cho rằng cần coi trọng các yêu cầu thiết kế kỹ thuật, tiêu chuẩn hoá, phát triển các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chợ theo hướng đồng bộ, tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho cả người mua và kẻ bán; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tiểu thương, hộ gia đình vào chợ kinh doanh đúng chức năng, ngành nghề với chi phí thấp nhất… 

Chỉ khi đó, chợ mới thực sự là chợ, phát huy được vai trò thiết yếu của chợ cả về vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài, cũng như giải quyết dứt điểm những nghịch lý về chợ dân sinh, tiết kiệm tiền của, đất đai, công sức của nhân dân và xã hội.

Đại diện các Sở Công Thương đề xuất các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân phải có sự phối hợp đồng bộ trong việc thực hiện các giải pháp. 

Ngoài ra, Bộ cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh và nâng cao chất lượng của quy hoạch phát triển mạng lưới chợ; sửa đổi bổ sung qui định pháp luật về chính sách phát triển và quản lý chợ cũng như chính sách khuyến khích ưu đãi và hỗ trợ vốn đầu tư.

Hơn nữa, Bộ sẽ phân bổ đa dạng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chợ, trong đó tập trung huy động vốn của các tổ chức, cá nhân, nhất là của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hộ kinh doanh. Ngoài ra, phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để hỗ trợ nguồn nhân lực cho công tác phát triển và quản lý chợ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết, để giải quyết vấn đề chợ tiền tỷ ở nông thôn bỏ hoang, Bộ đã đề nghị các địa phương cần hạn chế xây chợ mới vào những địa điểm không phù hợp. Vấn đề xã hội hóa các chợ, xây dựng mới hoặc cải tạo các chợ phải đáp ứng được yêu cầu cho cả người bán và người mua...

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chợ nói riêng và hạ tầng thương mại nói chung.

Cùng với đó, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư đối với các tỉnh nghèo, có nhu cầu bức xúc về chợ nhất là miền núi vùng sâu, vùng xa nguồn thu còn khó khăn, không có khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và vốn của cư dân trên địa bàn để đầu tư phát triển chợ.

Đặc biệt, đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm cho các địa phương cần tách nguồn vốn đầu tư phát triển chợ thành mục riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ.

Ngoài ra, các Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển chợ; kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng chợ triển khai dự án; tiếp tục quan tâm dành ngân sách cho công tác phát triển quản lý chợ trên địa bàn./.

Uyên Hương 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: