Nên quy định hạn mức thu hồi đất đối với hội đồng nhân dân

Thứ bảy, 14 Tháng 9 2013 09:30 SGTT
In

Để hạn chế việc thu hồi đất tràn lan, luật Đất đai nên quy định hạn mức, Quốc hội mức nào, Chính phủ mức nào, và trao quyền cho hội đồng nhân dân (HĐND) mức nào, ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm uỷ ban Tài chính – ngân sách nêu đề xuất trong phiên thảo luận chiều ngày 12/9 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. 

Cho rằng quy định trong dự án luật còn chung chung, ông Hiển đề nghị cần ghi cụ thể hơn, để thể hiện quyền định đoạt đất đai từ Trung ương đến địa phương.  

Đáng chú ý, ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh, cần có rà soát để xác định việc thu hồi đất có thực sự phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội không (điều 62 – 63). Theo dự thảo, điều 62 quy định việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, điều 63 quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế – xã hội. 


Khung giá đất luôn không theo kịp biến động của thị trường. Đặc biệt, tại các đô thị lớn, giá đất chỉ bằng 30-60% giá thị trường. 

Để minh hoạ thêm cho “vấn đề đất đai hết sức phức tạp”, chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói đến vụ việc một người đã xông vào trụ sở UBND thành phố Thái Bình bắn 5 cán bộ do bức xúc về đền bù đất vào tối 11.9. Đặc biệt, ông Hạnh Phúc cho rằng những vụ việc như gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng là “không ổn”. “Công sức người ta bỏ ra mất hết à, người ta không chịu nổi nên mới phản ứng”. Những vụ việc như vậy cần hạn chế bớt. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, Hiến pháp và luật Đất đai có liên quan nhau ở điểm “thu hồi thế nào”. Trong trường hợp cần thiết, vì lợi ích quốc gia, quốc phòng... mới thu hồi, còn lại thì giải quyết theo phương thức khác.

Ông Hùng bày tỏ lo ngại, các điều 61 – 62 – 63. Điều 61 là thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh), “đọc xong thấy Hiến pháp chưa thông qua được”. Trong khi đó, Hiến pháp phải được thông qua trước luật Đất đai.

“Vấn đề đất đai ảnh hưởng các mối quan hệ có tính chất chính trị, cách mạng cũng từ đất với khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Đất đai cũng có ý nghĩa kinh tế, nếu giải quyết tốt sẽ bình ổn xã hội, không còn khiếu nại, tố cáo, “bởi tiêu cực, tham nhũng cũng từ đất đai”. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu cụ thể các mục đích thu hồi đất vì quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế – xã hội... “Từ 1 đến 20, kể rõ ra”.

Hơn nữa, khi nói đến các dự án kinh tế – xã hội, thì cần thêm điều kiện về cấp có thẩm quyền. “Nội dung có thể giống nhau nhưng cấp không có thẩm quyền thì không được thu hồi”. “Nếu không là các đồng chí làm hỏng Hiến pháp đấy, luật Đất đai hỏng, là gay”, ông lưu ý. 

Ông Hùng cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ nội dung “thu hồi thời điểm nào trả tiền cho dân giá thời điểm đó” là thế nào? Có thể lại tiếp tục gây khiếu kiện. “Lúc đền bù giải toả thì các anh bập vào thu hồi, dự án thì treo lên, giá sát thị trường thì các anh đền bù cho dân thế nào?”, ông đặt câu hỏi.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng lưu ý đến tính xác thực của mục đích thu hồi đất đai dành cho phát triển kinh tế – xã hội, cần tránh điều “dân bức xúc nhất”. Ông Sơn nhấn mạnh đến thẩm quyền của cấp Chính phủ, HĐND, “tâm lý giao quyền cho bên dưới nhiều thì không tin tưởng”.

Từ đó, ông Sơn đề nghị cần thu hẹp bớt thẩm quyền của HĐND. Cần quy định rõ dự án kinh tế xã hội quan trọng nào thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, dự án nào thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Ông Sơn cũng đề nghị gộp hai điều 61 – 62.

Về vấn đề giá đất, phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị nên có một giá đất, mục đích sử dụng khác nhau nhưng cần đền bù một giá. Ví dụ nhà tôi và nhà anh Ksor Phước cùng một dãy, mà giá đền bù khác nhau, thì “không bao giờ có sự đồng tình của dân được”. Khi đất được đưa lên sàn thì mới công khai, khách quan. Nhà nước phải là nơi định giá đất, dựa trên cơ sở có một cơ quan tư vấn, độc lập, có chuyên môn mới đảm bảo khách quan và đảm bảo giá thị trường.

Ông Phùng Quốc Hiển đề xuất, Nhà nước cần điều tiết phần chênh lệch giá đất, thì người dân dễ chấp nhận hơn.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh vấn đề đất đai ảnh hưởng các mối quan hệ có tính chất chính trị, cách mạng cũng từ đất với khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Đất đai cũng có ý nghĩa kinh tế, nếu giải quyết tốt sẽ bình ổn xã hội, không còn khiếu nại, tố cáo, “bởi tiêu cực, tham nhũng cũng từ đất đai”.

Vị Chủ tịch Quốc hội nhắn nhủ, cơ quan soạn thảo cũng như thẩm tra tiếp thu thêm các ý kiến, đảm bảo tính khả thi, hạn chế tối đa tiêu cực lãng phí. 

Việt Anh (SGTT) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: