Bồi thường phải là đền bù thiệt hại

Thứ sáu, 18 Tháng 10 2013 06:03 DNSG
In

Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp cuối năm nay. Nếu được thế, luật này cũng phải qua tới ba kỳ họp Quốc hội, một trường hợp ít gặp trong lịch sử lập pháp nước ta.  

Chưa có đột phá 

Tuy vậy, tại cuộc họp ngày 12/9/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn có nhiều ý kiến yêu cầu chỉnh lý một số quy định về bồi thường cho người có đất bị thu hồi, đặc biệt về giá đất. 

Theo Dự luật, bồi thường vẫn tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh quy định (gọi tắt là giá đất nhà nước) sát với giá thị trường vào thời điểm có quyết định thu hồi đất. Vậy là chưa có sửa đổi đột phá, trong khi bồi thường chưa thỏa đáng là nguyên nhân trực tiếp đẩy mâu thuẫn về đất đai ở một số nơi trở nên rất gay gắt. 


An Phú - An Khánh, Q.2, TP.HCM 

Trong chế độ sở hữu đất toàn dân, Nhà nước có chức năng thống nhất quản lý đất, trong đó có hai nhiệm vụ quan trọng là thu hồi đất đang sử dụng và giao những đất đó cho các chủ sử dụng mới. Hai nhiệm vụ này thực tế gắn chặt với nhau, hai mà một, một mà tách thành hai.

Điều này bắt nguồn từ quy định trong Hiến pháp 1980, khi chế độ sở hữu đất toàn dân bắt đầu được xác lập: "những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và hưởng thành quả lao động của mình" (Điều 20). Như vậy về nguyên tắc, mọi tổ chức và cá nhân đang sử dụng đất, tuy không còn quyền sở hữu, nhưng vẫn có quyền sử dụng.

Trong khuôn khổ pháp lý như vậy, mỗi khi cần phân phối lại đất có nhu cầu phát triển mới, Nhà nước phải ban hành các quyết định hành chính thu hồi đất từ những người đang sử dụng để giao cho người sử dụng mới. Hệ quả là người có đất bị thu hồi phải chịu nhiều thiệt hại, còn các nhà đầu tư được lợi lớn nhờ được giao đất cần cho nhu cầu kinh doanh. 

Giữa người bị thu hồi đất và người được giao đất xuất hiện mâu thuẫn lợi ích đối lập nhau. Đây là mâu thuẫn dân sự, hoàn toàn có thể hóa giải êm thắm nếu người được giao đất bồi thường thỏa đáng cho người bị thu hồi đất. Đối với nhà đầu tư, số tiền bồi thường này thực chất là vốn đầu tư và phụ thuộc vào hiệu quả đầu tư.

Đối với người bị thu hồi đất, đó là sự đền bù thiệt hại và phụ thuộc vào nhu cầu tái tạo nghề nghiệp và cuộc sống đã bị đảo lộn. Quan điểm người được giao đất phải bồi thường thiệt hại cho người bị thu hồi đất được khẳng định ngay từ Luật Đất đai 1988 (Điều 48 và 49), được tái khẳng định trong Luật Đất đai 1993 (Điều 27 và 73).

Tiếc rằng trong quá trình thực hiện, quan điểm này dần bị chệch hướng: một là tiền bồi thường ngày càng chuyển hướng sang tính theo giá đất nhà nước, vô hình trung chuyển thành quan hệ mua bán, ý nghĩa đền bù mờ nhạt dần; hai là Nhà nước dần trực tiếp tham gia vào việc thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Quan hệ bồi thường dân sự giữa người bị thu hồi đất với người được giao đất chuyển hóa thành quan hệ hành chính áp đặt giữa Nhà nước với người bị thu hồi đất và với người được giao đất, trong đó theo đánh giá của công luận, Nhà nước thường ưu ái các nhà đầu tư hơn. 

Tối và rối 

Do chệch hướng như vậy, nên vấn đề bồi thường mang sẵn mâu thuẫn giữa tính áp đặt của Nhà nước ngày càng cao với cách tính bồi thường ngày càng bị chi phối bởi nguyên tắc mua bán.

Thế giới hầu như chưa có tiền lệ như thế và các nhà làm luật nước ta lúng túng ngay từ đầu. Phải tới Luật Đất đai 2003, một số định nghĩa liên quan với bồi thường đất mới được ghi thành luật nhưng vẫn tối và rối.

Ví dụ, Điều 4 định nghĩa: "Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi cho người bị thu hồi đất".

Và "giá trị quyền sử dụng đất là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất đối với một diện tích xác định trong thời hạn sử dụng đất xác định". Rồi "Giá quyền sử dụng đất (sau đây gọi là giá đất) là số tiền tính trên một đơn vị diện tích đất do Nhà nước quy định hoặc được hình thành trong giao dịch về quyền sử dụng đất".

Do câu chữ ghi trong Luật "tối và rối" như trên, nên trong thi hành, tiền bồi thường được hiểu đơn giản là tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh quy định. Song, như thực tế đã diễn ra, những giá đất nhà nước này luôn thấp hơn giá đất thị trường, người bị thu hồi đất có cơ sở so sánh và đi tới kết luận là thiệt hại của mình không được đền bù thỏa đáng.

Khiếu kiện xuất hiện với quy mô ngày càng lớn, mức độ ngày càng gay gắt. Để giảm áp lực đòi tăng tiền bồi thường, Chính phủ đã chủ trương điều chỉnh giá đất nhà nước lên sát với giá thị trường (Nghị định 213/2007/NĐ-CP và Nghị định 69/2009/NĐ-CP).

Chủ trương bị động này khiến cho việc định giá đất nhà nước trở thành một nan đề. Mấy năm nay, các cơ quan hữu quan ở địa phương và cả trung ương đã rất vất vả với nan đề này.

Và hai giải pháp gỡ rối là "giá tư vấn" và "hệ số điều chỉnh K" đã được khiên cưỡng áp dụng. Gọi là khiên cưỡng, bởi tuy được coi là sát giá thị trường nhưng tất cả vẫn phải được UBND cấp tỉnh thông qua. Và quan trọng hơn là vẫn không được xã hội đồng tình, lòng dân vẫn không yên. Công việc thu hồi, giải tỏa vẫn vướng mắc.

Cuộc họp ngày 12/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy các nhà lãnh đạo Quốc hội vẫn chưa an tâm với Dự luật, bởi quy định về bồi thường vẫn quẩn quanh trong định hướng cũ (bồi thường theo giá đất do UBND cấp tỉnh quy định sát với giá thị trường), do đó không thể hóa giải nổi mâu thuẫn đã rất gay gắt như đã xảy ra gần đây. 

Yêu cầu đặt ra là phải sửa đổi căn bản, muốn vậy phải trở lại quan điểm coi bồi thường là đền bù thiệt hại dân sự giữa bên bị thu hồi đất với bên được giao đất. Nhà nước tham gia vào quan hệ này với tư cách người thống nhất quản lý đất, có trách nhiệm điều hòa hợp lý lợi ích các bên liên quan, nhưng không áp đặt.

Với nhận thức như vậy, nếu hiểu giá đất thị trường theo khía cạnh là giá được người mua và người bán thỏa thuận, thì trong vấn đề bồi thường này cần coi trọng tiếng nói của nhà đầu tư và của người có đất bị thu hồi, phải đưa họ từ người ngoài cuộc như hiện nay trở thành người trong cuộc trong các quyết định bồi thường. 

Lê Văn Tứ 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: