Duy trì giá trị lịch sử - Ưu tiên số 1 của trùng tu di tích

Thứ sáu, 22 Tháng 11 2013 17:35 Ashui.com
In

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khoa học phát triển vũ bão. Khảo cổ học hướng con mắt nhân loại xuống lòng đất, với những phát lộ kiệt xuất. Nhận ra giá trị khảo cổ học (thời ấy người ta nói đến Archéologie là chính) mà các di chỉ - phế tích kiến trúc cổ đại hàm chứa.  

Để có được nhận thức như hôm nay về di tích và di sản, nhân loại phải mất 2 – 3 thế kỷ. Đó là một quá trình giác ngộ thông qua sự nhận thức những giá trị của văn vật, theo lộ trình sau: 

Giá trị cổ xưa -> giá trị thẩm mỹ -> giá trị khảo cổ học -> giá trị khoa học -> giá trị văn hóa -> giá trị nhân văn -> giá trị trong cuộc sống đương đại. 

Ở các thế kỷ XVIII và XIX, người ta đề cao những giá trị cổ xưa và giá trị thẩm mỹ, bởi thế mà các tuyệt tác nghệ thuật kiến trúc được trùng tu, tuy chúng chưa hề được mệnh danh là di tích. 

Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, khoa học phát triển vũ bão. Khảo cổ học hướng con mắt nhân loại xuống lòng đất, với những phát lộ kiệt xuất. Nhận ra giá trị khảo cổ học (thời ấy người ta nói đến archéologie là chính) mà các di chỉ - phế tích kiến trúc cổ đại hàm chứa. Chúng là những kho thông tin lịch sử, bên cạnh sử sách và truyền thuyết. Giá trị lịch sử được công nhận từ đấy.

Thế kỷ XX đề cao giá trị khoa học của các di tích. Dù là di tích lịch sử, dù là di tích kiến trúc và nghệ thuật, dù là di tích thời cổ đại và thời cận đại, chúng đều có giá trị khoa học. Giá trị khoa học bởi tính khách quan của thông tin gốc.

Nửa sau thế kỷ XX là thời gian nhân loại chăm chút nhiều hơn cả cho những di sản văn hóa. Đề cao giá trị văn hóa; nhận ra “phần mềm” của di sản vật chất, đó là giá trị nhân văn; chia tách di sản thành hai, vật thể và phi vật thể; xác định chỗ đứng biện chứng của di sản trong cuộc sống đương đại; nhận thức ra sự phát triển bền vững chính là duy trì sự tiếp nối các thời đại, các thế hệ.

Từ sự nhìn nhận chặng đường dài làm chủ tri thức về di tích và di sản, từ ngay sự nhận thức bảo tồn với tư cách là một lĩnh vực hoạt động chuyên biệt, một sứ mệnh đặc biệt văn hóa, ta không thể không khẳng định một điều hết sức cốt lõi, làm chìa khóa cho sự thâm nhập bản chất và làm xuất phát điểm cho cách ứng xử duy nhất đúng, đó là:
Di tích là chứng nhân lịch sử. 
Di tích là nguồn sử liệu xác thực.
Giá trị lịch sử là giá trị trên hết của mỗi di tích.

Những thông tin lịch sử là đối tượng cần nâng niu nhất, cần giữ lại nhất cho di tích trong trùng tu. 

2

Chúng tôi nhận thức rằng: Đối với các di tích ở nước ta, yêu cầu số 1, đòi hỏi số 1 và ưu tiên số 1 trong trùng tu phải là: Duy trì giá trị lịch sử. 

Càng nghiên cứu lịch sử nói chung và những lĩnh vực của lịch sử văn minh Việt nói riêng, chúng ta càng thấy nguồn sử liệu qua sử sách quả là hạn chế. Biết dựa vào đâu? Chỉ còn một chỗ dựa, đó là các di tích vật chất. 

Mấy chục năm nghiên cứu lịch sử Thăng Long, các thế hệ nhà nghiên cứu chủ yếu sử dụng đi sử dụng lại một số nguồn tư liệu hạn chế, các địa danh, sơ đồ vẽ Thăng Long thời Hồng Đức, các sự tích v.v… Thiếu hẳn những chứng cứ vật chất.

Các phát lộ khảo cổ học gần đây có ý nghĩa lớn lao đối với lịch sử văn vật Thăng Long, mở ra triển vọng lạc quan cho những nỗ lực tái dựng, chí ít bằng chữ viết và bằng những phác họa, quá trình phát triển Thăng Long qua các giai đoạn lịch sử. Dĩ nhiên, nếu các di chỉ này được ghi chép chu đáo, được lập hồ sơ theo khoa học và được duy trì đúng như hiện trạng mà các nhà khảo cổ thoạt đầu chứng kiến chúng. 

Trong lịch sử dân tộc ta, có những giai đoạn thiếu vắng không những sử sách, mà cả những di tích vật chất. Một ngàn năm Bắc thuộc lưu lại những gì? Dấu vết thành Duy Lâu? Những mảnh mẩu trang trí thời Đại La ở di chỉ 18 Hoàng Diệu? Con cừu đá đặt dưới chân tháp Hòa Phong, chùa Dâu, Bắc Ninh? Thời Lê Sơ, từ Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông, chói lọi là thế, lưu lại những gì? Phế tích Sơn lăng ở Thanh Hóa, thềm rồng điện Kính Thiên ở Hà Nội? Điện Biên Phủ, - bãi chiến trường vĩ đại thứ 2, sau Bạch Đằng trong lịch sử dân tộc, còn gì đến hôm nay? Di tích của nhân vật lịch sử kiệt xuất nhất Việt Nam thế kỷ XX, Hồ Chí Minh, còn những gì đích thực ghi dấu ấn Người?… 

Nếu các dân tộc khác, nền văn hóa khác, đòi hỏi sự duy trì giá trị lịch sử cho di tích trong trùng tu, thì dân tộc ta, nền văn vật của ta, nền khoa học lịch sử của ta, càng đòi hỏi cao hơn nữa, gay gắt hơn nữa, sự duy trì bằng được giá trị lịch sử trong trùng tu.

Các di tích, sau trùng tu, mà đánh mất đi giá trị lịch sử, chỉ còn là những tờ giấy không chữ. Các di tích, sau trùng tu, phải tiếp tục là những chứng nhân lịch sử đã qua. Chúng không thể là chứng nhân lịch sử của ngày hôm nay. 

3

Để duy trì giá trị lịch sử, các di tích cần được bảo tồn nguyên vẹn. Bảo tồn bằng luật pháp, bằng quản lý. Bằng chăm sóc và bảo quản thường xuyên. Những biện pháp ấy không đủ ngăn chặn hủy hoại, ta buộc phải đưa chúng vào cuộc đại phẫu – trùng tu. Với một cuộc đại phẫu thông thường, bệnh nhân được cứu chữa, họa hoằn mới có người lâm nguy. Di tích sau trùng tu – đại phẫu, phải sống. Song, sống thế nào? Cải lão hoàn đồng? Trở nên ngây ngô, mất trí nhớ chăng?

Những cuộc trùng tu, nhìn trên những gì đang diễn ra hôm nay, là những cuộc vượt cạn của di tích không biết kêu đau, không biết tri hô.

Trùng tu là sự can thiệp bất đắc dĩ, nếu như di tích thực sự đứng trước nguy cơ mất. Trùng tu chỉ chấp nhận, khi những quan niệm “xấu” và “đẹp” chủ quan không đặt ra thành động cơ. Khi nhu cầu giải ngân, khi những toan tính vắt chanh, vắt sữa di tích không đặt ra.

Chỉ có trùng tu theo nhận thức khoa học, theo nguyên tắc và bài bản khoa học, mới có thể cho phép can thiệp vào cơ thể di tích, một cơ thể đan quện không chỉ bởi gỗ, bởi gạch đá, mà còn bởi những tế bào thời gian. Chúng mỏng manh, chúng dễ tan biến đến nhường nào!

Trùng tu khoa học trước tiên là tôn trọng ở mức cao nhất các đặc điểm lịch sử, đặc điểm cấu tạo và hình dáng, đặc điểm vật liệu và chất liệu, độ tuổi và màu sắc thời gian, tôn trọng mọi nhân tố cấu thành di tích, từ to đến nhỏ, tôn trọng môi trường tồn tại của nó, những mối quan hệ của nó với xung quanh và cộng đồng…

Trùng tu khoa học là hạn chế tối đa nhất mọi sự can thiệp vào cơ thể di tích, là sự cứu vãn bằng mọi cách (trước tiên bằng thủ pháp cổ truyền) những nhân tố gốc (dù phải sử dụng các biện pháp tương tự như trong ngành y), hạn chế tối đa mọi thay thế, không chấp nhận những sự làm giả, không chấp nhận những sự tùy tiện phá bỏ, dở bỏ, theo chủ quan và theo mệnh lệnh.

Những di tích bị biến đổi và bị làm giả hôm nay chỉ được lịch sử tính tuổi từ thời nay.

Trong trùng tu nhằm duy trì giá trị lịch sử, cần tư duy như nhà giải phẫu học, như nhà khảo cổ học đích thực. Việc vận dụng phương pháp khảo cổ học trong trùng tu đã được khoa học trùng tu hiện đại thừa nhận.

Trùng tu phải là một hoạt động khoa học – thực tiễn chuyên biệt. Một hoạt động với sự tham gia của nhiều lĩnh vực và bộ môn, của các chuyên gia thuộc nhiều ngành. Sự đảm bảo chất lượng khoa học cho trùng tu chính là vai trò của các nhà sử học, khảo cổ học, nghiên cứu mỹ thuật và các chuyên gia khác, trong sự hợp tác với các kiến trúc sư chuyên môn hóa về trùng tu.

Tuy nhiên, cơ chế của ta chưa hẳn đã tạo ra những tiền đề cho sự hợp tác bắt buộc phải có này. Trên thực tế, các nhà sử học, các nhà khảo cổ học và các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn chỉ tham gia ở các hội đồng, mà những ý kiến từ đó chỉ là tham khảo. Trong nhiều trường hợp bi đát, họ tham gia khi bản án nghiệt ngã đối với di tích đã thi hành. 

4

Chưa bao giờ xã hội quan tâm nhiều đến di sản văn hóa như lúc này. Chưa bao giờ nhiều tiền, nhiều của lại bỏ ra như vậy cho trùng tu và tân tạo di tích. Song, cũng chưa bao giờ di tích lại đứng trước những nguy cơ, những thách thức nghiêm trọng như bây giờ. 

Trong quá khứ, các công trình mà các cụ chưa bao giờ coi là di tích hoặc bị hủy hoại, hoặc được duy tu theo lối cổ truyền, để tồn tại đến hôm nay. Các di tích ấy hôm nay đã bứt ra khỏi dòng chảy cũ, chúng bị thách thức sinh tử. Cuộc sống hiện đại hóa với tốc độ phi mã thách thức. Sự can thiệp bởi trùng tu thô thiển cũng thách thức. Trong trùng tu, các di tích dễ bị đem mổ xẻ, bị đem đánh giá theo các quan niệm và tiêu chí chủ quan, dễ bị cắt bỏ, loại bỏ, thay thế hoặc cấy ghép, bị tách lìa ra khỏi môi trường, bị cải tiến và phục trang, bị đem ra tiếp thị. Nguy cơ này nhận thấy rõ hơn nhiều so với số ít những cuộc trùng tu, được thực hiện cẩn trọng, tỉ mỉ như bởi các bác sĩ, khi họ đụng chạm vào cơ thể biết đau.

Nhận rõ 3 xu hướng nguy hại trong trùng tu hiện nay:
- Xu hướng đặt trùng tu di tích vào địa hạt của ngành xây dựng.
- Xu hướng chú trọng “tôn tạo” hơn trùng tu bảo tồn.
- Xu hướng du lịch hóa.

Xu hướng thứ nhất có những biểu hiện như sự tương đồng trùng tu di tích với các dự án đầu tư xây dựng; vận dụng những bài bản, quy định và tiêu chuẩn của ngành xây dựng hoặc sử dụng những nhà thầu của ngành xây dựng. Xu hướng này được biện bạch bởi sự ràng buộc của cơ chế, bởi mục tiêu đảm bảo sự tồn tại lâu bền đối với công trình xây dựng. Rốt cuộc, sau một cuộc trùng tu lớn kiểu này, những thành phần gốc chỉ còn lại 30 – 40%, hàng trăm mét khối gỗ mới được đưa vào, gạch – ngói và vôi vữa sử dụng tràn lan, di tích bị thay da đổi thịt. Mỗi một dự án như vậy tốn kém trên dưới chục tỉ, thậm chí hàng nhiều chục tỉ đồng. Trong khi đó, hàng ngàn di tích khác đang chờ sự cứu chữa. Quả là sự xa hoa ở nơi phải chắt chiu!

Trong cách ứng xử kiểu xây dựng cơ bản này, di tích bị đưa ra khỏi bản chất đích thực của mình: Di tích là những đại lão. Tuổi tác và độ từng trải phải là những gì đáng quý trọng nhất. Đại lão mà được cải lão hoàn đồng là được. Di tích – đại lão mà được cải lão hoàn đồng là mất. Cứu hóa ra triệt.

Xu hướng thứ hai, chú trọng “tôn tạo” hơn trùng tu bảo tồn. Khái niệm “tôn tạo” được hiểu là làm cho các di tích đẹp hơn và sang hơn, đê huề hơn và bắt mắt hơn. Quan niệm “tôn tạo” dạng này xuất phát từ cách nghĩ cho rằng di tích ở ta giản đơn quá, nhỏ bé quá, kém lộng lẫy quá. Cách nghĩ này xem nhẹ điều cốt yếu: Giá trị lịch sử khách quan của di tích, giá trị văn hóa của di tích. Những thứ cốt yếu đó chỉ tổ tiên và ông cha ta, chỉ thời gian mới làm ra được. Chúng ta không có thể và không có quyền phiên bản hóa những di tích gốc hiện hữu. Sứ mệnh của chúng ta là ở sự “giữ”, chứ không phải là sự “cải tiến”.

Xu hướng thứ ba, du lịch hóa di tích. Chúng ta nói nhiều về thương mại

hóa di tích và danh thắng. Đó chỉ là sự ám chỉ hiện tượng người dân bám víu vào di tích, danh thắng để bán hàng mã và đồ lưu niệm, làm dịch vụ. Còn “du lịch hóa” di tích lại xuất phát từ nhận thức, từ chủ trương, thậm chí từ động cơ làm kinh tế, với sự đầu tư tiền của lớn lao của Nhà nước. Các di tích và danh thắng lớn gần đây bị đặt trước thách thức ghê gớm này. Có vẻ các nhà kinh doanh du lịch sốt ruột về sự thiếu tiện nghi của các di tích, sự thiếu khả năng tiếp thị của chúng, sự chậm rãi của các nhà bảo tồn di sản chăng? Họ vội vã đầu tư, mở đường rõ to, xây cất thật nhiều, tạo tiện nghi kề cận di tích, tiếp thị vội vã trong ý muốn biến di tích thành thực đơn du lịch. Cái linh, cái thiêng của đền chùa, của chốn danh lam thắng cảnh, của những di tích lịch sử, hình như ai đó đang đem đặt lên những chiếc mâm của nền kinh doanh du lịch. 

Di sản văn hóa bị đe dọa hơn cả ở giai đoạn mà nó được chú trọng hơn cả. 

… Một ngôi đình cổ nhất nước, sau trùng tu, lợp toàn ngói mới. Ngói cũ, lẽ ra cần giữ lại, bởi bao đời dân làng gom góp, bởi ngói cũng là lịch sử, cũng là hoài niệm. Một bức tường xây gạch con kiến bổ trụ, cao 2 mét bao quanh khuôn viên đình. Nó cách trở ngôi đình với xóm làng, đã dựng nên nó và ôm ấp nó suốt 5 - 6 thế kỷ. Ông từ không còn. Nhân viên bảo vệ thế chân. Anh ta có quyền, bởi quản cái chìa khóa cổng sắt, trang trí bởi chữ “Thọ”. Di tích bị phi bản chất hóa.

… Một khu lăng tẩm từ thế kỷ XV – XVI, tuy không đồ sộ như Minh lăng bên Trung Hoa, tuy đã bị đổ nát, chỉ vương lại những nền, những mẩu và mảnh, song lại là một trong 2 – 3 vết tích vật chất cuối cùng của một triều đại vẻ vang và văn minh bậc nhất. Người ta đã “tôn tạo” nó theo kiểu mình, đặt cái “tôi” và cái “chúng tôi” lấn át cả những cái bia hùng vĩ mà người xưa dựng lên, chú trọng hơn là những phần mộ của chính mình.

… Di tích quê hương nhà yêu nước vĩ đại thế kỷ XX của dân tộc ta.

Những lưu niệm về dòng họ, về gia đình, về Người mong manh quá. Những nếp nhà ở quê nội, quê ngoại cũng chỉ là sự mô phỏng. Nền cảnh làng quê, cách đây không lâu chưa biến đổi nhiều, chính lại là nền cảnh văn hóa lịch sử lưu niệm đặc trưng. Song, một dự án đồ sộ du lịch hóa khu di tích đang triển khai, phá vỡ những tế bào cuối cùng của một khu di tích vốn đã ít di tích, làm tiêu tan sức thuyết phục vốn dĩ nó cũng đã thiếu. Đường xá mở rộng quá mức, cái hiện đại đem kéo sát khuôn viên các di tích gốc, chốn làng quê xứ Nghệ nhuần nhị bị công viên hóa, khu mộ người mẹ cũng bị biến thành công viên du lịch…
Các di tích đang được trùng tu quá tay, tôn tạo quá đà, khai thác thô thiển. Nói gì đến những giá trị lịch sử và văn hóa, những điều không dễ nhận ra. 


Tác giả - GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính (giữa) cùng các học trò tại đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc, Hà Nội 

5

Nếu không duy trì được giá trị lịch sử, trùng tu trở thành vô nghĩa.

Nếu đánh mất di tích, tội lỗi của thế hệ chúng ta nặng hơn các thế hệ sống trước. Bởi, chúng ta đã giác ngộ về di sản văn hóa, bởi chúng ta bắt đầu cần nó hơn bao giờ hết.

Trùng tu di tích phải trở thành lĩnh vực hoạt động khoa học và thực tiễn chuyên biệt. Trùng tu phải dựa trước tiên vào tri thức, sau đó là vào phương pháp, sau cùng là vào bàn tay nghệ nhân.

Tôi không rõ nữa, bằng cách nào đây để vượt qua được những lực cản. Những rào cản của cơ chế hiện hữu mà chúng ta đã tạo ra một cách công phu. Để cuối cùng xây dựng cho được một tổ chức chuyên môn hóa về trùng tu, nơi cộng lực cộng trí cộng lòng của các nhà sử học, khảo cổ học, các kiến trúc sư, các nhà chuyên môn đã chuyên môn hóa, nơi sẽ là một thứ bệnh viện của di tích, thực thi những bài bản trùng tu chữa trị, có tri thức, có độ cẩn trọng, có độ tinh tế và với tất cả tình yêu thương. 

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính 

(Bài viết trong cuốn sách "Văn hóa Kiến trúc", NXB Tri thức - 2013) 

Nhân dịp Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11), 9 giờ sáng thứ Bảy (23/11/2013) sẽ có buổi trò chuyện về bảo tồn các di sản đô thị-nông thôn và phố cổ Hà Nội của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, địa điểm: đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, cùng triển lãm tranh của giáo sư). Mời các bạn quan tâm đến tham dự! 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: