Phê bình kiến trúc hiện đại

Thứ sáu, 20 Tháng 12 2013 06:55 Kiến Việt
In

Ở các nước phương Tây, các “quyền lực” chi phối sự phát triển kiến trúc đô thị rất nhiều, ngoài Chính phủ, Nhà nước, chủ đầu tư, thái độ sáng tạo của giới kiến trúc sư, còn một sức mạnh hùng hậu nữa là các nhà phê bình kiến trúc.

Trong các nước đang phát triển ở châu Á, một số nước còn tỏ thái độ thờ ơ đối với phê bình kiến trúc. Phê bình kiến trúc không sôi nổi như phê bình văn học, mỹ thuật, âm nhạc, kịch nói, vũ đạo và điện ảnh. Chính vì vậy, một số nước châu Á đã đặt vấn đề học tập các nước phương Tây, đặt vấn đề lý luận phê bình kiến trúc đô thị là một bộ phận cấu thành quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các công trình kiến trúc, các quần thể kiến trúc và các đô thị. Việc học tập phương Tây trong phê bình, bình luận kiến trúc là một vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển lý luận kiến trúc và nội dung của công việc này là xử lý và cập nhật các lý luận về phê bình và bình luận kiến trúc của các nước phát triển, xem các tác phẩm sách báo, luận văn, xem các trước tác này là những “model” (khuôn mẫu) để tham khảo, thậm chí “mô phỏng” các bình luận, sau một thời gian sẽ “tiêu hóa” và biến thành “cái riêng” của mình. Cách này là một cách làm thực sự cầu thị, những cái mình còn thiếu hụt thì “sưu tầm học đạo”. Chính vì cách làm này, phong trào phê bình kiến trúc ở một số nước đang phát triển ngày một tiếp cận với “chân lý phổ biến”, đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng sáng tác kiến trúc và xây dựng đô thị. Việc làm này, trong bối cảnh toàn cầu hóa rất có lợi vì nó góp phần san bằng trình độ giữa phương Đông và phương Tây.


Biệt thự Garches của Le Corbusier

Ở Việt Nam, một số công trình lý luận về phê bình kiến trúc đã được công bố, một số bài viết đã được dùng để giảng dạy cho sinh viên kiến trúc và cao học kiến trúc. Chúng tôi đã bước đầu công bố những bài viết về các nhà phê bình kiến trúc hàng đầu của phương Tây như Kenneth Frampton, Bruno Zevi, Charles Jencks, Ada Louis Huxtable… và giới thiệu quan điểm triết học giải tỏa kết cấu của nhà triết học Derrida. Chúng tôi muốn nhấn mạnh lại chữ “bước đầu” ở trên, vì trong kiến trúc và đô thị ở ta và xoay quanh nó, có những chuyên nghành và các phân ngành,việc nghiên cứu và phổ biến, chính thức hoa, trao cho chúng một hệ thống lý luận chính thống đều mới là những nấc thang đầu tiên, chẳng hạn như: Lý luận và tuyên ngôn kiến trúc (Theories and Manifestoes of Architecture), mỹ học kiến trúc (The Aesthetics of Architecture), sách lược (chiến lược) thiết kế kiến trúc (Design strategies in Architecture) thiết kế đô thị (Urbal Design) và phê bình kiến trúc (Architectural Criticism).


Cung thể thao trượt băng - trường đại học Yale, Mỹ - cách tạo ra sự sống động bằng những đường cong

Người Việt Nam chưa làm quen được với tư duy trừu tượng, giới kiến trúc Việt Nam không thấy được điểm yếu của mình là sự thiếu hụt kiến thức Triết học và các môn Khoa học xã hội và nhân văn, họ quá nhấn mạnh và sung bái cơ khí, kỹ thuật, họ không biết là một kỹ thuật viên (Technicien) thì có thể đào tạo được còn một nghệ sĩ (Artiste) thì không thể đào tạo được, nếu không có một số điều kiện cần và đủ.

Vậy thì, như nhiều chuyên ngành khác, ngành phê bình kiến trúc (Architectural Criticism) đang là một lỗ hổng lớn mà những người quan tâm đến vấn đề này đang đòi hỏi những vấn đề rất cụ thể như nó bao gồm mấy chủ đề, nội dung chủ đề đó là gì, cần đặt chủ đề nào trước vấn đề nào sau. Thật ra, khi có một “model” (khuôn mẫu) rồi chúng ta cũng chỉ có thể dùng nó như “một công cụ ban đầu”, vì là một nhà nghiên cứu, cuối cùng vẫn phải nói những vấn đề riêng của mình tuy rằng bài bản chung vẫn rất quan trọng, và rất cơ bản.


Nhà phê bình kiến trúc lỗi lạc người Anh Colquhoun và tác phẩm “Essays in Architectural Criticism”

Chúng tôi đã cố gắng đi tìm một bài bản mang tính chất khung về phê bình kiến trúc và sau những cái chuẩn của Kenneth Frampton, những cái xuất sắc của Charles Jencks, chúng tôi muốn dừng lại ở nhà phê bình kiến trúc lỗi lạc người Anh Colquhoun với tác phẩm “Essays in Architectural Criticism” (nghiên cứu về phê bình kiến trúc). Cuốn sách là tập tổng kết tập hợp các bài viết trên các tạp chí, các kỷ yếu danh tiếng về kiến trúc, thiết kế và về văn hóa nghệ thuật. Dưới cuốn sách có một tiêu đề nhỏ “Modern Architectural and Historical Change” (kiến trúc hiện đại và diễn biến lịch sử) không cần thuyết minh dài dòng ta cũng nối ghép được tầm quan trọng của sự nối kết giữa kiến trúc và lịch sử, đồng nghĩa với ý nghĩa của phê bình kiến trúc là thúc đẩy nghệ thuật kiến trúc tiến lên.

Cuốn sách có nội dung chủ yếu liên quan đến phê bình kiến trúc hiện đại và một phần kiến trúc sau hiện đại từng được tặng thưởng giải thưởng ấn phẩm phê bình kiến trúc xuất sắc nhất 3 năm một lần. Alan Colquhoun đã kiên trì một đường lối lý luận và phê bình “đại diện cho lương tâm của cả một thế hệ kiến trúc sư, lý thuyết rõ ràng và cẩn trọng của ông luôn dẫn đến những tranh luận và đã trở thành động lực tìm hướng đi mới của lý luận và thực tiễn. 17 bài luận văn của ông tập hợp lại đã trở thành một “mạng khung” tiêu biểu cho sự phát triển tư tưởng kiến trúc 30 năm trước khi cuốn sách ra đời, nó là một phần xuyên suốt quan trọng của “lý luận kiến trúc hiện đại”.

Colquhoun quan tâm đến các vấn đề ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, vấn đề loại hình học, vấn đề của cấu trúc hình thức mong muốn sử dụng các nghiên cứu đó để giải quyết những tồn tại của thực tiễn đương đại, phân tích bản chất  của thủ pháp biểu hiện kiến trúc liên quan đến văn hóa như thế nào. Có nhà nghiên cứu cho rằng giữa lý luận nghệ thuật và thực tiễn nghệ thuật có mối ràng buộc tương hỗ, và phê bình chính là chất xúc tác giữa hai phạm trù này.


Tháp 30 St Mary Axe công trình kiến trúc hiện đại tiêu biểu tại Anh

Trong lời giới thiệu cuốn sách Kenneth Frampton đã đánh giá cao tầm nhìn của Alan Colquhoun từ một kiến trúc sư được học hành cẩn thận và có một thời kỳ nhất định tham gia thực tiễn thiết kế với tính khách quan của phương pháp bình luận của ông. Trong bài phê bình đầu tiên phê phán bản luận văn “Lý thuyết và thiết kế trong thời đại cơ khí thứ nhất" (Theory and Design in the First Machine Age) của Reyner Banham đã khiến Alan Colquhoun trở nên một nhà phê bình lý luận nổi tiếng.

Trong bài viết Alan Colquhoun nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa Nhân văn ở Anh đã quyết định hướng đi của kiến trúc rất nhiều và đã gợi ý cho một số  nhà lý luận kiến trúc tiếp theo như Colin Rowe hướng tới một nền văn hóa kiến trúc hiện đại có xu hướng độc lập. Alan Colquhoun phê phán sự đánh giá cao chủ nghĩa Công năng của nền kiến trúc hiện đại (1920- 1960) của Banham như sau: “Thật kỳ quái là sau khi thừa nhận một số công trình kiến trúc của thời kỳ này là những kiệt tác, Banham lại nghĩ muốn cự tuyệt tính chất thần bí của chúng, mà nếu thiếu tính chất thần bí các công trình đó khó có thể tồn tại được”.

Câu nói trên có ý gì ? Kiến trúc – mà theo tôi, có thể mở rộng ra cả các ngành nghệ thuật khác, hội họa chẳng hạn, không nên duy lý cực đoan, nó cần có thần bí, có tình cảm, không được mang tính chất công trình thuần túy. Một tác phẩm kiến trúc, một bức tranh đẹp, có nghĩa là gây xúc động. Các công trình mới của kiến trúc Việt Nam có bao nhiêu phần trăm có được phẩm chất này. Chính vì vậy, một kiệt tác kiến trúc phải có những tiêu chuẩn nhất định.

Cái đẹp này có thể đo được, mà cũng có thể không đo được. Tỷ lệ vàng ở Parthenon, tỷ lệ vàng ở biệt thự Garches của Le Corbusier, những kích thước chuẩn trong thang bậc Modulor là những tác phẩm kiến trúc mà cái đẹp có thể đo được bằng toán học, với những công trình khác – cái đẹp cần được nhận thức theo quy luật của Mỹ học.


Tỷ lệ vàng ở Parthenon

Cũng theo Kenneth Frampton, Alan Colquhoun có khả năng trình bày, bộc lộ những năng lực suy diễn và giả thiết chính xác: “Loại giả thiết này có khả năng nhấn mạnh sự hợp lý hóa của trình tự công cộng, bất luận là về phương diện chính sách do con người hoạch định hay là phương diện hình thức của kiến trúc (hoặc kiêm cả hai cái). Loại năng lực này cũng có thể được thể hiện rõ nét nhất trong bình luận của ông đối với Trung tâm Pompidou, hay cách nhìn công khai của ông đối với Raymond Williams, cũng như theo đuổi những giải thích hoàn toàn khác đối với văn hóa, loại giải thích này phù hợp với kiến giải của từ “văn hóa” của các dân tộc khác nhau vào các thời kỳ lịch sử khác nhau…”. Theo Alan Colquhoun, có một sự va đập khác nhau của hai quan niệm khác nhau , của phái bảo thủ, tôn trọng những giá trị truyền thống “hữu cơ” của đất nước và của phái Tiên phong “hiện đại”, mà ưu thế của phái sau đã đảm bảo cho trung tâm Pompidou ra đời. Alan Colquhoun đã giả thiết một thực thể kiến trúc ra đời, đều là sự đáp ứng liên quan đến hai thái độ khác nhau, hoặc là mang “tính tự nhiên”, hoặc là mang “tính xã hội”, mỗi thái độ đều sản sinh ra một kết quả khác nhau. Nhà phê bình nhận xét: với trường hợp Beaubourg, nguyên tắc thích ứng dẫn đến một phương án giải quyết đơn giản hóa, loại phương án này không quan tâm đến quy mô mà trước đó không tưởng tượng được hết, và phương án ban đầu khi tìm ý dẫn đến một kích thước nhỏ hơn cái hiện nay; và “nhà phân phối không gian” – đứng giữa kiến trúc sư và người sử dụng – buộc lòng phải hoài nghi “không gian linh hoạt” trong thực tiễn liệu có linh hoạt hơn kiểu không gian truyền thống, đó là vấn đề phải dự kiến giải quyết và rõ ràng là, nếu theo quan niệm không gian này, sẽ xuất hiện một vấn đề mới là phải giải quyết luôn cả “nội thất”, “đồ gỗ” đi kèm với giải pháp không gian này, nếu không không gian sẽ mất đi sự hài hòa của thị giác, đó cũng là cái giá của kiến trúc “dân chủ”. Ở đây – ý của người viết bài này – là các nhà phê bình nên đánh giá được chất lượng không gian và tích cực của không gian.

Trong quá trình làm phê bình kiến trúc của mình, Colquhoun đã thấy được bộ phận lý luận kiến trúc đã  bị một số loại Quyết định luận của hình thức và chủ nghĩa Đại chúng thống trị xã hội làm ảnh hưởng. Chúng tôi thấy ở các nước chậm phát triển, trong đó có nước ta, tác động của đường lối này có thể sẽ gây hậu quả trầm trọng. Lý luận kiến trúc cần phải xem kiến trúc như là một nhân tố tự thân cấu thành của một chỉnh thể văn hóa. Như Kenneth Frampton đã viết câu kết trong lời tựa cho cuốn “Nghiên cứu về phê bình kiến trúc” của Colquhoun: “Trong bất cứ một khoảnh khắc lịch sử nào các thành tố kiến trúc chưa được xây dựng ở mức độ rất lớn đều là văn hóa kiến trúc. Nếu sáng tạo kiến trúc thiệt cập đến việc đem văn hóa hiện hành biến đổi và quan niệm này không được hiểu rõ, chúng ta sẽ không có những tác phẩm kiến trúc mang ý nghĩa văn hóa”.

Câu nói này hàm ý kiến trúc mang một hàm lượng văn hóa lớn và chúng ta sẽ lãng phí chất xám, uổng phí việc đưa thành hiện thực khi đánh giá và chấm một đồ án kiến trúc sai.

Tác phẩm “Essay in Architectural Citicism” cho đến hôm nay đã trở thành tác phẩm kinh điển của lý luận kiến trúc. Những luận điểm sắc bén về phê bình kiến trúc hiện nay đã xoay quanh 4 phần (4 chủ đề) chính, đó là những phần sau:

Phần 1: Kiến trúc hiện đại và chiều cạnh ký hiệu

Ở phần này tác giả công bố 3 vấn đề: 1. Trào lưu kiến trúc hiện đại; 2. Tượng trưng của kỹ thuật và tượng trưng của mặt chữ; 3. Tác dụng tương hỗ giữa hình thức và công năng: nghiên cứu tình huống 2 tác phẩm kiến trúc của Le Corbusier hậu kỳ.

Phần 2: Loại hình và sự chuyển đổi của loại hình

Phần này bao gồm các đề mục: 1. Loại hình học và phương pháp thiết kế; 2. Sự chuyển dịch khái niệm trong tác phâm của Le Corbusier ; 3. Quy tắc của chủ nghĩa hiện thực và lịch sử; 4. Alvar Aalto: Loại hình đối ứng với công năng.

Phần 3: Kiến trúc và đô thị

Bao gồm: 1. Các khối phố siêu lớn; 2. Trung tâm Beheer; 3. Beaubourg; 4. Một số vấn đề về cấu trúc.

Phần 4: Lịch sử và Lý luận kiến trúc

Bao gồm các vấn đề từ chủ nghĩa Lịch sử và Giới hạn của ký hiệu học, ký hiệu và vật thể… đến hình thức và mối liến quan của nó đến tu từ học.

Trước khi tiếp xúc với chuyên nghành Phê bình kiến trúc trước hết cần tiếp cận với Thông sử, Triết học, sau đó mới đến Lịch sử kiến trúc và đô thị, từ đó, cửa ngõ sang Bình luận kiến trúc mới được liên thông.

KTS Đặng Thái Hoàng
(Kiến Việt / Theo Tạp chí kiến trúc Việt Nam số 11/2005)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: