Khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Quy hoạch tập trung, liên kết vùng

Thứ bảy, 15 Tháng 2 2014 07:25 SGGP
In

Trước những bất cập trong việc phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), giải pháp nào để khắc phục tình trạng này đang là vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước. Theo các chuyên gia và nhà quản lý, để hạn chế những vấn đề bất cập trong việc phát triển KCN, CCN, Nhà nước cần đặc biệt chú ý đến vấn đề quy hoạch KCN, CCN.  

Hạn chế đầu tư tràn lan 

Để khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển các khu kinh tế (KKT), KCN, CCN, đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 07 về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN, CCN. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiến hành đánh giá việc thực hiện quy hoạch, thành lập, hoạt động của các KCN, CCN và đề xuất biện pháp xử lý đối với các KCN, CCN hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường. Trước mắt, trong quá trình thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch, yêu cầu tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập mới các KCN, CCN trên cả nước cho đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu, đánh giá tác động của việc thay đổi chính sách ưu đãi thuế, tài chính đối với hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong KCN, CCN, tổng hợp các kiến nghị của địa phương và DN về ưu đãi thuế, tài chính đối với KCN, CCN; trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế, tài chính áp dụng đối với DN theo hướng đảm bảo ưu đãi hợp lý, tạo sự hấp dẫn thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, dự án sản xuất trong KCN, CCN, hạn chế tối đa việc bố trí các dự án sản xuất công nghiệp nằm ngoài các KCN, CCN. 

Đặc biệt, UBND các tỉnh, thành tuân thủ nghiêm túc điều kiện, trình tự, thủ tục về quy hoạch, thành lập mới, mở rộng KCN, CCN, đảm bảo phát triển KCN, CCN phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, không phát triển KCN, CCN trên đất trồng lúa có năng suất ổn định. Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi diện tích đã giao nhưng chủ đầu tư không có khả năng hoặc cố tình kéo dài không thực hiện dự án đầu tư xây dựng KCN, CCN.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý, để các KCN, CCN phát triển một cách bền vững góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, góp phần củng cố an ninh quốc phòng, Nhà nước và các địa phương cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp. 

Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, để các KCN thu hút nhà đầu tư (NĐT), Nhà nước cần quan tâm kết nối hạ tầng hàng rào, hoàn thiện hạ tầng giao thông. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Còn Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho rằng, để các KCN sau khi hình thành đi vào hoạt động thu hút được NĐT vào đầu tư, Nhà nước cần có chế độ ưu đãi dành cho DN; cũng như tạo điều kiện tối đa cho NĐT. Đối với chủ đầu tư các dự án KCN, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. 

Giải pháp quản lý đồng bộ 

Theo GS-TS Võ Thanh Thu, để các KCN phát triển một cách bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án phát triển các KCN và KCX Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 trình Chính phủ phê duyệt. Chiến lược này phải nêu rõ “sứ mạng”, nhiệm vụ của các KCN trong điều kiện hội nhập mới. Xây dựng chiến lược phát triển các KCN theo vùng kinh tế, mỗi vùng phải thể hiện thế mạnh của mình trong phát triển KCN, không nên các vùng kinh tế có lợi thế khác nhau mà lại có một mô hình phát triển KCN giống nhau.

Thực tế cho thấy cần xây dựng quy trình xây dựng, vận hành KCN trên nguyên tắc: Với các dự án KCN ở vùng nông nghiệp như vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng… muốn được cấp giấy phép đầu tư KCN phải nằm trong quy hoạch; chủ đầu tư KCN phải trình bày luận chứng kinh tế kỹ thuật, có kèm theo bản giải trình về tác động của KCN đến môi trường và phương án xử lý; phương án đền bù giải tỏa đất, tái lập cuộc sống cho người dân ở vùng bị lấp đầy làm KCN… Hoàn thiện quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết về phát triển KCN, các quy hoạch phải tính đến các yếu tố: đất cho hoạt động đầu tư, đất cho cây xanh, đất phát triển nhà ở và công trình phúc lợi phục vụ cho người lao động. “Để các KCN, KCX tác động đến sự phát triển bền vững nền kinh tế cần thực hiện các giải pháp đồng bộ từ trung ương đến các địa phương có sự tham gia của các cấp quản lý vĩ mô và vi mô”, GS-TS Võ Thanh Thu đề nghị.

Một số chuyên gia cho rằng, để hoạt động các KCN đạt được hiệu quả cao sau khi hình thành, trong quá trình quy hoạch các KCN, Chính phủ cần phải có quy hoạch hợp lý, tránh làm tràn lan mà phải có tính liên kết vùng. Phải coi nhà đầu tư cần cái gì? Ngoài ra, các KCN phải được quy hoạch một cách tập trung cũng như bố trí ở những vị trí phù hợp. Khi đầu tư KCN phải xây dựng hệ thống đường sá phát triển đồng bộ. Cần có cơ chế phân quyền tại chỗ một cửa cho các ban quản lý KCN địa phương để giải quyết vấn đề thủ tục cho NĐT được nhanh chóng./. 

Đình Lý 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: