Theo báo cáo công bố ngày 3/12 của Houselink, với những triển vọng về thu hút đầu tư, thị trường HVAC công nghiệp tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,1% trong giai đoạn 2024-2026.
Nhóm phân tích của Houselink đánh giá, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngành sản xuất vào Việt Nam vươn mạnh, thúc đẩy các hoạt động xây dựng hạ tầng công nghiệp chính là tiền đề để ngành HVAC (thiết bị sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí) công nghiệp phát triển.
Quy mô nhu cầu thị trường HVAC công nghiệp tại Việt Nam tăng trưởng kép 17% trong giai đoạn 2019-2023. Với những triển vọng về thu hút đầu tư, thị trường này được dự báo tiếp tục mở rộng với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9,1% trong giai đoạn 2024-2026.
Quy mô nhu cầu thị trường HVAC công nghiệp giai đoạn 2019-2026, triệu USD.
Dưới những ảnh hưởng của Covid-19 khiến dòng vốn ngoại gián đoạn và các dự án xây dựng ngưng trệ, nhu cầu thị trường đã ghi nhận sự sụt giảm trong năm 2021. Con số này đã tăng mạnh trở lại vào 2022 và 2023 khi nền kinh tế Việt Nam và các quốc gia đầu tư đã dần hồi phục sau đại dịch.
Quy mô nhu cầu thị trường theo ước tính của nhóm phân tích bao gồm: các dự án xây dựng hạ tầng sản xuất công nghiệp đã hoàn thành và bàn giao trong giai đoạn 2019-2023, các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị và triển khai với thời hạn hoàn thiện ở thời điểm cuối năm 2023. Do đó, con số ước tính của Houselink về thị trường phản ánh nhu cầu thực tế cho hệ thống HVAC công nghiệp tại Việt Nam.
Cũng theo phân tích của Houselink, những cơn gió ngược từ dịch bệnh Covid-19 và thị trường xây dựng khiến nhu cầu nhập khẩu của ngành HVAC công nghiệp giảm và chững lại trong giai đoạn 2021-2023.
Số liệu thực tế cho thấy, giá trị nhập khẩu thiết bị HVAC công nghiệp vào Việt Nam đang chứng kiến xu hướng giảm. Trong năm 2021-2022, nhập khẩu sản phẩm điều hòa và thông khí công nghiệp giảm liên tiếp do các dự án xây dựng bị hoãn triển khai.
Bước sang 2023, giá trị nhập khẩu tăng chậm bất kể Covid-19 đã bị đẩy lùi và dòng vốn FDI đã phục hồi trở lại, do các doanh nghiệp và nhà thầu lớn trong ngành Xây dựng gặp phải những khó khăn về tài chính như huy động vốn và giá thành nguyên liệu đầu vào leo thang, khiến thời gian triển khai xây dựng và lắp đặt HVAC dự kiến của các dự án công nghiệp bị lùi lại đáng kể.
Xuất khẩu các sản phẩm HVAC công nghiệp trong giai đoạn 2019-2023 và trong 8 tháng đầu năm 2019-2023 đều cho thấy xu hướng tăng, nhưng tỷ trọng đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu ở mức rất thấp, chỉ khoảng 4%.
Ngoài ra, phần lớn hoạt động xuất khẩu diễn ra trong nội địa Việt Nam, chiếm 54,7% tổng giá trị xuất khẩu. Các doanh nghiệp nhập các sản phẩm như điều hòa trung tâm, hệ thống xử lý không khí và cuộn dây đồng đẫn nhiệt từ khu vực cảng biển hoặc biên giới, rồi vận chuyển đến các dự án công nghiệp ở các khu vực khác trong nước. Điều này trực tiếp phản ánh về nhu cầu trong nước cao nhưng năng lực sản xuất còn khiêm tốn, hứa hẹn nhiều triển vọng cho các nhà đầu tư mở rộng hoạt động thương mại hoặc đầu tư sản xuất, lấy thị trường nội địa làm trọng tâm.
Thu Nga
(Tạp chí Xây dựng)
- Sika Việt Nam tìm kiếm thợ giỏi kiến thức, chắc tay nghề thông qua "Tranh tài Thợ Chuyên - Keo Chuẩn 2024"
- Doanh nghiệp nội thất Việt đang bỏ lỡ thị trường tỉ đô ở "sân nhà"?
- Cần giải pháp toàn diện cho ngành vật liệu xây dựng
- Ngành Công nghiệp gỗ và mắt xích trọng yếu logistics xanh
- Ngành thép với những cuộc điều tra phòng vệ thương mại