Ngành thép Việt Nam: Ngon làm, khó bỏ

Thứ bảy, 27 Tháng 2 2010 13:29 Doanh Nhân
In

Khi đặt bút viết những dòng đầu tiên cho dự án xây dựng nhà máy thép tấm Cái Lân, hẳn ông Phạm Chí Cường – khi ấy là Phó TGĐ TCty thép Việt Nam, nay là Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam – chẳng thể hình dung sẽ đến ngày dự án ấy bị sửa, để nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm.
 
Thực tiễn lệch lạc

Nói về câu chuyện phát triển ngành thép tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, còn có khoảng cách rất xa giữa kế hoạch, quy hoạch với thực tiễn của ngành. Câu chuyện quy hoạch phát triển ngành thép tới năm 2015 đã bị lạc hậu tới 5 năm so với thực tế phát triển có thể là một ví dụ minh họa cho nhận xét này. Và không chỉ thế, cơ cấu phát triển ngành thép cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn. Cụ thể là sự phát triển lệch về các dự án sản xuất thép xây dựng, thiếu các dự án sản xuất phôi. Cho đến năm 2008, Việt Nam hoàn toàn không có dự án sản xuất thép kỹ thuật, thép tấm chuyên dụng để phục vụ cho ngành cơ khí chế tạo, đặc biệt là đóng tàu. Đến cuối năm 2008, nhà máy thép tấm Cửu Long - Vinashin tại Hải Phòng mới sản xuất thép tấm đóng tàu được Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận, với chiều rộng tối đa 1,8m, chiều dày 20 mm.

Thực ra thì cũng khó trách các nhà sản xuất chỉ tìm cách sản xuất thép xây dựng. Đơn giản vì đầu tư sản xuất thép xây dựng rẻ hơn, dễ tìm kiếm máy móc, dây chuyền sản xuất, thời gian đầu tư nhanh hơn… Sản xuất thép kỹ thuật, thép đóng tàu, thép cường độ cao… mặc nhiên bị lờ đi, bị coi như là việc của Chính phủ, hay của những nhà đầu tư nước ngoài nhiều vốn, lắm kinh nghiệm hơn. Bắt đầu từ năm 2006 trở đi, một loạt dự án nhiều tỷ USD đầu tư vào ngành thép đã được công bố với cam kết sản xuất các loại thép kỹ thuật, cường độ cao, thép đóng tàu… không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn để xuất khẩu. Nhưng những cam kết ấy đến giờ vẫn chưa thành hiện thực.

Kết quả là, trong nhiều năm liền, Việt Nam đã phải nhập khẩu các loại thép chuyên dụng, thép đóng tàu. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, sản lượng thép tấm của cả nước mới ở mức 1 triệu tấn/năm. Còn theo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), trong năm 2009, riêng tập đoàn này đã phải nhập khẩu gần 500.000 tấn thép cho đóng tàu, giá trị trên 250 triệu USD. Theo dự báo của Vinashin, từ năm 2010 trở đi, nhu cầu sử dụng thép tấm trong ngành đóng tàu sẽ tăng cao. Và tới năm 2011, nhu cầu thép tấm của các nhà máy đóng tàu trong nước sẽ vào khoảng 2 triệu tấn/năm, tương đương giá trị 1 tỷ USD theo giá thời điểm hiện tại.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao ngành thép Việt Nam không thể sản xuất được các loại thép tấm chuyên dụng, thép kỹ thuật cường độ cao? Nhất là khi nhu cầu thị trường đang ngày một tăng cao như vậy.

Khó thì bỏ đó

Dù đứng trong top 5 quốc gia đóng tàu hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như toàn bộ vật liệu chính, trong đó có thép tấm, để đóng tàu. 

Hiệp hội thép Việt Nam vừa đưa ra một nghi ngờ đối với các dự án sản xuất thép của Vinashin, đặc biệt là với dự án xây dựng nhà máy thép tấm cán nóng Cái Lân. Theo đó, Hiệp hội này cho rằng, nhiều năm qua, Vinashin đã đầu tư, hoặc xin phép đầu tư nhiều dự án thép, nhưng triển khai thì lại không hiệu quả, chẳng hạn như dự án thép tấm Cái Lân đã kéo dài tới 8 năm mà vẫn chưa hoàn thành. Nhà máy thép tấm Cửu Long - đơn vị hiện đang lắp đặt thiết bị cho nhà máy thép tấm Cái Lân - thì vẫn hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, Vinashin lại muốn nâng công suất nhà máy thép tấm Cái Lân từ 350.000 tấn/năm lên mức 1 triệu tấn/năm. “Kiểu đầu tư này là thùng rỗng kêu to”, đại diện Hiệp hội thép Việt Nam nhận xét.

Thực tế thì sao? Hiện Việt Nam chỉ có duy nhất nhà máy thép tấm cán nóng tại Cụm công nghiệp thép Cửu Long - Vinashin là có khả năng sản xuất thép tấm đủ tiêu chuẩn của Đăng kiểm Việt Nam dùng cho đóng tàu trọng tải tới 6.500 tấn. Đây là cụm công nghiệp thép có tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, công suất 1 triệu tấn năm. Tại cụm công nghiệp này, Vinashin sở hữu 30% cổ phần bằng giá trị  thương hiệu. Năm 2009, cụm công nghiệp này đã đóng góp trên 6.000 tỷ đồng vào doanh thu của Vinashin.

Thực tế còn là gì? Là dù đã đóng tàu trọng tải tới 150.000 tấn, đang đóng tàu trọng tải 300.000 tấn, dù đã đứng trong top 5 quốc gia đóng tàu hàng đầu thế giới…, nhưng Việt Nam vẫn nhập khẩu gần như toàn bộ vật liệu chính, trong đó có thép tấm, để đóng tàu. Mà là nhập khẩu từ những đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường đóng tàu thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Và do thế, muốn rũ bỏ thế gia công tàu, muốn phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo nói chung, công nghiệp cơ khí đóng tàu nói riêng, Việt Nam buộc phải tự chủ ở khâu sản xuất thép tấm chuyên dụng, thép cường độ cao. Đó là yêu cầu không mới, vì đã đặt ra từ nhiều năm nay. Nhưng ở chiều ngược lại, có một thực tế không hề hay ho như những lời phát biểu, đó là ngành thép Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu ấy. Nếu sản xuất thép xây dựng là phần việc có thể xem là nhẹ nhàng đối với sản xuất thép, thì sự khó khăn trong sản xuất thép tấm chuyên dụng lại không được ngành thép chia sẻ. «Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai» - đó là chân lý giản dị trong lời một bài hát. Tiếc thay, nếu đó là câu hỏi thì lại có quá ít người dám trả lời.

Quốc Dũng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: