Khu nhà vườn Rodeløkka của Oslo - một lối sống Bắc Âu

Thứ tư, 15 Tháng 10 2008 10:33 KTS Mai Thế Nguyên
In

Oslo có lẽ là một thủ đô nhiều diện tích xanh và gần gũi thiên nhiên nhất trong số các thủ đô Châu Âu, lại đất rộng người thưa (570 ngàn dân). Với diện tích hơn 500km2 mà chỉ xây dựng có 115km2. Còn lại dành cho công viên, khu nhà vườn, rừng, suối, ao hồ v.v. Chỉ đi khỏi trung tâm 10 đến 15 phút là bạn gặp ngay những cảnh đầy thơ mộng của thiên nhiên.


Cảnh nhìn từ trên khu đồi thông xuống trung tâm và cảng với Eo biển Oslo.    Photo Wikipedia


Dĩ nhiên những yếu tố trên có ảnh hưởng lớn đối với lối sống của dân thủ đô Oslo. Mùa đông họ có thể lên rừng thông đi trượt tuyết. Mùa hè đi thuyền buồm ngoài biển sau giờ làm việc, hoặc đi dạo trong nhiều công viên, trong rừng. Vì mặt trời khuya mới lặn.

Ngoài ra tại thủ đô còn có 9 khu nhà vườn dành riêng cho những người ở những chung cư cao tầng lớn.

Nhà vườn là gì?


Khu nhà vườn Rodeløkka của Oslo với những ngôi nhà tí hon bằng gỗ.    

KOLONIHAGE – NHỮNG KHU NHÀ VƯỜN TÍ HON

Khu nhà vườn tí hon là một phong trào xuất phát từ đầu thế kỷ 20 tại Berlin và dần dần lan ra các thủ đô Bắc Âu. Lúc đầu nó là một khái niệm do đảng Xã hội dân chủ cầm quyền đưa ra để ngăn giai cấp vô sản khỏi làm cách mạng, lật đổ chính quyền. Lúc đó công nghiệp hóa đã bắt đầu. Nhiều người dân trong nông thôn đổ ra thành thị kiếm công ăn việc làm. Họ ở tại những nhà trọ chật trội và thiếu mọi tiện nghi. Nhằm tạo điều kiện cho giai cấp lao động vô sản này được có nơi nghỉ ngơi và duy trì quan hệ với thiên nhiên, sản xuất rau cỏ để tự phục vụ cho mình, chính quyền xã hội dân chủ đã thành lập những khu vườn và nhà vườn nhỏ phân chia cho những gia đình công nhân. Bằng cách làm như vậy họ hy vọng chánh khỏi một cuộc cách mạng, khởi nghĩa, vì sức ép đối với giai cấp lao động quá cao, như một nồi cao áp suất phải có cái van an toàn.

Ngày nay phong trào này ngày càng phát triển mạnh tuy bối cảnh xã hội thay đổi nhiều. Mạnh nhất tại Đan Mạch.

Tại Na Uy, Hội Nhà vườn có tất cả 14 khu nhà vườn. Riêng Oslo có 9 khu.

Tôi xin giới thiệu Khu Nhà Vườn tí hon RODELØKKA, cách nhà tôi đang ở 5 phút.

  

Đây là khu nhà vườn đầu tiên được khánh thành từ năm 1907. Lúc ấy công nghiệp hóa tại thủ đô đã phát triển nhiều. Về mặt xã hội giai cấp lao động gây xức ép đối với chính quyền. Khu nhà vườn này lúc đó chỉ dành riêng cho giai cấp lao động.

Khu nhà vườn này gồm có tổng cộng 151 mảnh đất vào khoảng 200m2/mảnh. Được phép xây dựng một căn nhà với diện tích tối đa 32m2. Mái hiên thêm được 10m2. Còn lại là vườn để trồng cây ăn quả, hoa và rau.

  

 
Trồng cây và làm vườn là một điều kiện bắt buộc

Để tìm hiểu rõ thêm tại sao phong trào Nhà vườn lại được quần chúng yêu thích như vậy tôi xin gặp một chủ nhà. Tuy đã chính thức đóng cửa mùa đông nhưng bà Laila vẫn tiếp đón tôi tại ngôi nhà xinh xắn của gia đình bà.



- "Xin lỗi anh, nhà tôi hơi bừa bộn vì tôi mới vừa hái táo để chuẩn bị làm mứt. Vườn có 3 cây táo và 1 cây mận. Năm nay nhiều quả lắm" 

 
Phòng khách


Góc ngủ, bên phải cửa vào bếp và phòng ngủ nhỏ.

Vừa ngồi gọt táo dưới mái hiên để làm mứt bà vừa kể cho tôi nghe:  “Anh ạ căn nhà tí hon này đã thay đổi hẳn cuộc sống cho gia đình chúng tôi. Từ ngày 1 tháng 4 mỗi năm cho đến mùa thu coi như có thể dọn về đây ở luôn cũng được. Anh thấy nhà có phòng khách, bếp và chỗ ăn cùng một phòng ngủ tí hon cùng một góc cũng đủ cho trẻ con ngủ. Có điện, có nước. Vệ sinh thì phải ra nhà công cộng. Hệ thống nước không chôn sâu nên mùa đông đóng băng không dùng được. Con gái tôi làm ngành tin học. Cháu ấy nói mỗi khi mở cửa vào đến vườn cứ như là bước vào thiên đường vậy. Để lại thế giới ồn ào căng thẳng ở bên ngoài.

Tại đây được lấy tay mình bới đất trồng hoa quả, rau đậu. Anh thấy hãy còn mận trên cây chưa kịp hái đấy. Bọn trẻ con cháu tôi thì có chỗ rông rãi để chạy chơi. Chỉ vội vã ăn để ra chơi tiếp với bạn bè láng giềng của chúng. Khác hẳn ở căn hộ. Đúng vậy ở đây chúng tôi quen hết cả những người ở tít đầu ngõ kia. Đời sống xã hội trong khu nhà vườn phát triển, phong phú lắm.

Những lời bà Laila kể đã khẳng định một số suy nghĩ của tôi sau nhiều năm sống tại các nước tiên tiến, giầu có, văn minh. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa có thể đem lại phồn vinh, tiện nghi vật chất cho một xã hội.

Nhưng kinh nghiệm ở những xã hội phát triển cho thấy là về mặt tình cảm, quan hệ con người với con người thì ngày càng nhạt nhẽo đi. Tại các nước Bắc Âu hiện có 30% người dân bị bệnh tâm thần vì thấy mình rất cô đơn, thiếu quan hệ xã hội. Phải đi bác sĩ tâm thần hay bệnh viện điều trị. Thật là mâu thuẫn!

Bốn mảnh tường có thể làm ra một căn hộ, thậm trí rất đẹp. Nhưng đồng thời nó cũng tạo ra khoảng cách đối với hàng xóm láng giềng. Độc lập hóa, cô lập hóa con người. Trong phạm vi của căn hộ ta đầy đủ hết, không cần gì của ai bên ngoài. Dần dần đi đến tình trạng Bắc Âu: có văn minh nhưng thèm văn hóa. Nếu ta định nghĩa văn hóa là tạo điều kiện cho xã hội phát triển đa dạng, đa phương. Cả về mặt quan hệ con người với con người chứ không riêng tăng trưởng kinh tế như mọi người chỉ quan tâm hiện nay.

Theo tôi nghĩ nhiệm vụ của kiến trúc sư chúng ta là không chỉ là tạo ra một thế giới vật thể - có đẹp đến mấy nữa đi- mà còn phải thiết kế có trách nhiệm xã hội, tạo điều kiện cho mọi người có tiềm năng phát triển đa dang. Chỉ như vậy mới tăng trưởng chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung.
Cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ hiện nay chứng minh rõ ràng là giầu không phải là đồng nghĩa với hạnh phúc.

Oslo, 10/2008


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: