TPHCM cần 39 tỉ đô la Mỹ cho hạ tầng giao thông

Thứ tư, 04 Tháng 7 2012 06:35 TBKTSG
In

Nhu cầu vốn để TPHCM thực hiện các quy hoạch về hạ tầng giao thông từ nay đến 2020 ước chừng đến 39 tỉ đô la Mỹ, và trong 10 năm tới, bình quân mỗi năm thành phố sẽ cần 3- 4 tỉ đô la Mỹ cho lĩnh vực này.

Thông tin trên được ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết tại hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX vừa được khai mạc sáng 3/7.

Theo ông Tín, một tuyến metro tại thành phố có vốn đầu tư không dưới 1,5 tỉ đô la Mỹ. Nếu để hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị, thành phố phải làm đủ 5 tuyến metro, như vậy riêng vốn cho metro không thôi cũng cần gần 10 tỉ đô la Mỹ, chưa nói đến các dự án đường trên cao, đường vành đai, đường xuyên tâm.

Trong khi đó, cũng theo ông Tín, toàn bộ ngân sách thành phố mỗi năm dành cho hạ tầng giao thông chỉ khoảng 10.000 tỉ đồng Việt Nam, tương đương 500 triệu đô la Mỹ, không thể giải quyết được nhu cầu vốn lên đến 3- 4 tỉ đô la Mỹ/năm được.

Thời gian qua, một số dự án hạ tầng thành phố như đại lộ Đông Tây, vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chống ngập Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2), dự án vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2, … đều sử dụng nguồn vốn ODA.

“Trước đây, các nguồn ODA được Chính phủ vay sau đó cấp lại cho thành phố với lãi suất thấp, nhưng bắt đầu từ năm 2013 trở đi sẽ chuyển sang cơ chế hoàn toàn mới, đó là thành phố phải đứng ra vay và thành phố phải đứng ra trả, lãi suất cao hơn lãi suất cũ, không còn ưu đãi như những năm qua”, ông Tín nói.

Như vậy, nguồn ODA thì có nhưng không nhiều, việc vay cũng không còn được ưu đãi, nguồn vốn mà thành phố có thể khai thác chính là huy động nguồn lực các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư vào hạ tầng dưới các hình thức đầu tư như BOT, BT, BOO…

Thời gian qua, TPHCM đã triển khai một số dự án theo các hình thức đầu tư BOT, BT, … nhưng các nhà đầu tư thường gặp khó khăn do vướng cơ chế chính sách. Điển hình như dự án cầu Phú Mỹ, tiền vốn của nhà đầu tư bỏ ra nhưng nhà nước muốn kiểm soát bởi các quy định hiện hành, ông Tín cho biết.

Một kênh huy động vốn khác là hình thức đầu tư BT (đổi đất lấy hạ tầng) cũng vướng về chính sách, cơ chế như xác định tiền sử dụng đất, hợp đồng đàm phán, tính toán giá đất chưa rõ ràng.

Tại phiên khai mạc hội nghị sáng ngày 3/7, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín cũng nêu ra một số điểm bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực quy hoạch tại TPHCM.

Hiện nay thành phố mới chỉ xong quy hoạch chung toàn thành phố, các quận huyện thì đang triển khai quy hoạch 1/5.000, hiện vẫn còn 5 quận huyện vẫn chưa xong đồ án quy hoạch 1/5.000 và những đồ án 1/2.000 thì mới chỉ đạt 70- 80%.

Quy hoạch chính kinh tế-xã hội đáng lẽ làm trước thì lại làm sau quy hoạch không gian, hoặc đáng lẽ làm quy hoạch không gian trước thì thành phố lại làm quy hoạch giao thông trước. Do đó, giờ phải điều chỉnh, kết nối các quy hoạch cho đồng bộ.  

Theo 10 mục tiêu trong dự thảo tờ trình của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về chương trình hành động của Thành ủy TPHCM được nêu ra sáng nay, thành phố sẽ dần hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Nam Tây nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu đến năm 2015 đưa thêm tổng chiều dài đường mới vào sử dụng khoảng 210 km. Đến năm 2020 diện tích đất dành cho giao thông đạt tỉ lệ trên 12% (hiện nay là 6%), vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30% nhu cầu đi lại.

Đặc biệt, 4 trục đường xuyên tâm lớn mà thành phố phải hoàn thành trước năm 2015 gồm xa lộ Hà Nội (kết nối với cầu Đồng Nai), quốc lộ 13 (kết nối với Bình Dương), quốc lộ 22 (kết nối với Tây Ninh) và quốc lộ 1A nối kết đường Trung Lương đi miền Tây, kết nối đường ven biển Tây Nam bộ.

Theo UBND TPHCM, trong vòng một tháng nữa, thành phố sẽ khởi công tuyến metro số 1, cuối năm 2012 sẽ khởi công tuyến metro số 2. Cả 2 tuyến này sẽ đưa vào vận hành vào năm 2017 để giải quyết giao thông nội đô. Còn các tuyến metro số 3, số 4 đang tìm kiếm vốn đầu tư.

Văn Nam


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: