Ashui.com

Sunday
Nov 24th
Home Chuyên mục Kiến trúc “Nội cảnh” từ truyền thống tới hiện đại

“Nội cảnh” từ truyền thống tới hiện đại

Viết email In

Năm 2010 người Nhật bản đặc biệt là giới kiến trúc sư rất tự hào vì một lần nữa hai kiến trúc sư của họ đã được nhận chung giải thưởng Pritzker ("Nobel của kiến trúc"). Ba lần trước đó giải thưởng này đã được trao cho Kenzo Tang (1987), Fumihico Maki (1993) và Tadao Ando (1995).

Giải Pritzker được trao hàng năm cho những kiến trúc sư có nhiều cống hiến cho nhân loại và đặc biệt sáng tạo ra những tác phẩm mang những tư tưởng mới cho kiến trúc. Cô Kazuyo Sejima (SN 1956) và anh Ryue Nishizawa (SN 1966) rất vinh dự nhận giải thưởng này. Họ thuộc hàng kiến trúc sư trẻ của Nhật nhưng đã có các công trình khắp nơi trên thế giới. Kiến trúc của họ mang tính đương đại đặc trưng cho cuộc sống hiện tại.

  • Ảnh bên chụp trong ngôi nhà A. Nhờ cách sắp xếp lệch mà ánh sáng vào được trung tâm của các khối, cũng như khu vườn xung quanh tràn vào cả trong nhà. Sự hoà trộn giữa kiến trúc và thiên nhiên

Truyền thống và hiện đại

Mấy năm gần đây trên diễn đàn kiến trúc nước ta, chủ đề đi tìm bản sắc kiến trúc hiện đại nhưng mang đậm nét truyền thống của Việt Nam luôn được nhắc tới. Đây là chủ đề mà những nước mang văn hoá triết lý phương đông rất coi trọng. Ở châu Âu mối liên hệ giữa truyền thống và hiện đại được các kiến trúc sư khai thác bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 19. Đây là một trong những xu hướng để phát triển kiến trúc. Nhiều kiến trúc sư lấy đó là nguồn khởi đầu trong công việc sáng tạo của mình.

Vấn đề đặt ra là phải hiểu thấu đáo thế nào là truyền thống và thế nào là hiện đại. Nhiều người cho rằng kiến trúc hiện đại là công trình phải có nhiều kính và được trang bị các máy móc hiện đại. Ngay từ khái niệm ban đầu đã sai rồi thì không thể dẫn đến một kết quả tốt được. Việc mời gọi các chuyên gia tư vấn nước ngoài là điều dễ hiểu. Đất nước chúng ta nhiều năm chìm đắm trong đau khổ, tất cả mọi thứ đều tụt lùi so với các nước tiên tiến. Nhưng cũng nên cẩn trọng trong việc lựa chọn vì không phải kiến trúc sư nước ngoài nào cũng giỏi và có tâm cả. Để có được chuyên gia thích ứng đã khó rồi nhưng phía chúng ta tìm được người để tư vấn cho họ cũng không dễ gì. Trong cuốn phim nói về công việc xây dựng sân vận động “tổ chim” ở Bắc Kinh, hai kiến trúc sư thiết kế người Thuỵ Sĩ Herzog và De Meron đã từng tâm sự, chiếc chìa khoá quan trọng để cho đồ án được thành công là sự cộng tác với hoạ sĩ Ai Wei Wei, một trong những hoạ sĩ có nhiều ảnh hưởng nhất Trung Quốc hiện tại. Anh là một nghệ sĩ rất am tường văn hoá Trung Quốc nhưng đồng thời còn một điều quan trọng khác nữa là anh đã từng sống và làm việc tại New Yord trên mười năm nên rất hiểu người tây muốn và nghĩ gì. Sự gắn bó hợp tác của họ vượt qua cả tình đồng nghiệp đã đưa công trình đi đến đỉnh cao.


Nhà truyền thống Nhật Bản với sự chuyển giao của không gian từ trong ra ngoài thông qua tường bằng giấy mờ. Âm hưởng “thiền” trong không gian

Đi tìm bản sắc dân tộc là điều rất quan trọng nhưng cũng không vì thế mà quá gượng ép. Người làm công tác sáng tạo không thể bị gò bó gượng ép được, nếu không sẽ không sáng tạo được nữa, chỉ mang nặng tính hình thức coppy. Chúng ta phải hiểu một điều rằng, kiến trúc chỉ có một mục đích duy nhất là đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người mà thôi.

Trong rất nhiều cuộc phỏng vấn với hai kiến trúc sư Kazuyo Sẹima và Ryue Nishizawa về tính truyền thống trong các công trình của họ. Họ đều phủ nhận khi thiết kế đồ án đã có ý tưởng đó trong đầu. Nhưng tính truyền thống vẫn in đậm trong các tác phẩm của họ thì cũng là một điều dễ hiểu vì họ sinh ra và lớn lên ở đất nước Nhật Bản, tiếp nhận một sự giáo dục ở nơi đây nên điều đó xảy ra là một lẽ rất tự nhiên thôi.

Nhà truyền thống Nhật Bản

Để hiểu hơn tính truyền thống trong các công trình của họ, ta trở lại cội nguồn của sự việc. Kiến trúc sư Kazuyo Sejima bắt đầu sự nghiệp của mình trong văn phòng của Toyo Ito, một trong những kiến trúc sư hàng đầu Nhật Bản hiện tại. Ông đưa ra luận điểm về cách cảm nhận không gian rất khác nhau với người châu Âu. Kiến trúc như các hòn đá, người châu Âu tìm tòi khai thác không gian bằng cách khoét rỗng các hòn đá đó. Nhưng cái mà người Nhật Bản quan tâm chính là các “khoảng trống” ở giữa các hòn đá đó. Những khoảng trống hư không được ông thể hiện rất thành công ở khu nhà Media Library tại thành phố Sendai ở Nhật.


Nhà truyền thống Nhật Bản với những tấm tường trượt. Không gian được chia nhỏ hay nới rộng. Các không gian đều có cung bậc giá trị như nhau.

Cũng không có gì là khó hiểu cả nếu ta để ý tới nhà cổ truyền của Nhật. Những ngôi nhà này thường có mặt bằng được tổ hợp bởi các Tatami (một loại chiếu của Nhật có kích thước 90 x 180cm). Kết cấu của những ngôi nhà này thường bằng gỗ được dựng lên rất đơn giản và rõ ràng. Đó là mục đích để sau khi có động đất thì tất cả cột và dầm đều được tái sử dụng. Trong nhà, các tường ngăn được làm rất nhẹ và có thể trượt được, nhờ đó mà các không gian có thể được chia nhỏ hay mở rộng ra tuỳ theo ý muốn. Do sự phân chia linh hoạt này nên không có sự phân bậc giữa các không gian, các không gian đều có cung bậc quan trọng như nhau. Một điều đặc biệt nữa đối với lối sống của người Nhật là các đồ vật được đặt trong những không gian này khi chúng được sử dụng, và chúng đem đến “ý nghĩa” cho không gian đó. Xong công việc rồi thì chúng được cất đi nơi khác, để lại một không gian hoàn toàn trống rỗng. Đó là khoảng trống mà người Nhật Bản quen thuộc từ xưa.

Nói đến kiến trúc Nhật Bản ta không thể không nhắc tới các khu vườn bí mật ở bên trong ngôi nhà. Các khu vườn “zen” này đã tạo mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, giữa tâm linh và trời đất. Sự trung chuyển từ trong nhà ra ngoài vườn thông qua một số phần tử kiến trúc như hàng hiên hay những bức tường trượt bằng giấy mờ đã tạo ra một âm hưởng “thiền” trong không gian rất riêng của kiến trúc Nhật Bản.

  • Ảnh bên : Khối to nhất có một phần kính ở trên mái, nó trở thành sân trời ở giữa nhà
Kiến trúc hiện đại

Để tiếp nối tính truyền thống hai kiến trúc sư Kazuyo Sejima và Ryue Nishizawa không theo hình thái của kiến trúc cổ truyền như những mái cong hay những hoạ tiết ở những ngôi chùa hay lăng tẩm mà tìm đến ý nghĩa của không gian Nhật Bản.

Đầu tiên phải kể tới tính đơn giản và rõ ràng trong cách phân chia các chức năng. Sự đơn giản tới mức tối đa trong cách bố trí mặt bằng cũng như việc sử dụng các phần tử kiến trúc cùng một màu trắng, không bộc lộ tính cách vật liệu tạo nên cảm giác trống rỗng. Chỉ có không gian được biểu hiện mạnh nhất.

Mỗi công năng được giới hạn rõ ràng bởi những tường ngăn “khép kín” tạo nên một khối riêng biệt. Chúng hoàn toàn đứng biệt lập, có cấp bậc như nhau và chỉ liên hệ với nhau khi cần thiết thông qua các ô mở hay vật liệu tường bằng kính.

Hệ kết cấu rất rõ ràng mạch lạc, các cột chịu lực luôn được tính toán để có được tiết diện nhỏ nhất. Chúng được thiết lập trên mạng lưới chia đều nhau. Vì những lý do đó ta mất đi cảm giác của kết cấu, tạo nên sự “xuyên suốt” trong không gian.

Sự tìm tòi về giới hạn của những không gian bên trong hay bên ngoài cũng như sự liên hệ giữa chúng với nhau mang nhiều ảnh hưởng của kiến trúc truyền thống xuất phát từ những tấm tường trượt.

House A, Tokyo, 2006

Anh Ryue Nishizawa vào làm việc trong văn phòng của cô Kazuyo Sejima năm 1990. Đến năm 1995, anh trở thành cộng sự và họ thành lập văn phòng SANNA. Sau đó, năm 1997 anh mở văn phòng riêng nhưng hai người vẫn luôn cộng tác với nhau cho những công trình lớn. Ngôi nhà A (kiểu đặt chữ rất hay được sử dụng bởi các kiến trúc sư Nhật Bản) được thiết kế bởi văn phòng kiến trúc sư Ryue Nishizawa.
  • Ảnh bên : Sự khai thác không gian theo chiều cao để tạo ra các tầm nhìn khác nhau.
Ngôi nhà được thiết kế cho chủ nhà sống độc thân nhưng luôn đón tiếp nhiều bạn bè. Vì thế không gian bên trong được khai thác mở rộng và mang tính cách cộng đồng. Hoàn toàn trái ngược với tư duy của Tadao Ando cho tư tưởng về nhà ở là sự hướng nội và linh thiêng khi khai thác các khoảng tối. Ở đây ngôi nhà như muốn bộc lộ ra ngoài, ánh sáng tràn ngập trong không gian.

Nằm trên một khoảnh đất khoảng 6m chiều rộng và 21m chiều dài, ngôi nhà không xây hết giới hạn mà được tổ hợp bởi một chuỗi các khối nhỏ bên trong có kích thước khác nhau. Mỗi khối chứa đựng mỗi công năng khác nhau, những đồ vật đặt trong từng không gian mang đến ý nghĩa cho không gian đó. Khối to nhất được đặt ở giữa và có một phần kính ở trên mái, vì thế nó được coi như khoảng sân trời của nhà. Sự vận chuyển trong không gian không có điểm bắt đầu và lúc kết thúc, việc lưu thông tự do tạo ra sự xuyên suốt trong không gian.

Sự sắp xếp lệch của các khối về mặt bằng cũng như mặt cắt cho phép ánh sáng tự nhiên vào được trung tâm của từng khối, cũng như khu vườn xung quanh tràn vào cả trong nhà. Điều đó đã tạo nên sự “hoà trộn” giữa kiến trúc với thiên nhiên. Cộng với sự sắp đặt khéo léo của những chậu cây trong nhà, tất cả công trình trở thành một khu vườn lớn. Sự dàn cảnh cho việc sắp xếp giữa trong và ngoài còn mang một tính nghệ thuật, nghệ thuật xếp đặt (installation) xuất hiện gần đây.


Ảnh từ phòng ngủ, sự khai thác tầm nhìn theo chiều cao.

Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn về tư tưởng kiến trúc của mình, hai kiến trúc sư Kazuyo Sejima và Ryue Nishizawa đã trả lời: “Chúng tôi luôn muốn tạo ra một âm hưởng trong kiến trúc, đó là phong cảnh, một phong cảnh đem đến sự thanh thản cho con người, cho cuộc sống. Một điều khác nữa là chúng ta đang sống ở một xã hội đương đại, tất cả mọi thứ đã thay đổi so với thế kỷ trước. Điều mà chúng tôi quan tâm là làm sao xây dựng cho một xã hội mới”.

Với những ý nghĩa “mỏng manh nhẹ nhàng, xuyên suốt và phi vật liệu” kiến trúc của họ được đánh giá là biểu tượng cho cuộc sống hiện tại, cuộc sống trong một thế giới “ảo” hay một thế giới của computer và internet. Đằng sau đó cũng phải kể đến sự không ngại mạo hiểm của dân tộc Nhật Bản khi muốn thử nghiệm những sáng tạo mới. Chỉ có cách đó mới giúp đất nước họ vượt lên được phía trước.


ảnh trái : Mô hình bảo tàng nghệ thuật đương đại ở thành phố Kanazawa. Sự tổ hợp của các khối hình học đơn giản.
ảnh phải : Mô hình khu nhà kính trong bảo tàng nghệ thuật Toledo ở Ohio, Mỹ. Sự biến đổI hình thái của các khối công năng bằng cách làm tròn các cạnh.


ảnh trái : Mô hình khu nhà đa chức năng tại tỉnh Onishi, Nhật. Các khối công năng hoàn toàn biến dạng khỏi hình học cơ bản
ảnh phải : Khu nhà tổ hợp chức năng của trường đại học Bách khoa Lausanne, Thuỵ Sĩ. Các công năng được phân chia theo sự thay đổi lên xuống của sàn nhà. Sự khai thác không gian theo chiều đứng.


ảnh trái : Mô hình toàn cảnh ngôi nhà. Sự tổ hợp của các khối riêng lẻ chứa đựng các công năng khác nhau.
ảnh phải : Đồ vật đặt trong không gian đem ý nghĩa cho không gian đó


ảnh trái : Mặt tiền ngôi nhà đơn giản, hiện đại, rất khác với những ngôi nhà xung quanh.
ảnh phải : Sự xuyên suốt trong không gian.
 

“Biểu đồ ý tưởng” minh hoạ mặt bằng của ngôi nhà. Cách thể hiện ý tưởng thường được sử dụng của văn phòng SANNA.

Vũ Hoàng Sơn, Giảng viên khoa kiến trúc – nội thất, Đại học Mỹ thuật và Thiết kế Geneva, Thuỵ Sỹ
ảnh: Hisao Suzuki 

 

Lời bình  

 
+2 # TuanLinh 10/12/2010 12:50
Chao anh Son. Em la Nguyen Tuan Linh, hien em la kien truc su o VIet Nam. Em rat thich nhung bai viet cua anh. Rat vui nuoc duoc lam quen voi anh. Chuc anh lam viec tot.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+1 # tat 13/12/2010 12:59
bai viet hay neu nhin tu ben trong.
Tuy nhien o viet nam van thich cai nhin tu ben ngoai hon.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...