Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tin tức Việt Nam Bộ Xây dựng làm việc với 19 hiệp hội nghề nghiệp

Bộ Xây dựng làm việc với 19 hiệp hội nghề nghiệp

Viết email In

Ngày 11/1/2013, Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với 19 hiệp hội nghề nghiệp để bàn những giải pháp nâng cao vai trò và sự tham gia của các hội đối với công tác quản lý nhà nước và sự phát triển của ngành xây dựng, do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chủ trì.  

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã tóm tắt tình hình kinh tế nói chung cũng như của ngành xây dựng trong năm 2012, nêu những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2013. Bộ trưởng cho biết, năm 2012 ngành xây dựng (XD) cũng tiếp tục đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, các nguồn lực đầu tư tiếp tục giảm mạnh, thị trường trong nước và xuất khẩu thu hẹp, lượng hàng tồn kho cao, nợ đọng trong xây dựng cơ bản (XDCB) tăng, thị trường bất động sản (BĐS) chưa có khả năng phục hồi, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn… Trong bối cảnh đó, ngành Xây dựng chủ động, quyết liệt thay đổi căn bản trong cách tiếp cận, đổi mới tư duy về quản lý nhà nước với mục tiêu tạo ra những bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của ngành, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường trong giai đoạn trước mắt, đồng thời thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược phát triển trung hạn và dài hạn của ngành… Năm 2012, giá trị sản xuất xây dựng của cả nước ước đạt 720.170 tỷ đồng, tăng 9,6% so với 2011, trong đó khu vực nhà nước đạt khoảng 112.918 tỷ đồng, khu vực ngoài nhà nước đạt 583.136 tỷ đồng, khu vực vốn nước ngoài đạt 24.116 tỷ đồng. Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng năm 2012 ước đạt 179.301 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2011, tương đương 6,1% GDP cả nước… 

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, mặc dù còn nhiều khó khăn, mức tăng trưởng của các doanh nghiệp (DN) sụt giảm, nhưng ngành Xây dựng đã có những dấu hiệu khởi sắc. Bộ trưởng cho biết: Bộ XD đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình, nhất là đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách, công trình quy mô lớn chuyển từ “hậu kiểm” sang “tiền kiểm” ngay từ khâu thiết kế, nhằm hạn chế các vi phạm dẫn đến lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng đến chất lượng công trình; đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm và nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng, đặc biệt là chủ đầu tư dự án sử dụng vốn NSNN… 

Trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị nhằm điều chỉnh tổng thể các vấn đề trong quản lý đầu tư phát triển đô thị, từng bước lập lại trật tự phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, có lộ trình 5 năm, 10 năm, khắc phục tình trạng phát triển đô thị tự phát, phong trào, thiếu quy hoạch, kế hoạch, lãng phí nguồn lực xã hội như hiện nay… Nghị định cũng đề xuất mô hình khoa học về quản lý khu vực phát triển đô thị, có Ban quản lý phát triển đô thị để xây dựng và kiểm soát kế hoạch phát triển đô thị, đảm bảo sự kết nối hạ tầng khung. Cho phép UBND các tỉnh được phép chuyển đổi quyền sử dụng đất khi có hạ tầng… 

Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã và đang đi vào cuộc sống. Lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược nhà ở với tầm nhìn dài hạn, có những quan điểm chỉ đạo và cách tiếp cận mới mang tính đột phá đối với công tác phát triển nhà ở là “giải quyết nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân”. Theo đó việc phát triển nhà ở không chỉ theo cơ chế thị trường mà Nhà nước có trách nhiệm can thiệp hoặc hỗ trợ để người dân có nhà ở, đặc biệt là những đối tượng thu nhập thấp, không có điều kiện mua nhà theo cơ chế thị trường…

Năm 2012, ngành cũng tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho BĐS, bắt bệnh để đưa ra các giải pháp chữa bệnh cho BĐS, trong đó tư tưởng chủ đạo là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia, mà trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, những khó khăn của năm 2012 cũng chính là cơ hội để nhìn nhận lại những thiếu sót, yếu kém còn tồn tại, rút ra những bài học, kinh nghiệm, là thời cơ để tái cơ cấu các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành. 

Năm 2013, nhiệm vụ chủ yếu của ngành tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát trong đầu tư xây dựng nhất là các dự án có vốn ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình; tập trung đổi mới nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiểm soát chặt các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; tập trung giải quyết tình trạng đóng băng thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN… 

Nhấn mạnh vai trò, những đóng góp của các hiệp hội đối với công tác quản lý nhà nước và sự phát triển chung của Ngành, Bộ trưởng khẳng định: Bộ rất cần sự vào cuộc tích cực của các Hội nghề nghiệp, sẵn sang nghe những ý kiến đề xuất, phản biện, kể cả những ý kiến trái chiều để cùng thảo luận, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển… Bộ rất quan tâm và mong muốn thường xuyên nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, tiếp thu để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Bộ trưởng cũng khẳng định: Thời gian vừa qua việc xây dựng, hoàn thiện các Nghị định, quy hoạch, chiến lược của ngành Xây dựng được thực hiện công khai, dân chủ, tranh thủ tối đa sự đóng góp không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước mà của cả xã hội. Bộ rất mong sự nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các Hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, sẵn sàng đối thoại trong quá trình xây dựng chính sách để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả… 

Nhiều hội nghề nghiệp như Tổng Hội Xây dựng VN, Hiệp hội nhà thầu VN, Hội Kiến trúc sư VN, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị VN, Hiệp hội BĐS Việt Nam… đã có các kiến nghị bằng văn bản và trực tiếp trao đổi tại hội nghị những kiến nghị, đề xuất với Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, các giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng, trong đó tập trung vào các vấn đề như: đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng, tăng cường vai trò kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án có sử dụng nguồn vốn nhà nước; đổi mới công tác xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; tăng cường quản lý phát triển đô thị và nông thôn; tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bấtđộng sản, thực hiện chiến lược phát triển nhà ở; điều chỉnh chi phí tư vấn thiết kế; đổi mới quản lý công tác lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng... 

Bên cạnh đó các Hội cũng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để phát huy hiệu quả hoạt động của các hội trong việc tham gia xây dựng cơ chế chính sách quản lý nhà nước, thực hiện chức năng tư vấn, phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực… 

Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS VN cho rằng, với những khó khăn của ngành Xây dựng năm 2012, chúng ta có điều kiện để đánh giá lại toàn bộ cơ chế chính sách, nhìn nhận lại công tác quản lý nhà nước, cụ thể như thị trường BĐS có những vấn đề bất hợp lý cần phải khắc phục…Với tư cách đại diện cho hội nghề nghiệp, ông Vạn kiến nghị: Quá trình xây dựng luật pháp cần tiếp tục mở rộng, huy động sự tham gia ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học. Ông Vạn cũng kiến nghị một số vấn đề về xây dựng Luật Kiến trúc, quản lý hành nghề kiến trúc sư, thực hiện quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc, điều chỉnh chi phí tư vấn thiết kế kiến trúc… 

Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam đề xuất một số giải pháp về quản lý quy hoạch xi măng, điều tiết cung cầu thị trường và quản lý xuất khẩu vật liệu xây dựng… Trong khi đó ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng nhấn mạnh các kiến nghị về đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, thất thu lãng phí; đề xuất việc tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp trong quản lý hành nghề kỹ sư, các giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Ngành…

PGS.TS Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị: cần thay đổi hệ thống pháp luật về đấu thầu. Theo đó không nên ban hành luật đấu thầu chung như hiện nay mà cần xây dựng và ban hành các Luật đấu thầu chuyên nghành như Luật đấu thầu xây dựng, Luật đấu thầu mua sắm hàng hóa, Luật đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư… Cần phải xây dựng một tài liệu thông tin về năng lực nhà thầu xây dựng Việt namđể làm cơ sở lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng...

Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam mong muốn định kỳ Bộ có các buổi làm việc với các hội nghệ nghiệp, hoặc các cuộc họp phổ biến về các chủ trương chính sách mới của Bộ Xây dựng; Giao Hiệp hội BĐSVN một số đề tài nghiên cứu cũng như các khóa đào tạo phát triển nhân lựcdựa trên thế mạnh của Hiệp hội; Phối hợp Hiệp hội trong việc triển khai Đề án xây dựng chỉ số thị trường BĐS…

Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN cũng đề xuất Bộ Xây dựng cần đề xuất Quốc hội về việc nghiên cứu soạn thảo và ban hành Luật đô thị, trong đó tùy chức năng chuyên ngành của mỗi Bộ mà chịu trách nhiệm soạn thảo về lĩnh vực của mình, tránh tình trạng khi áp dụng Luật không đúng chức năng soạn thảo nên không sâu, không thực tế, khó khả thi… 

Đánh giá cao những ý kiến tham gia đóng góp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, những ý kiến tham gia của các hiệp hội đều là những vấn đề Bộ Xây dựng đang rất quan tâm xem xét để giải quyết. Bộ cũng sẽ nghiên cứu, tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc với các chuyên gia, các hội nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, có thể làm việc trực tiếp với từng nhóm hội/hiệp hội hoặc nhóm chuyên gia theo từng nhóm vấn đề, tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo chuyên đề, trao đổi ý kiến bằng văn bản… 

Kết luận buổi làm viêc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Bộ rất coi trọng sự tham gia, đóng góp tích cực trên tinh thần xây dựng của các hội nghề nghiệp, đồng thời Bộ cũng sẽ quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hơn nữa vai trò và sự tham gia của các hội nghề nghiệp đối với công tác quản lý nhà nước và sự phát triển của ngành Xây dựng…” 

(Theo Báo Xây dựng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo