Đã từ khá lâu, ai đó cho rằng kiến trúc đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh thiếu cá tính, thậm chí thiếu đặc sắc. Ai đó kiên định dai dẳng cái nhận định thành phố này hoàn toàn “cosmopolitic”, để ám chỉ sự mờ nhạt về bản sắc địa phương. Những nhận biết như vậy có thể không sai, khi nhìn thành phố này một cách thoáng qua, khi làm biếng thâm nhập sâu hơn, khi làm biếng mở mắt và mở lòng để đón nhận hình ảnh một chốn thị thành, đích thực có cái “Tôi”, - chẳng giống một ai, trong hàng ngũ những đô thị “Việt” hơn, “Á đông” hơn. Với tư cách một đô thị, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đích thực Việt, mà nếu nó bộc lộ ra cái tính chất “cosmopolitic”, chính là bởi nó mở hơn cả, bởi nó có sức vươn tới những cái Mới hơn cả.
(ảnh: Nguyễn Thế Dương / AAPhoto.vn)
Mỗi một chốn thị thành, đã tồn tại đủ lâu, không thể không là sản phẩm trực tiếp mà một vùng đất, một cộng đồng dân cư và một tiến trình lịch sử tạo tác ra, khuôn đúc nên. Cả 3 yếu tố tác thành ấy có chung cái “Riêng” lớn, đi ra từ và mệnh danh bởi một khái niệm bao trùm, - “phương Nam”. Hễ nhìn bao quát đất nước mình, nhìn vào đất và nhìn vào xã hội, hẳn nhận ra: chính vùng đất phương Nam này duy nhất ít bị chi phối bởi những yếu tố triết lý – hành chính, ngự trị và kìm hãm bền vững những miền đất phía Bắc. Chính vùng đất này, bởi thế mà sẵn sàng cho sự cộng sinh: cởi mở – tiếp thụ – cộng sinh. Một khi nhận ra cái thuộc tính tự nhiên – lịch sử – nhân văn ấy, ta khám phá ra cái mối liên hệ gốc rễ và hữu cơ của chuỗi: vùng đất – cộng đồng – lịch sử – con người – thành thị.
Người viết những dòng này thiên về ý nghĩ: chúng ta hiểu khá rõ, nhất là qua văn chương, người nông dân Nam Bộ, song có vẻ như hiểu chưa tương xứng văn hóa của cộng đồng dân cư Nam Bộ, càng ít hiểu về những đô thị – chốn thị thành Nam Bộ. Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, Biên Hòa, Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên v.v… tưởng như quen thuộc, vậy mà xem ra ta chưa hiểu đến nơi đến chốn. Người viết bài này cho rằng, cần nhận ra và gọi cho trúng tên những sự khác biệt, trước hết là khác biệt nổi trội, của chuỗi đô thị Nam Bộ, đặng hoạch định cho sát và cho trúng con đường phát triển. Không thể vận cái tư duy kiểu dùng một chiếc lược chung, cho bài tính mở mang các đô thị, ở từng vùng miền và cho từng đối tượng mà chẳng khi nào giống nhau.
Tôi đã có nhiều dịp suy ngẫm và trình bày sự nhìn nhận của mình về di sản văn hóa và di sản đô thị của thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, về những con đường mà những tài nguyên nhân văn ấy hòa dòng với phát triển.
Càng ngẫm lung tôi càng thiên về cách tiếp cận sau: Ở nơi đây chớ nên quá cứng nhắc trong việc áp những thước đo – công thức về niên đại, về giá trị và về bảo tồn, nên nhìn nhận di sản của quá khứ thực tế hơn, mềm mại hơn và, từ đó, lần tìm ra những cách ứng xử khả thi hơn. Nhìn động, hành xử động trong một cơ ngơi đô thị không ngưng đọng, mà động đậy mạnh mẽ, - chính là cách dung hòa trong một thể, không tách lìa, cái sự lưu và sự biến. Chính sự dung hòa vĩ mô ấy mới giúp ta chủ động phần nào dòng chảy tự nhiên của sức sống kiến tạo cho đô thị này, mở mang những cánh cửa mà nó vốn sở hữu dồi dào.
Từ tiếp cận trên, ta nhận ra, thành phố Hồ Chí Minh là chủ nhân của 3 di sản: Thiên nhiên, Đô thị và Nhân văn.
Tôi liệt Thiên nhiên vào diện di sản, tuyệt nhiên không có sự đánh đồng với hai cái đi sau. “Di sản” thiên nhiên nói với hàm ý chát và chua, là sự ám chỉ một thiên nhiên, còn sót lại sau cái sự “dùng” rồi. Thiên nhiên mà không tự nhiên. Thiên nhiên đã bị can thiệp. Chưa ai đong đếm xiết cái thiên nhiên – tài nguyên – di sản ấy cạn kiệt đến đâu, hủy hoại và chết đến đâu. Trên mặt đất, còn có thể đếm được diện tích bị chiếm dụng vung tay, sông ngòi – kênh rạch – mặt nước bị lấp vùi, bị vô sinh hóa. Song, dưới mặt đất, có ai thấu được cái sự chết mòn đang âm thầm diễn ra! Nói, tài nguyên thiên nhiên là di sản – tàn dư, là để chúng ta ưu tiên trước hết sự chữa trị và sự hồi sinh. Những biến đổi ngày nay, chẳng những của khí hậu, chính là tiếng gào thét, không thành tiếng, của Tòa thiên nhiên đang bị xâm hại chăng? Ta hãy nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của Đất, ta hãy áp tai vào nghe lòng Đất, rồi liệu mà hành xử!
Đi cùng chiến lược hồi sinh tài nguyên – di sản thiên nhiên, một việc vĩ mô và thấu triệt hơn cả việc bảo vệ môi trường, phải là tư duy xuyên suốt về sử dụng hợp lý quỹ đất, - căn cơ và dè sẻn. Các khu đô thị theo quy hoạch phân tán, các khu công nghiệp bành trướng quá độ cần thiết, đang là trào lưu phổ biến. Việc lan tỏa lãnh thổ của thành phố Hồ Chí Minh trong chủ trương thiết lập vùng kinh tế tuy đúng, song lại tạo nguy cơ phi nông nghiệp hóa và vô sinh hóa về phương diện thực vật những khoảng không gian rộng lớn, đồng thời dẫn tới sự vô định hình hóa đô thị và, tai họa hơn, phi tập trung hóa sự kết tụ nền văn hóa thành thị của một thành phố - đầu tàu – hạt nhân.
Di sản đô thị, di sản kiến trúc đô thị, nên hiểu rộng là một khối di sản vật chất – kỹ thuật đồ sộ, có giá trị trước tiên về sử dụng và về kinh tế, với các đầu ra là khung cảnh toàn đô thị, diện mạo của những đường phố, kiến trúc các ô phố, quần thể và những công trình riêng lẻ, đã tồn tại cùng đô thị trong suốt quá trình lịch sử của nó, góp phần tạo nên những cái riêng, nguồn gien, những gì để hoài niệm bám víu vào và, cuối cùng, tạo nên những giá trị chuyên biệt, mà chỉ quỹ kiến trúc đô thị này sở hữu. Di sản đô thị không tách lìa khỏi khối tài sản kiến trúc – kỹ thuật – vật chất của thành phố hiện hữu, thích ứng để chung sống bình đẳng với cơ thể chung của thành phố. Với quỹ di sản kiến trúc đô thị, vì thế, không thê quy áp những khái niệm và những đòi hỏi tương tự những di tích. Như đã nói ở trên, sự cứng nhắc trong tiếp cận và trong ứng xử dẫn tới sự phá sản của những chủ trương và những giải pháp bảo tồn. Khu di sản phố cổ Hà Nội, một thời bị ứng xử như với di tích, đã không thành trong nỗ lực giữ lại. Sau này, chính cuộc vận động của sự phát triển, không kìm hãm được, của cộng đồng dân cư đã chỉ ra rằng, di sản phố cổ về bản chất là một cấu trúc – di sản sống động, nó đòi hỏi phải sống tiếp và hòa vào dòng phát triển chung. Chúng ta không nên và cũng không thể bảo tàng hóa, di tích hóa làng cổ Đường Lâm, phố cổ Hà Nội, khu phố Hoa ở Chợ Lớn v.v… Hợp lý hơn cả và trong tầm tay hơn cả, khi ta chọn cách ứng xử với những di sản đô thị kết hợp nhuần nhị bảo tồn – cải tạo và phát triển. Cải tạo phải được coi là công cụ chính, bởi nói đến cải tạo là đã ám chỉ cái sự cần níu giữ lại, cái sự thích ứng với nhu cầu cuộc sống mới và cuối cùng, cái sự chỉnh trang và nâng cấp. Cái cũ xuống cấp và cái cũ có khuôn mặt bệ rạc không nên tương đồng với sự cổ kính.
(ảnh: KTS Đặng Tuấn Trung)
Đối với thành phố Hồ Chí Minh, người viết muốn lưu ý thêm:
- Với di sản kiến trúc và đô thị thời thuộc địa. Đây là một quỹ tài sản vật chất lớn lao, đồng thời là một vốn liếng kiến trúc và văn hóa đặc biệt quý hiếm, một thành tố cấu thành cơ ngơi và diện mạo cho thành phố. Trong việc kiểm kê và đánh giá quỹ kiến trúc – đô thị này, có vẻ như chúng ta thiên về sự thống kê để bảo vệ những công trình kiến trúc cụ thể hơn là việc nghiên cứu – đánh giá và duy trì những cấu trúc không gian và cảnh quan, những trục đường và con phố cũ với tư cách là những đối tượng cần được coi trọng trong vốn liếng đô thị thời cận đại. Chúng ta cũng có vẻ như chú trọng nhiều hơn đến các giá trị về phương diện niên đại và về giá trị thẩm mỹ. Trong khi chính tính đa dạng về loại hình công trình, chỉ xuất hiện ở thời kỳ thuộc địa, phải được nhìn nhận như một giá trị nổi trội của di sản kiến trúc thời này.
Ngoại trừ một số không nhiều những công trình được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa hoăc kiến trúc thuộc diện được Luật Di sản văn hóa bảo hộ, bản thân quỹ kiến trúc đô thị thời thuộc địa cùng hàng trăm công trình khác không thể đưa vào diện này, chúng cần được kiểm kê – đánh giá – phân loại, đưa vào danh mục và điền vào bản đồ để quản lý. Việc sử dụng tiếp tục chúng trong cuộc sống hiện tại chính là nguyên cớ để duy trì chúng. Và, chỉ có thể duy trì chúng lâu dài, nếu ta thực hiện duy tu và cải tạo. Chính quyền thành phố cần ban hành những quy chế đặc thù về quản lý, duy tu và cải tạo, khai thác những công trình kiến trúc cũ đã được đưa vào diện có giá trị.
- Cấu trúc phố thị của cư dân người Hoa ở Chợ Lớn, ngay ở dạng hiện tại, cần nhìn nhận như một di sản đô thị quý hiếm. Ở ta cũng như ở các nước khác, một di sản chuyên biệt và sống động như vậy hầu như không còn nữa. Đô thị và văn hóa xưa nay của Sài Gòn vốn là sản phẩm lịch sử được tạo thành bởi công sức và tài trí của những cộng đồng dân cư từ bốn phương, cho nên dấu ấn của di sản thuộc cộng đồng người Hoa được chúng ta tôn trọng là điều tự nhiên. Lâu nay đã có khá nhiều nghiên cứu về di sản này, các chủ trương và giải pháp giữ lại nó cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, sự biến dạng tăng tốc của chinatown đang nói lên sự chậm chân trong bảo tồn di sản. Ưu tiên số 1 lúc này là việc xác định giới hạn và đối tượng bảo tồn khả thi; xây dựng quy hoạch và đặc biệt, quy chế cùng các văn bản hướng dẫn bảo tồn và cải tạo; thực hiện bảo tồn và chỉnh trang thí điểm 1-2 đường phố, như Triệu Quang Phục chẳng hạn; tổ chức các hoạt động văn hóa và du lịch. Đầu tư tiền của cho những nội dung trên có thể không lớn, cái chính là sớm bắt tay vào làm và làm có bài bản. Những chuyển động tích cực gần đây trong bảo tồn và phát huy khu di sản phố cổ Hà Nội có thể là những kinh nghiệm tham khảo.
Di sản văn hóa đô thị là một thành tố góp phần tạo nên sự đặc sắc cùng sức cuốn hút mạnh mẽ của Sài Gòn trước kia và thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Nếu diện mạo thành phố còn có thể làm cho ai đó phân vân về tính riêng biệt và tính bản sắc , thì lối sống – lối làm – cách giao thiệp của cộng đồng dân cư ở đây dễ dàng xóa nhòa đi sự phân vân ấy. Chính năng lượng tiềm tàng trong sự hút vào và tỏa ra của văn hóa đô thị đang trở thành một trong những động lực cho sự bồi đắp và thăng tiến không ngừng.
Người viết bài này muốn đặc biệt nhấn mạnh những phẩm chất của người Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, rất thiết thân với sự phát triển thành phố nói chung, phát triển nền kiến trúc của nó nói riêng, đó là: nếp tư duy thiết thực và năng động, thói quen làm việc chu đáo và chuyên nghiệp, cùng với đó là sự thịnh hành một nền thẩm mỹ đời sống và đường phố bình dân đi ra từ nền văn hóa thị thành ở độ chín muồi.
Là kiến trúc sư, tôi hướng về anh chị em đồng nghiệp ở thành phố với niềm hy vọng có cơ sở: Họ đang làm việc một cách chuyên nghiệp, họ đang hướng tới những sáng tạo mang lại sự mở mày mở mặt.
Thành phố Hồ Chí Minh, chủ nhân của những tài nguyên – vốn liếng tinh thần và vật chất đồ sộ, đứng trước thời cơ trở thành một đô thị vừa vĩ đại và vừa đích thực là mảnh đất lành cho người đời.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính
(Bài đăng trong Tạp chí Quy hoạch Đô thị - số 22)
- Đà Nẵng: Phát triển giao thông xanh khi còn chưa muộn
- Hãy lắng nghe và cảm nhận: Người nước ngoài trăn trở về Hà Nội
- Bán hè, chia phố và hệ lụy văn hóa - xã hội
- Vì sao các kim tự tháp vẫn mãi chứa đựng bí ẩn?
- Thị trường Công trình Xanh tại Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội
- Đừng quá lạm dụng đèn hoa trên phố
- Đà Nẵng quản lý đô thị bằng Facebook: Lắng nghe sự sống của đô thị
- Môi trường sống đô thị chưa được cải thiện
- Khi Louis XIV về làng
- Làng nghề chết do thiếu design