Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Góc nhìn Tư duy mét vuông và Đà Lạt trắng xóa bê tông

Tư duy mét vuông và Đà Lạt trắng xóa bê tông

Viết email In

Thay vì cảnh đồi thông mộng mơ thì hình ảnh Đà Lạt trên báo chí gần đây là sạt lở, ngập lụt. Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự phát triển không bền vững trong các thập niên gần đây, với chiều hướng ngày càng gia tăng các nguy cơ và hệ lụy. Đây chính là những hồi chuông cảnh báo với các nhà lãnh đạo địa phương.

Thực trạng

Thứ nhất, thời gian qua Đà Lạt đã tăng bê tông hóa và làm nhà kính quá nhiều. Cách thức phát triển không bền vững, chỉ muốn tìm cách tối đa hóa diện tích sử dụng mặt bằng để tăng lợi nhuận, bất chấp việc tác động xấu đến môi trường này vốn không phải tập quán sinh sống của người Đà Lạt. Nó du nhập vào cao nguyên theo cách nghĩ của nhiều nhà đầu tư từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác ở vùng thấp.

Tác động của bê tông hóa và nhà kính là giống nhau, đồng nghĩa với việc diện tích không gian xanh và mặt nước bị thu hẹp, và việc ngập lũ gia tăng, do khi mưa xuống, nhất là những trận mưa lớn, nước chảy từ trên cao xuống rất nhanh với tốc độ gấp hàng chục lần so với bình thường, tạo thành những dòng lũ. Trước đây khi có nhiều không gian xanh, diện tích nhà kính ít, một phần lớn nước mưa xuống thấm vào đất làm chậm dòng chảy, do đó ít tạo thành những dòng lũ. Hiện tượng ngập lũ chỉ mới xuất hiện ở Đà Lạt trong khoảng vài thập niên gần đây.


Hiện trường vụ sạt lở khiến 2 người tử vong (Ảnh: Đặng Dương)

Các nhà quản lý đô thị Đà Lạt cần thay đổi cách tiếp cận chống ngập, thấy được rằng nguyên nhân ngập thật sự không chỉ nằm ở khu vực ngập, mà còn ở vùng cao không bị ngập ở gần đó, do nước gây ngập chủ yếu đổ ập về từ vùng đất cao hơn. Tình trạng thiếu không gian xanh, thiếu hồ chứa khiến nước mưa đổ xuống vùng thấp nhanh gây ngập. Đó là bài toán khoa học, thành ra, nếu cứ chăm chăm lo xử lý hạ tầng của vùng ngập mà thôi, thì chắc chắn vẫn không giải quyết được vấn đề từ gốc rễ.

Thứ hai, phát triển đô thị lan rộng ra khắp khu vực nội thành, nhưng lại không đi đôi với việc chỉnh trang và nâng cấp hạ tầng.

Nhiều người Đà Lạt cho biết, từ thời Pháp xây dựng trước đây, hệ thống thoát nước thải dân sinh  của các khu vực công trình hai bên những đoạn đường dốc, thường có thể đấu nối vào đường ống cái thoát nước chính dẫn xuống sông hồ nên không gây ngập.

Tuy nhiên, việc xây dựng chen chúc trong nội thành về sau này lại thường chỉ tập trung vào xây nhà theo tư duy mét vuông, chứ ít quan tâm nâng cấp hạ tầng tương xứng với diện tích sàn xây dựng gia tăng, nhiều nơi không có cả hệ thống thoát nước, hoặc thậm chí còn cho xây nhà đè lên cống, chặn cống, bít cống… Như vậy, hạ tầng thoát nước quá tải, mưa xuống không có chỗ thoát mới tràn lên mặt đường, tạo thành dòng lũ.

Thứ ba, địa thế của Đà Lạt chủ yếu là đồi núi. Trong quá trình làm quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết 1:500 (là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng), lẽ ra ở những khu vực đồi cao cheo leo phải dành khoảng lùi không gian xanh để bảo vệ, không cho xây công trình kiên cố, nhất là không được xây công trình khối tích lớn và nặng, vì để như vậy, thì dù có làm ta-luy kiên cố đến mấy đi nữa cũng không bền vững.

Đất ở Đà Lạt thường là đất bazan, khi có dòng nước lũ chảy mạnh, sẽ làm mềm đất, phá ta-luy, đặc biệt là những khu vực có tầng địa chất đất sét ngậm nước thì có thể sẽ xảy ra hiện tượng "trượt đất", dẫn đến nguy cơ hàng chục công trình bị trượt xuống thung lũng. Nguy cơ này có thể đang "treo" ở một số khu vực tại Đà Lạt, chưa biết sẽ xảy ra vào thời điểm nào.

Các giải pháp

Trong chuyện sạt lở và ngập lụt ở Đà Lạt, trách nhiệm chính cần được thẳng thắn nhìn nhận là khâu quy hoạch.

Tình trạng gia tăng bê tông hóa, nhà cao tầng xây sát nền taluy trên sườn dốc, quá nhiều nhà kính chen chúc,… không bỗng dưng xuất hiện mà đa số đều được cấp phép xây dựng, và các giấy phép này không thể nào được cấp, nếu không dựa trên cơ sở pháp lý của các quy hoạch chưa bền vững.

Do vậy, tỉnh Lâm Đồng nên giao cho đơn vị tư vấn độc lập rà soát lại hết tác động môi trường của các quy hoạch chi tiết (TL 1/500) trong các khu vực có nguy cơ, ngay cả đối với các quy hoạch đã được phê duyệt.

Sau đây là một số gợi ý cho việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết và chấn chỉnh lại công tác quản lý đô thị để chống ngập và chống sạt lở.

Một là, về việc quản lý diện tích bê tông hóa, đầu tiên, nên bảo vệ các khu vực còn đảm bảo được diện tích xanh cao ít nhất là 30% và lý tưởng là 50% trở lên, có chính sách khuyến khích việc gia tăng không gian xanh mặt nước cho các khu đô thị theo hướng này.

Kế tiếp, các khu vực đô thị hiện hữu có diện tích xanh ít hơn 30%, thì không gian đô thị vốn đã ngột ngạt trong khi bản thân hạ tầng thường đã quá tải, do đó không nên tiếp tục cấp phép xây dựng công trình mới  thêm tại đây nữa. Công trình nào đã xây dựng rồi, thì chỉ được cấp phép chỉnh trang, cải tạo, không cấp phép mở rộng thêm diện tích xây dựng theo chiều ngang và theo chiều cao nữa.

Đà Lạt không hề thiếu đất cho phát triển, vì "Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng có diện tích thực tế còn lớn hơn của Hà Nội. Nhu cầu tăng diện tích sàn xây dựng đô thị cần được chuyển ra khu ngoại vi, nơi có quỹ đất và có thể xây dựng hạ tầng hiện đại.

Hai là, về việc quản lý chỉnh trang nâng cấp hạ tầng cấp thoát nước, các khu vực diện tích xanh quá thấp, bê tông hóa quá nhiều, thì vẫn phải có biện pháp đảm bảo đủ không gian dành nước thoát, ngay cả vào thời điểm mưa cực đoan cao nhất trong 100 năm, bao gồm việc tổ chức lại hệ thống đường ống cái thoát nước đủ lớn, nối ra hồ suối hoặc ra hồ điều tiết.

Các khu vực nội thành ở Đà Lạt có nguy cơ ngập lũ cao, mà lại không thể đảm bảo diện tích không gian xanh và mặt nước cần thiết, thì nên xây dựng thêm các "hồ điều tiết ngầm" với khối tích đủ lớn, để tạm chứa nước khi mưa lớn, và chảy từ từ ra hồ suối sau khi mưa tạnh, theo kinh nghiệm rất thành công của Tokyo.   

Ba là, trước tình trạng bất lực kéo dài trong việc quản lý nhà kính phát triển tự phát, đã tới lúc cơ quan quản lý đô thị cần phải thay đổi biện pháp mạnh, ứng xử với nhà kính như một thể loại công trình cấp 4, được cấp phép dựa trên quy hoạch trình duyệt thông qua Sở Xây dựng, chứ không nên giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà kính nữa.

Chính quyền địa phương cần hướng dẫn và vận động để người dân hiểu rõ và cùng phối hợp, thấy rằng tuy nhà kính đem lại lợi ích kinh tế cho nhà nông, nhưng lại làm tăng nguy cơ ngập lụt và làm xấu bộ mặt đô thị.

TP Đà Lạt có thể xem xét triển khai yêu cầu chỉnh trang và đăng ký lại với các nhà kính theo nguyên tắc: Tỷ lệ tổng diện tích của nhà kính và công trình khác trên tổng diện tích khu đất nông nghiệp chỉ được chiếm tối đa 30%; các diện tích kính hiện hữu vượt quá tiêu chuẩn buộc phải tháo dỡ để chuyển sang làm nông nghiệp ngoài trời; mọi công trình nhà kính phải đi kèm việc xây dựng hệ thống thoát nước ngầm hoặc nổi đấu nối vào hệ thống chung.

Bốn là, giới hữu trách cần khoanh vùng những vùng nguy hiểm trong quy hoạch để quản lý chống sạt lở, đặc biệt là ven triền đồi dốc và vực liên quan ở dưới chân đồi; ưu tiên rà soát trước tác động môi trường của quy hoạch, dù đã được cấp phép hay chưa, để đưa ra ngay các giải pháp điều chỉnh kịp thời, bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân, và xa hơn là bổ sung các giải pháp quy hoạch tương ứng.

Trong khu vực ven trên cao hành lang bảo vệ khoảng 30-60m của các khu vực nguy hiểm này, tốt nhất không cho phép xây dựng công trình, mà nên khuyến khích trồng lại rừng thông để làm không gian xanh bảo vệ, hoặc chỉ cấp phép cho việc xây công trình thấp 1-2 tầng với kết cấu nhẹ.

Vai trò cốt lõi của quy hoạch và quản lý đô thị

Nhìn bức ảnh khu Hòa Bình của Đà Lạt đã trắng xóa bê tông, không hề có không gian xanh cho cộng đồng sinh hoạt, và hình ảnh các khu đồi xanh xưa kia nay phủ trắng xóa mái ni lông, thật đau lòng.  Chẳng có một đô thị du lịch tầm cỡ nào trên thế giới lại cho phép xây dựng đô thị chạy theo lợi ích kinh tế, bất chấp lợi ích của cộng đồng như vậy.

Tựa như người bác sĩ chữa bệnh, một mặt cho uống thuốc, mặt khác phải điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt cho bệnh nhân. Người bị xơ gan do uống rượu quá mức, ngoài chữa gan phải ngừng uống rượu.

Tóm lại, gốc rễ của mọi nguy cơ và vấn đề đang diễn ra tại Đà lạt vẫn là từ quy hoạch và quản lý đô thị! Cần thấy rõ đây là trách nhiệm chính của nhà quản lý, chứ đừng nên đổ lỗi cho dân, bởi người dân nếu muốn xây một căn nhà thì phải được cấp phép mới xây được, muốn được cấp phép thì phải dựa trên quy hoạch mới duyệt được, thậm chí người dân muốn xây sai phép hoặc sai kỹ thuật thì cũng phải có sự đồng tình của thanh tra xây dựng tại địa phương.

Xa hơn, đô thị có bê tông hóa quá cao, nhà kính quá nhiều, hạ tầng không được quan tâm nâng cấp, ngập lụt và kẹt xe gia tăng, … đều bắt nguồn từ việc quy hoạch chỉnh trang và quản lý đô thị chưa làm được tốt!

Đã đến thời điểm mà các nhà lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt nên đưa các mục tiêu phát triển bền vững lên vị trí quan trọng hàng đầu, vì người dân đã bắt đầu phải trả giá ngày càng nhiều cho xu hướng phát triển chỉ ưu tiên cho tư duy mét vuông và lợi nhuận.

Nếu biện luận rằng Đà Lạt có nhu cầu phát triển, tăng dân số, thì người Đà Lạt xin hãy tiếp nối tiền nhân, làm nên những khu đô thị mới để phát triển tiếp, chứ không nên xâm phạm sự an toàn, giá trị môi trường và giá trị không gian đô thị nghỉ dưỡng đã hình thành từ trên trăm năm qua!

Ngô Viết Nam Sơn

Tác giả: Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng Tiến sĩ tại Đại Học Washington, và Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley. Ông có trên 35 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ và hiện là Chủ tịch NgoViet Architects & Planners.

(Dân Trí)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo