Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Góc nhìn Tăng quyền, trao quyền khi "chiếc áo thể chế" đã chật

Tăng quyền, trao quyền khi "chiếc áo thể chế" đã chật

Viết email In

“TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.


TP.HCM quá phụ thuộc vào may rủi của ngọn gió kinh tế ngoại lực.
(Ảnh: Hoàng Hà)

“Chiếc áo thể chế” TP.HCM đã chật

Đánh giá trên của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thật đáng suy nghĩ khi ông góp ý tại hội thảo tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức mới đây.

TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, có tốc độ tăng GDP bình quân 10,5%/năm trong giai đoạn năm 1991 - 2010, cao hơn tăng trưởng của cả nước khoảng 1,5 lần.

Tuy nhiên, từ năm 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ còn 7,2%/năm. Năm 2020, lần đầu tiên tính từ năm 1975, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chỉ bằng khoảng 45% so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Năm 2021, tăng trưởng GDP âm (- 6,8%); năm 2022 đạt 9,03%; năm 2023 tăng trưởng giảm sâu, chỉ còn 5,81 %. Cũng cần phải đánh giá khách quan, bao quát đó là năm 2021, TP.HCM là địa phương bị đại dịch covid-19 tác động nặng nề nhất. Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề là do cơ chế.

Lý giải tình trạng tăng trưởng GDP của TP.HCM theo biểu đồ đi xuống từ năm 2011 đến nay, nhất là tăng trưởng trồi sụt trong các năm từ 2021 - 2023, TS. Trần Du Lịch cho rằng, sự bất cập của mô hình quản lý đô thị loại đặc biệt như TP.HCM mặc dù đã được nêu ra từ nửa đầu thập niên 2000, với hình tượng dễ hiểu là “Thành phố đang mặc chiếc áo cơ chế quá chật trong khi cơ thể đang lớn rất nhanh”.

Vì vậy, nếu không có chuyển biến thể chế, cơ chế thực chất, hệ lụy gây ra là thiếu hạ tầng, thiếu nhân tài, thiếu nguồn lực tài chính dẫn đến tăng trưởng GDP của TP.HCM trong các năm tới đây nếu có hồi phục, cũng chỉ là “người khổng lồ chân đất sét”. Quá phụ thuộc vào may rủi của ngọn gió kinh tế ngoại lực thì chỉ cần một thay đổi trong xu thế xuất khẩu hay FDI, người khổng lồ sẽ lộ rõ điểm yếu của mình.

Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước cũng muốn có những cơ chế vượt trội như TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ: “Trong quá trình thảo luận Luật Thủ đô (dự thảo), tôi luôn nói với Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội là Hà Nội không xin tiền, không xin ngân sách vì phải công bằng với các địa phương khác. Hà Nội chỉ xin cơ chế, chính sách vượt trội và xin được tăng quyền, trao quyền. Lấy ví dụ, đường Vành đai 3 hay đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình đều bị bỏ dở đấy vì thiếu cơ chế, thiếu phân cấp, phân quyền cho Thủ đô”.

Theo dự án luật, Hà Nội được bội chi 150% ngân sách, được quyết định dự án đầu tư công đến 20.000 tỷ đồng. Vấn đề ở chỗ, ví dụ Hà Nội cần làm 10 tuyến đường sắt đô thị, mà nếu không được tự quyết để dẫn đến tình trạng nay vay của đối tác này, mai vay của đối tác khác thì làm sao các tuyến này đồng bộ và tương thích về kỹ thuật, công nghệ với nhau được!

Trong khi đó, rất nhiều các lĩnh vực ở Hà Nội như phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm, di dời cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô cần phải có khung thể chế khác để xử lý, giải quyết. Và tất nhiên, còn nhiều lĩnh vực khác phải có khung thể chế để đưa Thủ đô phát triển vượt lên, là động lực cho các địa phương khác nữa”.

Không riêng gì TP. HCM và Hà Nội, do vướng mắc thể chế pháp luật, lãnh đạo các tỉnh thành trên phạm vi cả nước không phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong thực thi công vụ. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm trong những năm gần đây.

Từ thập niên 2010 đến nay, dư địa cho sự sáng tạo trong vận dụng cơ chế, thể chế càng trở nên chật hẹp, bó buộc đối với lãnh đạo các ngành và nhiều tỉnh thành. Bởi vậy, gần 4 thập niên Đổi mới, tăng trưởng GDP của cả nước cũng như hầu hết các địa phương đều theo biểu đồ xuống dốc, mỗi thập kỷ lại giảm một điểm phần trăm.


Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước cũng muốn có cơ chế vượt trội như TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Hà)

Các địa phương đua nhau xin cơ chế đặc thù

Để tháo gỡ vướng mắc về thể chế, sang thập niên 2010, TP.HCM đề xuất trung ương thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. Ngày 24/11/2017, Quốc hội ban hành Nghị Quyết thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP. HCM gồm các nội dung: quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Tuy nhiên, do nghị quyết của Quốc hội vẫn chưa “cởi trói” được cơ chế bó buộc cho thành phố đầu tàu của nền kinh tế quốc gia, lãnh đạo Thành phố tiếp tục kiến nghị cho thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù thông thoáng hơn.

Ngày 24/6/2023, Quốc hội lại tiếp tục thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP. HCM.

Giữa quãng thời gian 2 lần ban hành nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. HCM, Quốc hội cũng đã ban hành hàng loạt các nghị quyết cho 8 địa phương thí điểm một số cơ chế đặc thù bao gồm TP. Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng; Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa. Một số tỉnh thành khác cũng đang ráo riết đề nghị được thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù.

Tuy nhiên, nếu thí điểm thực hiện tràn lan cơ chế đặc thù ở các địa phương thì đâu còn là đặc thù. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu quan điểm nếu cả 10 tỉnh đều xin cơ chế chính sách như nhau sẽ trở thành phổ biến, không thể gọi là đặc thù. Và "Tất cả các tỉnh thành đều đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, cùng là những nội dung như nhau, thì cần xem xét. Việc phân cấp phải thực hiện nhiều hơn để làm sao trung ương phát huy vai trò chủ đạo, còn địa phương mang tính chủ động nhiều hơn".

Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, nên chăng cơ chế đặc thù chỉ thí điểm áp dụng với TP. HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước và TP. Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của quốc gia để TP.HCM thành động lực mang tính dẫn dắt, lan tỏa và là cực tăng trưởng của các tỉnh phía Nam; còn TP Hà Nội thành động lực dẫn dắt, lan tỏa và là cực tăng trưởng của các tỉnh phía Bắc. Mặt khác, xây dựng hai thành phố này trở thành những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa kết nối Việt Nam với toàn cầu.

Từ đó, xây dựng thể chế đủ không gian thông thoáng để các địa phương phát huy tối đa quyền tự chủ, sáng tạo; phát huy tối đa ưu thế của cơ chế kinh tế thị trường hiện đại thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh. Và cũng chỉ có như vậy mới khắc phục tình trạng các địa phương phải “ăn đong” cơ chế như hiện nay.

Nên chăng, cần nghiên cứu tăng cường trao quyền, phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền địa phương để tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo trong giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh ở địa phương. Từ đó, các địa phương chủ động khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, việc phân cấp, trao quyền cũng phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật; bảo đảm một việc không quá hai cấp hành chính quản lý.

Nhìn vào Phú Quốc, Vân Đồn, những hòn đảo ngọc không thua gì về lợi thế, tiềm năng tự nhiên so với nhiều hòn đảo khác như Malta, Monaco, San Marino, Andorra, Seychelless, Mauritius,… thì thấy sự khác biệt thế nào, mà nguyên nhân chắc chắn do chiếc áo thể chế.

Vì thế, việc hiện thực hóa “đột phá chiến lược” về “hoàn thiện đồng bộ thể chế” nhằm hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường hiện đại như Đảng đã xác định, là chìa khóa mở cửa đưa quốc gia dân tộc bước vào lâu đài phồn vinh và hạnh phúc.

Nguyễn Huy Viện

(Tuần Việt Nam)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo