Ashui.com

Friday
May 10th
Home Tương tác Góc nhìn Về nơi 5 năm trước "ngủ dậy thành người Hà Nội"

Về nơi 5 năm trước "ngủ dậy thành người Hà Nội"

Viết email In

LTS: 1/8/2013, 5 năm sau ngày mở rộng Thủ đô. Tuần Việt Nam đã tìm về những vùng đất mới được nâng cấp lên thành đô thị để chứng kiến những bức tranh đa sắc, có nơi đã lột xác hoàn toàn bởi được đầu tư hạ tầng cơ sở, nhưng cũng có những nơi vẫn ngổn ngang...

Nói như Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị tại buổi tổng kết ngày 31/7, thì những thành tựu, kết quả của thủ đô đạt được sau 5 năm mở rộng có ý nghĩa quan trọng. Song vẫn tồn tại những hạn chế chưa thể giải quyết được ngay.  
 

Kỳ tích!

"Trước, gia đình nào có người ốm phải mượn người thay nhau cáng bộ lên bệnh viện huyện, nửa ngày trời mới tới nơi... Đường xá khó khăn, đời sống thiếu thốn, làm ăn chật vật đến độ, có những thôn gần như biệt lập, nhà nào biết nhà nấy" - cụ già bán quán nước ven đường liên xã trải nhựa phẳng lì, rộng thênh thang hồi tưởng chuyện mới 5 năm trước. 


Cuộc sống đổi thay ở xã Yên Trung sau năm năm "rời" Hòa Bình "về" Hà Nội 

Cụ là người Mường, dân gốc ở xã Tiến Xuân, một trong ba xã trước kia thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình, được "về" Thủ đô vào ngày 01/8/2008. Năm năm trước, ở quê cụ, nhà nào có cái xe máy, tivi... đã được xếp vào "lớp giàu" trong xóm. Mùa mưa bão, thôn xóm vắng hoe, có những nhà bị cô lập vì nước lũ. Vài ngày trời nước mới rút, thêm vài ngày nắng ráo, đường đất mới khô, đi lại mới hết trơn trượt... 

Ông em ruột của cụ nhà ở trên xã Yên Trung, ở đúng cái thôn Hương "mù điện" triền miên trước thời điểm tháng 10/2008. Nhà hai cụ cách nhau chỉ chừng 10km, nhưng một năm có lẽ chỉ gặp nhau được hai, ba lần. Cũng là bởi đường xấu, đi lại vất vả, ổ voi, ổ trâu lắm trắc trở... 

Vậy mà bây giờ, vui tay ga, mải nói chuyện mà không hỏi đường, có lẽ chúng tôi không kịp nhận ra đâu là Tiến Xuân, Yên Trung nữa. Vùng quê hoang vắng như cô bé 10 tuổi nhà nghèo gày gò sau thời gian lên phố, vụt trở thành thiếu nữ da trắng môi hồng.

Ông Bùi Văn Sơn, Phó chủ tịch xã Tiến Xuân cho biết, xã có 18 thôn, bản, đồng bào dân tộc Mường chiếm gần 70%. Kinh tế chính của xã là nông nghiệp, trồng rừng, 100% bà con không có nghề phụ. Ngày xưa, bà con mùa giáp hạt thiếu ăn, nhiều nhà phải bán cả bộ cồng chiêng - tài sản của cha ông để lại cho để lấy tiền mua gạo.

Trước khi "về Thủ đô", thu nhập của bà con tròm trèm 8 triệu đồng/người/năm. Sau 5 năm, con số này được nâng lên 14 triệu.

"So với các vùng khác của Hà Nội, con số này còn khiêm tốn lắm. Nhưng so với các "xã bạn" ngày trước cùng ở Lương Sơn, thì đúng là chúng tôi đã "chạy marathon" quá nhanh", ông Sơn chia sẻ.

Cùng theo vị phó chủ tịch, năng suất lúa trước kia ở Tiến Xuân chưa bao giờ vượt quá 50 tạ/sào, bây giờ là hơn 60 tạ. Cả xã không còn hộ nào thiếu ăn mùa giáp hạt, không còn nhà tạm, nhà dột. "5,8% số hộ nghèo có lẽ chỉ vì "chuẩn nghèo" của Hà Nội cao quá nên xã chưa "xóa" hết, chứ nếu theo chuẩn cũ của Lương Sơn, các hộ trên cũng là hộ trung bình khá cả rồi".

Không riêng Tiến Xuân, xã Yên Trung cũng là một bức tranh hoàn toàn khác biệt so với 5 năm trước. Đường liên xã, liên thôn được nhựa hóa, bê-tông hóa đến từng nhà. Công trình thủy lợi, tưới tiêu cho nông nghiệp đã đuổi mối họa ngập úng mùa mưa, thiếu nước mùa khô để đất canh tác thâm canh được 2 vụ/năm; nhà văn hóa thôn bản, trạm y tế, trường học, mầm non..., tất thảy đều khang trang, sạch sẽ.


Trụ sở UB xã Yên Trung khang trang vừa được đưa vào sử dụng 
 

Xóa mù... điện 

Thời điểm Yên Trung "về Thủ đô", thôn Hội, thôn Hương - thôn 135 của xã "lưu cữu" ở tình trạng nhiều năm "trắng" điện. Thế nhưng, chỉ hai tháng sau, tháng 10/2008, đường dây điện được kéo về tận đầu cổng của 130 hộ dân.

Có điện, đời sống người dân thay đổi bắt đầu từ trong nhận thức: bà con tiếp cận được thông tin. Anh cán bộ phụ trách văn hóa của xã Tiến Xuân thì phấn khởi: "Xã em được "phủ kín" 18 thôn bản trong toàn xã hệ thống loa truyền thanh. Cán bộ xã không phải đến tận từng thôn, từng nhà để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng nữa...".

Sau tin mừng có điện thắp sáng, thôn Hương tiếp tục được đầu tư gần 7 tỉ đồng để xây dựng đường bê tông, xây hệ thống mương dẫn nước, lớp học mầm non, nhà văn hóa, v.v... Các hộ nghèo được hỗ trợ tiền làm nhà theo "diện 134" của Chính phủ.

Thôn Hương có 10 ha diện tích đất nông nghiệp thâm canh hai vụ, các hộ dân trong thôn đều được nhận khoán khoanh nuôi, trồng rừng, có thu nhập từ rừng và vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Chủ tịch UBND xã Yên Trung, ông Hoàng Phương cho biết: xã được đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng 33 công trình hạ tầng. Ðến nay, các cơ sở thiết yếu như đường điện, đường giao thông, trường học các cấp, trạm y tế đã hoàn thành, khang trang, hiện đại. Tất cả các tuyến đường liên thôn được kiên cố hóa, đường nội thôn và hệ thống kênh mương được bê-tông hóa...

Cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư xây dựng, người dân phấn khởi làm kinh tế. Trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả cao như mô hình trồng hoa ly ở thôn Ðại Ðồng, xã Yên Bình, giúp các hộ dân có thu nhập từ 2,5 đến 2,8 tỷ đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn rừng ở xã Tiến Xuân, thu nhập 15 tỷ đồng/năm... Thu nhập bình quân của người dân đã tăng gấp hai, ba lần so với thời điểm năm 2008, đạt 15,16 triệu đồng/người/năm.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên: "Chỉ tính riêng tại 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân, kinh phí đầu tư trong 5 năm qua được người dân nhẩm tính bằng tổng số kinh phí đầu tư của 30 năm trước đó. Từ nguồn ngân sách Trung ương, thành phố và huyện đã có 50 dự án dành cho 3 xã được thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 424,8 tỷ đồng.

Trong đó, ba dự án của Trung ương đầu tư theo Chương trình 135; bốn dự án của thành phố Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 186 tỷ đồng gồm dự án nâng cấp, làm mới đường dây hạ thế của ba xã miền núi, dân tộc với số tiền đầu tư hơn 36 tỷ đồng; dự án đường tỉnh lộ 446 đi qua 4 xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình và Đông Xuân với tổng số vốn hơn 150 tỷ đồng. 42 dự án do UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 186 tỷ đồng.

Cũng theo ông Nguyên: "cái được" không chỉ đơn thuần là "rót" kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng mà quan trọng là giúp những người dân được thụ hưởng chính sách có thêm động lực để xây dựng cuộc sống tốt hơn, làng xóm đẹp và văn minh hơn". 

(còn nữa..) 

Di Linh (Tuần Việt Nam) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo