Ashui.com

Thursday
May 02nd
Home Tương tác Phản biện Để trở thành đô thị xanh: Hà Nội cần những yếu tố gì?

Để trở thành đô thị xanh: Hà Nội cần những yếu tố gì?

Viết email In

Hà Nội đã có quá trình phát triển lâu dài. Diện mạo ngày nay là sự tổng hòa từ truyền thống, có sự tiếp thu chọn lọc nhiều dòng văn hóa. Nhìn vào thực trạng công tác quy hoạch xây dựng và kiến trúc cho thấy Hà Nội có những ứng xử thích nghi với bối cảnh phát triển trong từng giai đoạn song cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa. Rõ nhất là sự quá tải do chưa kiểm soát tăng trưởng dân số. Hệ thống chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí, giao thông vận tải, môi trường… còn nhiều bất cập. Quản lý đô thị, các chính sách kiểm soát khai thác đất đai còn để lãng phí. Phát triển mới chưa hài hòa với bảo tồn quỹ di sản đô thị…

Kể từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (2008), Hà Nội có thêm tiềm năng song cũng cần có định hướng mới để tiếp cận với những xu thế mới trong hội nhập. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2012 đã định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành TP xanh (bền vững và môi trường), văn hiến (bảo tồn di sản, hài hòa với phát triển), văn minh hiện đại (phát triển bền vững trên nền kinh tế tri thức, tiếp thu chọn lọc văn hóa của thế giới).

Định hướng nêu trên đã cho chúng ta thấy hình ảnh đô thị xanh của Hà Nội trong thời gian tới. Định hướng đúng tầm, tạo được niềm tin và hy vọng song quan trọng là quá trình tổ chức thực hiện. Hà Nội cần quan tâm đến một số vấn đề. Trước nhất là bảo tồn, gìn giữ hệ thống không gian xanh cho cả TP, từng khu vực và từng công trình. Chỉ tiêu cây xanh TP hiện còn thấp hơn nhiều so với quy định. Nội đô đang quá thiếu không gian xanh. Nhiều công viên như công viên Thống nhất, Bách thảo, Tuổi trẻ… đang có nguy cơ bị thu hẹp. Các hồ lớn như Hồ Tây, Yên Sở, hệ thống sông đang chịu nhiều áp lực về môi trường. Mạng lưới ao hồ trong các khu dân cư ngày càng thu hẹp, không những giảm tác dụng về môi trường mà còn gây hậu quả về úng ngập, tiêu thoát nước.

Quy hoạch chung Hà Nội lần này đã khẳng định cần tạo lập hành lang xanh dọc các con sông gắn với các lõi xanh, trục xanh, các không gian mở khu vực hồ Tây và không gian xanh mở tại các vùng nông thôn, cây xanh trong các khu bảo tồn tự nhiên, cây xanh đường phố. Phát triển các công viên lịch sử (khu Cổ Loa, đền Sóc, Hoàng Thành Thăng Long…), các công viên văn hóa gắn kết với cảnh quan thiên nhiên, làng ghề truyền thống, các công viên thể thao. Tạo lập được hệ thống không gian xanh như quy hoạch chung xây dựng đã nêu thì chắc rằng Hà Nội sẽ là đô thị xanh, bền vững với môi trường.

Vấn đề cần quan tâm thứ nữa là phát triển giao thông xanh. Giao thông Hà Nội đang chịu nhiều quá tải và là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Phương tiện giao thông hiện có, với 4 triệu xe máy (chiếm 1/3 cả nước, tập trung tới 60% ở khu trung tâm), với khoảng 400 nghìn ôtô (chiếm 1/6 cả nước)… đang là những thực trạng cần phải giải quyết. Trong khi đó mạng đường đang quá ít, chỉ chiếm khoảng 8% diện tích xây dựng đô thị.

Do vậy, để có một đô thị xanh, rõ ràng Hà Nội phải quan tâm nhiều hơn nữa để có giao thông xanh xứng tâm với Thủ đô.

Một đô thị xanh trong tương lai cũng cần phải có quản lý xanh. Đó là hệ thống cơ cấu tổ chức hợp lý từ cấp TP đến quận, huyện và phường, xã. Đó là năng lực cán bộ quản lý, nhất là với cán bộ chuyên ngành phù hợp với phân công phân cấp rõ ràng. Đó là phát huy và làm rõ vai trò của cộng đồng trong quản lý đô thị.

Đặc biệt, Hà Nội phải được tạo lập từ các công trình xanh, kiến trúc xanh. Đây là vấn đề đã được nghiên cứu hình thành từ giữa thế kỷ XX với các xu hướng được gọi tên là kiến trúc sinh thái, kiến trúc có hiệu quả năng lượng, kiến trúc thích ứng với khí hậu, kiến trúc bền vững… Kiến trúc xanh là trách nhiệm của người thiết kế kiến trúc, là yếu tố không thể thiếu cho phát triển bền vững, cho đô thị xanh…

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
0 # Nguyễn Hoàng Linh 28/02/2014 00:53
ngoài kiến trúc xanh , giao thông xanh , công viên ,quảng trường sinh thái , Hà Nội nên chú ý bảo vệ ,làm sạch và phát huy hệ thống mặt nước hiện có.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo