Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Phát triển quỹ đất theo hướng lấn ra biển là lợi ích quốc gia

Phát triển quỹ đất theo hướng lấn ra biển là lợi ích quốc gia

Viết email In

Chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo Nghị định về hoạt động lấn biển, quy định chi tiết Điều 190, Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng phát triển quỹ đất theo hướng lấn ra biển là lợi ích quốc gia, trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia...  


(Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết dự thảo Nghị định quy định về hoạt động lấn biển phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; không điều chỉnh hoạt động lấn biển phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia khi thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Việt Nam.

Nghị định tập trung vào các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển được xác định để lấn biển; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư lấn biển hoặc hạng mục lấn biển của dự án đầu tư; giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển được xác định để lấn biển; nghiệm thu hoàn thành lấn biển.

Dự thảo quy định xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất lấn biển; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lấn biển; quy định xử lý chuyển tiếp đối với các trường hợp đã thực hiện nộp hồ sơ đề nghị giao khu vực biển trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, đại diện các bộ, ngành đã trao đổi, thống nhất tính trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quy định chủ đầu tư chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với phần đất được hình thành từ hoạt động lấn biển sau khi có thông báo kết quả nghiệm thu hoàn thành lấn biển và hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng Nghị định cần rà soát, bổ sung các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng cá, khu hậu cần nghề cá trên biển… vào phạm vi điều chỉnh; xây dựng sơ đồ quy trình thực hiện các dự án lấn biển;

Tách quy trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư lấn biển và hạng mục lấn biển sử dụng nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn tư nhân; quy định rõ mốc thời gian triển khai dự án đầu tư sử dụng đất hình thành từ hoạt động lấn biển; rút ngắn thời gian nghiệm thu hoàn thành lấn biển…


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, Nghị định không được bỏ sót các hoạt động kinh tế, xã hội liên quan đến lấn biển.

Cho ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng phát triển quỹ đất theo hướng lấn ra biển là lợi ích quốc gia. Trong hoạt động này, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, kiểm soát để hoạt động lấn biển hài hoà với quản lý, khai thác, sử dụng biển để giữ gìn các giá trị môi trường, tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái trong các quy hoạch ngành quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Phó Thủ tướng lưu ý, Nghị định không được bỏ sót các hoạt động kinh tế, xã hội liên quan đến lấn biển.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng Nghị định về lấn biển phải chặt chẽ, khả thi, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật chuyên ngành; phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát theo tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể. Giảm bớt thủ tục quanh co, trùng lặp và tích hợp thành một bộ thủ tục thống nhất để tối ưu hoá thời gian giải quyết của các bộ, ngành, giảm chi phí, thời gian cho nhà đầu tư...

Ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Riêng Điều 190 quy định về hoạt động lấn biển sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2024.

Đỗ Phong

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1346 khách Trực tuyến

Quảng cáo