Ashui.com

Wednesday
May 08th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Cổ phần hóa các ban quản lý dự án giao thông

Cổ phần hóa các ban quản lý dự án giao thông

Viết email In

Trong giai đoạn từ năm 2012-2015, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa 70 doanh nghiệp trực thuộc bộ. Trong số những doanh nghiệp được cổ phần hóa sẽ có các ban quản lý dự án (QLDA) giao thông.

Theo đề án sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp ngành giao thông đã được Chính phủ phê duyệt, các ban quản lý dự án sẽ được cổ phần hóa theo hướng vừa là đơn vị quản lý, khai thác vừa là đơn vị tìm kiếm nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho dự án hạ tầng giao thông. Đồng thời, việc chuyển đổi thành công ty cổ phần sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản thông qua hình thức đấu thầu để có được các nhà thầu chất lượng hơn.


Việc chuyển đổi từ mô hình ban quản lý dự án thành các tổng công ty nhằm tìm kiếm các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho hạ tầng giao thông (Ảnh: Anh Quân)

Trước đây, các ban QLDA gần như chỉ hoạt động dựa trên việc phân bổ dự án từ Bộ GTVT bằng nguồn vốn ngân sách. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều dự án hạ tầng giao thông đã có quyết định đầu tư nhưng không có vốn triển khai thì các đơn vị này bắt đầu lâm vào cảnh thiếu việc làm.

Tại buổi làm việc với các ban quản lý dự án khu vực phía Nam vào tháng 7/2011, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết mô hình các ban QLDA giao thông đã bộc lộ nhiều bất cập và cần phải thay đổi để chuyên nghiệp hóa.

Đến tháng 8-2011, đơn vị đầu tiên được Bộ GTVT quyết định chuyển đổi thành mô hình tổng công ty là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Sau khi mang tên Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM), ngoài nhiệm vụ đầu tư, xây dựng, khai thác các dự án hạ tầng giao thông, doanh nghiệp này phải đảm nhiệm thêm một chức năng mới là huy động các nguồn vốn ngoài xã hội để đầu tư vào các dự án giao thông đang thiếu vốn trầm trọng.

Cũng trong năm 2011, một mô hình mới trong xây dựng cũng được áp dụng đó là việc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tiến hành ký kết hợp đồng tư vấn quản lý dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với các ban QLDA 1 và 85.

Theo Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức, đây là xu hướng sẽ được áp dụng trong thời gian tới bởi các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) cho lĩnh vực giao thông đang ít dần đi và hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công-tư (PPP) sẽ được phát triển. Việc chuyển đổi mô hình từ ban QLDA thành các tổng công ty sẽ giúp các đơn vị này chuyển lên một quy mô lớn hơn, chuyên môn hóa và hợp tác sâu rộng hơn, khắc phục được những hạn chế của mô hình cũ.

Anh Quân 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 4518 khách Trực tuyến

Quảng cáo