Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tin tức Việt Nam Đề xuất bổ sung 4.000 tỉ đồng hỗ trợ phòng chống sạt lở ĐBSCL

Đề xuất bổ sung 4.000 tỉ đồng hỗ trợ phòng chống sạt lở ĐBSCL

Viết email In

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, cơ quan này đã đề xuất bổ sung 4.000 tỉ đồng nguồn vốn dự phòng của ngân sách trung ương năm 2023 để hỗ trợ các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện 18 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.


Một điểm sạt lở ở Cà Mau. (Ảnh: namcan.camau.gov.vn)

TTXVN cho biết, trong buổi làm việc với các bộ về bố trí nguồn vốn cho các dự án phòng, chống sạt lở vùng ĐBSCL diễn ra ngày 28/8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã trình Thủ tướng Chính phủ việc cho phép bổ sung 4.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để hỗ trợ các địa phương thực hiện 18 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển của khu vực.

Thông tin tại buổi làm việc, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng địa phương thực hiện công tác đánh giá, xin ý kiến thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường nhằm tránh trùng lặp với những dự án có kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn khác.

Đối với những dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển của khu vực, nguồn vốn sẽ do ngân sách địa phương đảm bảo. Ngoài ra, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ (nếu cần).

Cũng theo TTXVN, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, các địa phương, bộ, ngành cần có kế hoạch để rà soát, đề xuất danh mục dự án xử lý sạt lở bờ sông ở 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Việc đề xuất danh mục dự án cần theo nguyên tắc là giải quyết được vấn đề cấp bách và khắc phục hậu quả thiên tai; cần xem xét thứ tự ưu tiên của dự án, sử dụng nguồn lực sao cho đạt kết quả. Trước 15/9 tới đây, các bộ có đề xuất danh mục  để trình Thủ tướng Chính phủ.

Bàn về giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, theo baochinhphu.vn, chuyên gia cho rằng, cần nghĩ đến 3 nhóm giải pháp là giải pháp công trình, giải pháp mềm và giải pháp rút lui.

Trong đó, ưu điểm của giải pháp công trình là nhanh, bảo vệ được một số nơi trong một thời gian. Tuy nhiên, mỗi công trình có thể tốn từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Do đó, biện pháp công trình chỉ nên được thực hiện ở những nơi như đô thị, khu đông dân cư, nơi có cơ hạ tầng quan trọng chưa thể di dời.

Biện pháp mềm như trồng bần ven sông thì sẽ phù hợp sinh thái, chi phí thấp. Tuy nhiên, việc trồng bần và các biện pháp mềm khác cũng chỉ khả thi ở những nơi còn bồi hoặc ít sạt lở.

Ngoài ra giải pháp rút lui như di dời, tái định cư ổn định sinh kế cho người dân, cảnh báo sớm trước khi sạt lở xảy ra để người dân kịp di tản.

T.Đào

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo