Tôi đã đi dọc theo đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) và nhìn thấy nhiều chung cư với các căn hộ không khác gì chuồng bồ câu đơn giản, đều tăm tắp, không có hồn xác gì cả. Và việc ấy thì có lẽ không cần đến kiến trúc sư. Là một kiến trúc sư, anh nghĩ sao? Nếu đóng vai trò người duyệt kiến trúc đô thị, anh có duyệt không?
KTS Ngô Viết Nam Sơn (ảnh bên): - Một mặt, một công trình không đẹp thường do việc không đầu tư nghiên cứu đúng mức hoặc do trình độ sáng tạo có hạn của nhà kiến trúc, bởi vì một công trình dù khô khan như nhà kho, tháp nước, vẫn có thể được thiết kế thành một công trình vừa thích dụng, vừa thẩm mỹ. Mặt khác, xu hướng thích chia nhỏ căn hộ và rẻ tiền để dễ bán của nhà đầu tư, cũng làm cho công trình chung cư dễ trở thành một khối bêtông với những ô cửa sổ bé tí, mà anh đã ví như những chuồng bồ câu. Tôi cho rằng xu hướng thích xây dựng hoặc cơi nới căn hộ hoặc nhà ở chen chúc chật hẹp này có ba nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất là tư duy nông nghiệp của cư dân đem vào đô thị, còn mang ảnh hưởng nặng tinh thần bám ruộng, bám vườn, chia sẻ ruộng đất cho con cái cùng sống chung, cũng như mong muốn sống và chết tại nơi cư trú và làm việc… của người nông dân, do đó làm cho đô thị Việt ngày càng trở thành nơi sống chen chúc tạm bợ với đà tăng dân số.
Nguyên nhân thứ hai là giá địa ốc tăng quá cao so với thu nhập người dân, và tình trạng giao thông ách tắc thường xuyên trong khi hệ thống giao thông công cộng tại Việt Nam quá yếu kém, do đó chọn lựa tốt nhất cho người dân là chấp nhận diện tích ở chật hẹp, miễn là nằm ở khoảng cách đi lại thuận lợi đến khu trung tâm hoặc nơi làm việc.
Nguyên nhân thứ ba là sự bất lực của nhà quản lý đô thị, để cho tình trạng tư duy mét vuông dẫn đạo sự phát triển đô thị tự phát tại Việt Nam, vừa kém bền vững (do bêtông hoá, ách tắc giao thông, ô nhiễm gia tăng), vừa không kinh tế (do phá vỡ sự ổn định của hệ thống hạ tầng đã quy hoạch cho từng khu vực).
Các dự án chung cư với nhiều căn hộ nhỏ và siêu nhỏ chỉ có thể khả thi, nếu đặt nó vào tầm nhìn quy hoạch chung của khu vực, chứ không chỉ đơn giản là thu nhỏ cho dễ bán. Số lượng căn hộ nhỏ phải khống chế ở tỷ lệ cho phép của từng khu vực, để không trở thành tác nhân phá vỡ sự cân đối quy hoạch về số dân, mật độ xây dựng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật và xã hội, dịch vụ, giao thông…, cuối cùng gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của toàn khu. Trong các công trình chung cư mà đa số căn hộ được chia nhỏ, việc dành diện tích cho các không gian xanh công cộng trên cao rất cần thiết cho việc cải thiện vi khí hậu cũng như cảnh quan chung của khu nhà.
Dấu ấn cá nhân trong một công trình kiến trúc, theo anh, chiếm bao nhiêu phần trăm? Những kiến trúc sư để lại dấu ấn cá nhân đậm nét trên thế giới, gây ấn tượng cho anh, là những ai?
- Dấu ấn cá nhân trong kiến trúc thường được tạo ra trực tiếp bởi những kiến trúc sư, nhà đầu tư và/hoặc nhà lãnh đạo chính quyền. Ví dụ công trình mở rộng bảo tàng Louvre đã được khẳng định là dấu ấn cá nhân của kiến trúc sư I. M. Pei và Tổng thống Pháp François Mitterand. Dấu ấn cá nhân còn có thể được tạo ra gián tiếp bởi những nhà tư tưởng, nhà quy hoạch, nhà phê bình… giúp kiện toàn phương pháp tư duy thiết kế, hoặc giúp thiết lập một hệ khung sườn hiệu quả cho không gian quy hoạch, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thiết kế và xây dựng những tác phẩm lớn về kiến trúc.
Phần đông nhà lãnh đạo lớn hoặc kiến trúc sư nổi tiếng trong lịch sử thường xem trọng việc tạo dấu ấn cá nhân, nhưng cách tiếp cận thì có khác nhau. Khi đặt cái “tôi” chủ quan lên vị trí quá quan trọng, ngay cả những nhân vật nổi tiếng nhất vẫn có thể phạm sai lầm, khi không thấy rằng đôi khi những công trình quy hoạch kiến trúc của họ có thể gây tổn hại rất lớn đến môi trường xung quanh, kiến trúc cảnh quan của khu vực, và đến đời sống của người dân. Ví dụ như công trình kim tự tháp tiêu tốn bao nhiều xương máu và tài lực của quốc gia chỉ để thể hiện tham vọng của các pharaoh; hoặc như việc xây dựng thêm sân bay quốc tế Mirabel tại Montréal (Canada) đã lãng phí vô ích hàng tỉ đôla, vì Thủ tướng Pierre Trudeau dự đoán sai rằng sân bay Dorval của thành phố sẽ quá tải; hoặc như dự án quy hoạch Paris của Le Corbusier (may mà không được thực hiện) đã từng đề xuất san bằng khu vực có nhiều công trình lịch sử ở thủ đô nước Pháp để dành đất xây dựng những khối hộp bêtông cao tầng không bản sắc.
Tôi thường đánh giá cao nhất những kiến trúc sư có kiến thức và tư duy sâu sắc về kiến trúc lẫn quy hoạch và cảnh quan, trong đó các công trình của họ vừa có dấu ấn thời đại, vừa có tính nhân văn, vừa thể hiện sự tiếp nối của lịch sử, và hài hoà với môi trường sống và làm việc của khu vực chung quanh. Daniel Burnham, Ngô Viết Thụ, Christian de Portzamparc, I. M. Pei, và Moshe Safdie là những người như vậy.
Dự án Quần thể dịch vụ y tế đa chức năng quốc tế, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: tư liệu
Thường dấu ấn cá nhân hay đi đôi với sự cô đơn. Sáng tạo và cô đơn, trong hầu hết lĩnh vực, là nhân quả. Anh có rơi vào cảnh ấy bao giờ chưa?
- Con đường sáng tạo vốn không có quy luật và cũng không nên gò chúng vào một khuôn khổ nào. Trong quá trình sáng tạo, nhà kiến trúc có thể chọn nhiều con đường khác nhau, trong đó có con đường cô đơn và không cô đơn. Khó có thể nói con đường nào là tốt hơn, vì nhà kiến trúc nên chọn con đường riêng cho mình, tuỳ theo bản tính và xu hướng nghề nghiệp của họ.
Một vài nhà kiến trúc lớn chọn con đường cô đơn. Họ thường có cá tính mạnh, tư duy và làm việc độc lập, và ít quan tâm việc giao tiếp và cộng tác đa ngành trong quá trình làm việc. Điển hình là các kiến trúc sư như Frank Lloyd Wright, Le Corbusier, và Frank Gehry, tuy vẫn có những cộng sự phụ tá, nhưng họ thường rất quyết đoán theo chủ quan cá nhân, như là những nghệ sĩ theo nghĩa tuyệt đối.
Nhưng con đường mà tôi đang hướng tới – có lẽ có nhiều điểm tương đồng hơn với con đường của những kiến trúc sư nổi tiếng vừa nêu tên. Họ không hề cảm thấy cô đơn, vì quen với việc nắm vững kỹ năng cộng tác nhóm với nhiều người khác để hướng đến việc thực hiện những tác phẩm vừa có giá trị kiến trúc, vừa có giá trị quy hoạch, văn hoá, lịch sử, môi trường… Họ thường đóng vai trò lãnh đạo trong một nhóm nghiên cứu thiết kế gồm nhiều chuyên gia các ngành khác nhau, luôn sẵn sàng lắng nghe và quan tâm đến việc làm sao tác phẩm có thể phục vụ cộng đồng và xã hội tốt nhất, thay vì quan tâm việc thể hiện cái tôi tự đại (egotism). Nhà kiến trúc loại này, thường kiêm thêm vai trò nghệ sĩ, nhà kinh tế, xã hội, hoặc nhà văn hoá. Họ thường viết bài, thuyết trình tại các hội thảo, tham gia các hoạt động nghề nghiệp vừa để chia sẻ và trao đổi kiến thức, vừa qua đó tìm những tiếng nói chung, kết giao với những người cùng chí hướng, để cùng thực hiện các dự án tương lai khi có cơ hội. Con đường như vậy sẽ dài và khó khăn hơn, nhưng kết quả đạt được thường bền vững hơn nhiều.
Tôi thường đánh giá cao nhất những kiến trúc sư có kiến thức và tư duy sâu sắc về kiến trúc lẫn quy hoạch và cảnh quan, trong đó các công trình của họ vừa có dấu ấn thời đại, vừa có tính nhân văn, vừa thể hiện sự tiếp nối của lịch sử, và hài hoà với môi trường sống... |
Máy tính chiếm vai trò như thế nào trong công việc của anh?
- Các bạn sinh viên kiến trúc ngày nay thường lạm dụng máy tính, do đó người có chuyên môn rất dễ nhìn thấy đằng sau các bản vẽ 3D rất bắt mắt là tư duy hời hợt, chủ yếu sao chép và cắt dán một cách thiếu suy nghĩ từ các tạp chí nước ngoài.
Máy tính là công cụ hỗ trợ không thể thiếu trong công việc hàng ngày của kiến trúc sư. Tuy nhiên, máy tính chỉ có hiệu quả trong việc thu thập phân tích bản vẽ và số liệu, và trong việc trình bày kết quả cuối cùng cho từng giai đoạn. Sự hỗ trợ của máy tính không quan trọng bằng kỹ năng quan sát, giao tiếp, và phân tích tổng hợp. Các phương tiện cổ điển như giấy bút thường giúp cho kiến trúc sư tư duy và đưa ra giải pháp thiết kế hữu hiệu hơn.
Trong thế kỷ 21 này, nhiều công ty kiến trúc hàng đầu thế giới cũng ít khi dựa vào máy tính trong quá trình tư duy, và thường chỉ dùng nhiều máy tính trong giai đoạn khai triển kỹ thuật. Thời gian cùng nghiên cứu quy hoạch cho Thượng Hải tại công ty SOM, nhóm thiết kế chúng tôi đã vẽ tay toàn bộ hồ sơ thiết kế ý tưởng, không dùng máy tính, thậm chí không dùng cả thước kẻ. Một trong những công ty kiến trúc có nhu cầu cao nhất trong việc sử dụng hệ thống máy tính tối tân là công ty Gehry Partners, nhưng kiến trúc sư trưởng Frank Gehry (giải Pritzker 1989) và cộng sự cũng chủ yếu phác thảo qua bản vẽ tay và mô hình trong giai đoạn thiết kế ý tưởng.
Kiến trúc xanh và biến đổi khí hậu có sự liên quan nào với nhau?
- Kiến trúc xanh là một trong những giải pháp ứng xử đối với nguy cơ biến đổi khí hậu. Thực tế, kiến trúc xanh không mới, mà có một quá trình phát triển từ rất lâu, nhưng các nghiên cứu từ hai thập niên qua mang tính khoa học và sâu sắc hơn. Tôi là thành viên hội đồng Chuyên gia cố vấn quốc tế cho hội đồng Xanh Việt Nam (VGBC), một tổ chức được Úc và Việt Nam tài trợ, hiện đang hướng tới việc thiết lập các tiêu chuẩn kiến trúc xanh LOTUS phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Các dự án quy hoạch kiến trúc do chúng tôi thực hiện từ hai thập niên qua thường hướng đến việc khai phá các tìm tòi phát triển kiến trúc xanh, vì đây là xu hướng tất yếu của thời đại trong việc tích cực bảo vệ môi trường. Ví dụ, trong dự án Quần thể dịch vụ y tế đa chức năng quốc tế tại quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (bao gồm bệnh viện, khách sạn, căn hộ cao cấp, khu dịch vụ thương mại, khu đào tạo và hội nghị quốc tế), chúng tôi tổ chức các khối tháp với chức năng khác nhau, nhưng cùng chia sẻ một không gian liên thông là các tầng đế (podium) với ánh sáng và thông thoáng tự nhiên, mà nóc của nó là một không gian vườn có hồ bơi và đường đi bộ trên cao nối kết với nhau, không những giúp giảm bức xạ đảo nhiệt ra môi trường xung quanh, mà còn tạo được không gian cảnh quan xanh và yên tĩnh trên cao phục vụ cho người sử dụng. Người sử dụng không cảm thấy mình đang ở một bệnh viện đa khoa, mà là đang ở một khu nghỉ dưỡng cao cấp, thân thiện, và giúp tái tạo năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, cụm công trình còn áp dụng những biện pháp thiết kế tiết kiệm năng lượng, tích trữ nước mưa, xử lý chất thải, thuận tiện cho người đi bộ, và quản lý hoạt động vận hành một cách hiệu quả nhất.
Công Khanh (KT&ĐS /thực hiện)
- Nỗi đau “ba không” về đất đai
- KTS Trần Ngọc Chính: “Cần làm rõ nguyên nhân điều chỉnh đường Trường Chinh”
- Nên đặt giá trần với nhà ở xã hội?
- Đà Nẵng có đúng là thành phố đáng sống?
- 3 phương án cứu cầu Long Biên của Bộ GTVT: Vô lý, không tưởng, thực dụng!
- GS Hoàng Đạo Kính: Đừng "rượt đuổi" theo hai chữ bảo tồn
- Xe đạp công cộng: Thấy lợi, dân sẽ đi!
- KTS Khương Văn Mười: “Tôi cứ thấy sông nước là… mê!”
- Biến đổi khí hậu: "Thách thức với Việt Nam rất lớn"
- Bài học quản lý dự án BOT từ cầu Phú Mỹ