Hợp nhất 2 Nghị định 48/2010 và 207/2013: Tạo sự minh bạch trong hoạt động xây dựng

Thứ tư, 28 Tháng 5 2014 12:33 Báo Xây dựng
In

Sau 3 năm thực hiện Nghị định số 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng đã bộc lộ một số yếu điểm, tạo ra kẽ hở trong quá trình thực hiện hợp đồng hoạt động đầu tư xây dựng, cần phải sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 207/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng song song, nhiều điểm bất cập đã xảy ra đòi hỏi cần thiết phải hợp nhất hai Nghị định này nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng trong quản lý đầu tư xây dựng.  


Hợp đồng xây dựng quyết định đến kết quả quản lý dự án đầu tư xây dựng. 

Bước chuyển trong quản lý đầu tư 

Hợp đồng xây dựng là công cụ cho việc thực hiện cơ chế đàm phán, thỏa thuận về chi phí đầu tư xây dựng công trình, giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng, có tính chất đặc thù. Đó là quá trình mua bán sản phẩm xây dựng chỉ diễn ra trên giấy, không như các sản phẩm khác, do đó quá trình thực hiện hợp đồng có nhiều yêu cầu cần phải thay đổi sao cho phù hợp với thực tế. 

Dự thảo Nghị định này quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên. Giá ký kết hợp đồng không vượt giá trúng thầu (đối với trường hợp đấu thầu), không vượt dự toán gói thầu được duyệt (đối với trường hợp chỉ định thầu)...

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng là thời điểm ký kết hợp đồng và bên giao thầu đã nhận được bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên nhận thầu (đối với hợp đồng có quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng) hoặc thời điểm khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng.

Nội dung và khối lượng công việc của hợp đồng xây dựng là những nội dung, khối lượng công việc mà bên giao thầu ký kết với bên nhận thầu và phải được các bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng.

Sau khi hoàn thành khối lượng hợp đồng, thì phải nghiệm thu, bàn giao sản phẩm các công việc hoàn thành. Các công việc cần nghiệm thu, bàn giao; căn cứ nghiệm thu, bàn giao; quy trình, thời điểm nghiệm thu, bàn giao sản phẩm các công việc hoàn thành; thành phần nhân sự tham gia nghiệm thu, bàn giao; biểu mẫu nghiệm thu, bàn giao; các quy định về người ký, các biên bản, tài liệu nghiệm thu, bàn giao phải được các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

Ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: Bộ Xây dựng vẫn đang soạn thảo Nghị định hợp nhất hai nghị định trên. Việc hợp nhất hai Nghị định số 48/2010 và Nghị định 207/2013 là vấn đề cấp bách trong tình hình thực tiễn của hoạt động xây dựng hiện nay. Việc nợ đọng trong hoạt động xây dựng trong những năm trước đây có nguyên nhân là bên giao thầu ký hợp đồng chưa có vốn dẫn đến tình trạng nợ đọng giữa chủ đầu tư với nhà thầu. Trong khi đó nhà thầu đi vay tiền với ngân hàng để làm với chủ đầu tư, còn chủ đầu tư không có tiền để thanh toán ngay dẫn đến tình trạng nợ đọng chéo. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ ban hành Nghị định 207 yêu cầu các bên khi giao thầu phải có vốn thanh toán cho bên nhận thầu theo tiến độ. Nghị định 207 cũng làm rõ về các điều kiện áp dụng các loại giá hợp đồng xây dựng. 

Minh bạch giá hợp đồng 

Tại Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ về giá hợp đồng. Theo đó, giá hợp đồng xây dựng là khoản kinh phí bên giao thầu cam kết trả cho bên nhận thầu để thực hiện công việc theo yêu cầu về khối lượng, chất lượng, tiến độ, điều kiện thanh toán và các yêu cầu khác theo thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng. Có các loại giá hợp đồng như: Giá hợp đồng trọn gói; Giá hợp đồng theo đơn giá cố định; giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; theo tỷ lệ phần trăm.

Trong thực tiễn hoạt động xây dựng, việc tạm ứng hợp đồng là chuyện phổ biến và tại Nghị định này cũng quy định rõ tại Điều 17 về tạm ứng hợp đồng xây dựng. Đây là khoản kinh phí mà bên giao thầu ứng trước cho bên nhận thầu để triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng. Mức tạm ứng tối thiểu được quy định như sau: Đối với hợp đồng tư vấn là 25% giá hợp đồng; Đối với hợp đồng thi công xây dựng công trình sẽ là 10% giá hợp đồng với hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng, 15% giá hợp đồng với hợp đồng có giá trị từ 10 - 50 tỷ đồng, 20% giá hợp đồng với các hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng.

Bên giao thầu phải thanh toán đầy đủ (100%) giá trị của từng lần thanh toán cho bên nhận thầu sau khi đã giảm trừ tiền tạm ứng, tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có quy định khác. Thời hạn thanh toán do các bên thỏa thuận nhưng không quá 14 ngày làm việc kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Cũng theo ông Phạm Văn Khánh, thông thường trước đây các chủ đầu tư đều tạm ứng tiền cho nhà thầu thi công, nhưng trong quá trình thực hiện một số nhà thầu đã đem số tiền đó đi làm việc khác. Sau này, khi nhà thầu với một lý do nào đó bỏ công trình, nhưng vì không có hoạt động bảo lãnh nên chủ đầu tư không có cơ sở để đòi. Do đó, để khắc phục tình trạng này, quy định mới bắt buộc các chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng để sau này có thể bù lại khoản đã tạm ứng.

Hiệp Bắc (Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: