Trong những năm tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tính toán sẽ xây dựng nhiều tuyến cao tốc 2 làn xe thay vì 4 đến 6 làn xe do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp và việc mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn.
Mới đây, Bộ GTVT đã lên kế hoạch xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa nối các tỉnh miền Bắc với các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư của dự án lên đến hơn 30.000 tỉ đồng nên Bộ GTVT sẽ phân kỳ xây dựng thành 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn đầu chỉ xây dựng hai làn xe để giảm tổng mức đầu tư.
(Ảnh minh họa: Anh Quân)
Một dự án khác tại khu vực phía Bắc là đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn (đoạn nối dài của đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) cũng được lên kế hoạch xây dựng với 2 làn xe. Với tổng mức đầu tư 3.150 tỉ đồng, đường cao tốc 2 làn xe Thái Nguyên - Bắc Kạn được coi là công trình vừa sức với các nhà đầu tư trong nước.
Còn tại khu vực phía Nam, dự án đường cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương (Lâm Đồng) cũng được Bộ GTVT và tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ, trước mắt chỉ xây dựng 2 làn xe, đạt tốc độ 60 đến 80km/giờ. Theo quy hoạch đã được lập, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài 200 km, nếu xây dựng 4 làn xe thì tổng mức đầu tư sẽ lên tới 65.350 tỉ đồng.
Một dự án khác cũng có tổng mức đầu tư rất lớn là đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư) cho biết, do tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của đường cao tốc này lên đến gần 25.000 tỉ đồng nên rất khó thu xếp vốn.
Do vậy, Tổng công ty Cửu Long đã đề xuất phân kỳ đầu tư đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận thành 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1A đầu tư 2 làn xe, có bố trí làn dừng xe khẩn cấp với chiều rộng hạn chế 2,5 mét/làn với hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Còn giai đoạn 1B sẽ đầu tư mở rộng lên 6 làn xe. Hình thức đầu tư được đề xuất là vốn vay ODA.
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang rà soát để phân kỳ đầu tư lại nhiều tuyến cao tốc trong số 25 dự án hạ tầng giao thông mời gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020 theo hướng giảm quy mô để rút ngắn thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn, chi phí xây dựng các tuyến cao tốc lại rất lớn, việc giảm quy mô xây dựng đường cao tốc từ 6 hoặc 4 làn xe xuống 2 làn xe được coi là giải pháp phù hợp để thu hút các nhà đầu tư do nguồn vốn phù hợp và thời gian hoàn vốn ngắn.
Lê Anh
- Hà Nội: Bàn giao QHCT khu nhà ở sinh thái tại xã Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm
- Bất động sản: Tồn kho giảm mạnh, giải ngân gói 30.000 tỷ tăng nhanh
- TPHCM: Vẫn chưa đủ vốn để xây tuyến metro số 5
- TP.HCM: duyệt Nhiệm vụ quy hoạch 1/500 khu phức hợp Cape Pearl
- TPHCM thay nhà đầu tư cầu Thủ Thiêm 2
- TPHCM kêu gọi phát triển hạ tầng khu đô thị Tây Bắc
- Hợp nhất 2 Nghị định 48/2010 và 207/2013: Tạo sự minh bạch trong hoạt động xây dựng
- Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai
- Phải tính cả “giá trị triển vọng” khi định giá đất
- Các dự án giao thông trọng điểm ở Hà Nội: Thiếu vốn và nhà tái định cư