Không gian công cộng không của riêng ai

Thứ năm, 27 Tháng 10 2011 00:26 Báo Xây dựng
In

Như tin đã đưa, ngày 26/10, Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) và Tổ chức HealthBridge Canada đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Quản lý và phát triển không gian công cộng trong đô thị”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn (ảnh bên) ghi nhận: Trong quá trình phát triển đô thị, Việt Nam cũng đã và đang chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng đô thị, trong đó có các không gian công cộng (KGCC) nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, hiện nay KGCC cấp đô thị ở Việt Nam còn rất thiếu, nhiều nơi sử dụng chưa đúng mục đích, tổ chức không gian chưa thật hiệu quả. Về mặt pháp luật, chưa có văn bản nào cụ thể quy định về quy chế quản lý KGCC tại các đô thị Việt Nam. Vì vậy, tại hội thảo lần này, một trong những mục tiêu được đề ra là xây dựng tiêu chí về phát triển và quản lý KGCC cấp đô thị nhằm nâng cao chất lượng các KGCC, nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị đồng thời tăng cường năng lực quản lý của chính quyền đô thị, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc xây dựng phát triển và quản lý KGCC cấp đô thị.

Đề cập cụ thể hơn đến thực trạng phát triển KGCC đô thị ở Việt Nam, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Thị Hạnh (ảnh bên) cho biết: Đối với khu vực đô thị hiện hữu, giải pháp khôi phục các KGCC bị sử dụng không đúng chức năng chưa được quan tâm đúng mức. Các khu vực di dời ra ngoài nội đô chưa được xác định để trở thành không gian gắn với các hoạt động cộng đồng mà được sử dụng xây dựng các công trình cao tầng nhiều chức năng đã gây quá tải nhiều mặt cho đô thị.

Còn ở khu vực phát triển mới đô thị, một thực trạng dễ nhận thấy là hiện nay , do xu thế của kinh tế thị trường, quy hoạch các ĐTM thường có mật độ xây dựng cao, ưu tiên nhà ở và thương mại dịch vụ, cắt giảm diện tích làm vườn hoa, công viên, bãi sân thể dục thể thao. Một số KĐT đã có ý thức quy hoạch, thiết kế các không gian vui chơi, quảng trường, công văn cho khu ở đó tuy nhiên, trên thực tế, nhiều không gian nói trên chỉ tồn tại ở bản vẽ quy hoạch, việc đầu tư xây dựng thường được thực hiện theo quy hoạch điều chỉnh.

Đấy là chưa kể, theo quan niệm của một số người thì “công cộng có nghĩa là miễn phí, là tự do sử dụng” vậy nên sẽ dẫn đến hệ quả là vô số hồ ao đã bị lấp để biến thành đất thương mại, người dân lấn chiếm các hệ thống hành lang sông rạch trong TP, vỉa hè và các khoảng KGCC.

Theo phân tích của bà Hạnh: Các KGCC có hàng rào bao bọc, bán vé vào cửa, dù ở bất cứ mức giá thấp nào cũng được coi là cản trở đối với người muốn sử dụng hàng ngày, nhất là người nghèo và người nhập cư. Việc loại bỏ các rào cản này và loại bỏ hoàn toàn phí vào cửa để KGCC thực sự mang ý nghĩa cộng đồng cần được chính quyền đô thị cân nhắc.

Xu hướng xã hội hóa các KGCC đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam. Theo xu hướng này, hầu hết các KGCC tại những trung tâm thương mại – tài chính đều do các DN tự nhân tạo lập, đem lại hiệu quả lớn như quản lý tốt hơn, chất lượng, quy mô và tính thẩm mỹ được nâng cao, giảm nhẹ gánh nặng ngân sách cho chính quyền đô thị. Tuy nhiên, hạn chế của hình thức này là một số KGCC thu phí nên các nhóm yếu thế trong xã hội không có cơ hội tiếp cận và nguy cơ tiềm tàng gây phân hóa xã hội.

Sau khi đề cập đến những bất cập trong việc quản lý KGCC, Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Đỗ Viết Chiến (ảnh bên) đã đề xuất một số giải pháp khắc phục.

Thứ nhất, ngay từ khâu quy hoạch, cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát , thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết để bảo đảm việc triển khai đầu tư xây dựng các KGCC trong dự án có tính khả thi cao. Vị trí của các KGCC cần thuận tiện, hấp dẫn, bảo đảm cho việc khai thác hiệu quả các chức năng của chúng. Ngay từ quy hoạch, cần phải kết hợp nhiều giải pháp, chính sách nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế của nhà đầu tư và lợi ích của cộng đồng xã hội.

Thứ hai, sau khi quy hoạch được duyệt, ngoài việc công bố công khai quy hoạch và cắm mốc giới, cần chỉ rõ ranh giới, tính chất khu đất quy hoạch các công trình công cộng, KGCC. Việc này sẽ tạo thuận lợi để cộng đồng giám sát. Như vậy, sẽ hạn chế đượcc tình trạng lấn chiếm, điều chỉnh quy hoạch cục bộ KGCC.

Thứ ba, đầu tư xây dựng các KGCC thường ít mang lại lợi nhuận về kinh tế, vốn đầu tư lớn do đó cần thực hiện nhiều biện pháp xã hội hóa đầu tư theo quy hoạch, tuy nhiên không thực hiện đầu tư - chuyển giao theo hướng giảm diện tích các KGCC.

Thứ tư, việc quản lý vận hành các KGCC cần có cơ quan chủ quản đầu mối với trách nhiệm phối hợp và giám sát thực thi trách nhiệm của các cơ quan khác. Ông Chiến khuyến nghị giao đầu mối quản lý vận hành KGCC cho chính quyền đô thị nơi có KGCC để thống nhất quản lý.

Và cuối cùng, ông Chiến cho rằng, cần tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị, tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức cho nhân dân nhằm nâng cao vai trò của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của KGCC.


Một góc công viên 30-4, TPHCM (ảnh: Ashui.com) 

Tiểu Vũ

[ Chuyên đề: Không gian công cộng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: