Quy hoạch tổng thể tượng đài trên địa bàn thành phố là một trong những vấn đề quan trọng. Đã có lộ trình triển khai từ năm 2009 về chương trình nghiên cứu định hướng phát triển hệ thống tượng và tượng đài trên địa bàn thành phố đến năm 2025.
Báo động chất lượng
Trong những tháng cuối năm, song song với “độ nóng” về những vấn đề kinh tế, đời sống, an toàn giao thông…, câu chuyện tìm hiểu hệ thống tượng và tượng đài cũng không phải là chuyện đã quên trong hướng đi tới của thành phố.
Hàng ngày, chạy theo vòng xoay ngã sáu Sài Gòn, ít ai chú ý đến hiện trạng tượng Thánh Gióng gần như quá “khiêm tốn, bé bỏng” trong không gian vây quanh của các tòa nhà cao tầng, những bức pa-nô quảng cáo hoành tráng dựng đứng.
- Ảnh bên: Tượng đài truyền thống đấu tranh của công nhân lao động TPHCM tại ngã bảy, quận 10, TPHCM. (Ảnh: An Dung)
Điều đáng nói, theo chân những nhà chuyên môn khảo sát, chúng tôi ghi nhận hiện trạng xuống cấp của tượng Thánh Gióng: tay phải bị nứt, bong xi măng, ló cốt sắt, chất liệu kết dính và hỗn hợp bị lão hóa, không còn độ bám với cốt sắt. Và với sự trùng tu tạm thời cũng khó bảo đảm độ bền vững với thời gian!
Tượng Trần Nguyên Hãn, bên cạnh tượng Quách Thị Trang đặt tại bùng binh chợ Bến Thành, chất liệu tượng có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng: nền móng lún sụp do mưa nắng, dẫn đến tình trạng lệch trọng tâm của tượng chính trên cao, đuôi ngựa bị xệ, nứt. Về độ an toàn cũng đáng cảnh báo khi tượng nằm giữa trung tâm thành phố với không gian công cộng khá rộng.
Đi một vòng về hướng bến Bạch Đằng, tượng Trần Hưng Đạo, một thời được xếp loại có ưu thế cảnh quan gần bên bờ sông thoáng, đẹp, tình trạng chẳng hơn gì các tượng trên. Tượng Trần Hưng Đạo cũng có vết rạn nứt, xi măng không còn kết dính vào cốt sắt. Về không gian, tượng đã bị “thu nhỏ” trong cảnh quan các tòa nhà nguy nga mới mọc.
Tìm hiểu thêm các tượng Lê Lợi (ngã ba Hùng Vương – 3 Tháng 2), tượng Phan Đình Phùng (góc đường Châu Văn Liêm - Hải Thượng Lãn Ông), tượng An Dương Vương (ngã năm Lý Thái Tổ - Nguyễn Tri Phương) cho thấy các tượng đều mang “căn bệnh” trên!
Vẫn chờ tiêu chí
Kiến trúc sư Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHCM cho biết, qua chương trình nghiên cứu bước đầu của sở và Hội Kiến trúc sư TPHCM, cho thấy chất lượng và vị trí của một số tượng, tượng đài không còn phù hợp với tính hiện đại và nhu cầu phát triển của một thành phố lớn. Do vậy, hướng đề xuất bước đầu đối với hệ thống tượng, tượng đài đã được đặt ra cho nhiều trường hợp. Có tượng phải đặt lại vị trí tương thích cảnh quan mới; có tượng vẫn giữ nguyên vị trí cũ nhưng cần xây dựng lại theo hướng nâng cao chất lượng mỹ thuật, chọn lựa chất liệu giá trị, bền vững...
Cụ thể, cần nâng cấp xây dựng mới như tượng đài Trần Hưng Đạo (đường Hai Bà Trưng - Tôn Đức Thắng), đúc đồng thay cho xi măng cốt thép hay tượng đài Thánh Gióng (ngã sáu, quận 1) cần nghiên cứu, có thể đúc đồng sáng tác mới và phải mô tả được hình tượng sức trẻ, anh hùng của Thánh Gióng cùng ngựa sắt phun lửa theo truyền thuyết.
Một số trường hợp đáng lưu ý, như tượng đài Quang Trung (trước chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10) nên thay thế vào tượng Nguyễn Tri Phương. Bởi chính địa điểm này từng gắn liền với Đại đồn Chí Hòa, vùng đất do chính ông xây dựng để chống thực dân Pháp…
Quy hoạch hệ thống tượng, tượng đài luôn bị động Từ năm 1995, chúng tôi là một trong những người được giao nhiệm vụ khảo sát, điều tra thực trạng các tượng đài và cũng đã báo cáo hiện trạng hệ thống tượng, tượng đài thành phố đến năm 2010. Hiện nay, với phương án từng bước theo chương trình trên là đúng đắn. Tuy nhiên, theo tôi, tiêu chí quan trọng nhất là phải gắn kết công việc này với cơ quan có trách nhiệm quy hoạch tổng thể thành phố. Chính đây mới là “đầu não” để chi phối các ngành quy hoạch, từ không gian đô thị, nhà ở, đến không gian công cộng, không gian mỹ thuật… Việc xây dựng, phát triển đô thị ồ ạt trong thời gian qua đã phát sinh khá nhiều điều bất cập; vì vậy, chắc chắn công việc quy hoạch hệ thống tượng, tượng đài của chúng ta luôn ở thế bị động! Nhà điêu khắc Nguyễn Thành Thi (Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM) |
Tuy nhiên, với hướng đề xuất cải tạo, nâng cấp các tượng qua điều tra, khảo sát chỉ là bước đầu của chương trình nghiên cứu, định hướng phát triển hệ thống tượng và tượng đài trên địa bàn TPHCM. Vấn đề quan trọng tiếp theo là việc định ra các tiêu chí gắn với quy hoạch tổng thể của thành phố.
Theo kiến trúc sư Trần Tuấn Anh, do đây là chương trình nghiên cứu mang tính đặc thù, chưa có tiền lệ nên các tiêu chí lịch sử, văn hóa, thể loại, gắn kết môi trường mỹ thuật không gian, gắn kết quy hoạch kiến trúc đô thị, tính tiêu biểu khu vực, quốc gia, việc đầu tư xây dựng, phân cấp quản lý… sẽ được bàn bạc giữa Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị tư vấn như Hội Kiến trúc sư TPHCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, Hội Mỹ thuật TPHCM, các sở, ban, ngành, các chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan… Các tiêu chí sau khi được quy định, là tiền đề định hướng để xây dựng hệ thống tượng, tượng đài phù hợp.
Kim Ửng
- Kẹt xe, nhìn từ quy hoạch
- Bệnh đầu tư công: Lỗi cả kẻ xin, người cho
- Đầu tư công dàn trải: Lỗi lớn ở cơ chế “cho”
- Không gian công cộng không của riêng ai
- “Nỗi lo” công nghệ mới
- Phù phép đất nền vùng ven
- Ngõ Hà Nội - nhân chứng của quá trình đô thị hóa Thủ đô
- Tháp đá Cẩm Duệ: Hồn xưa lạc lõng
- Hà Nội lại nóng... chung cư cũ
- Thủ đô ngàn lẻ một năm