Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Chuyên mục Bất động sản "Sóng ngầm" đầu tư hạ tầng logistics

"Sóng ngầm" đầu tư hạ tầng logistics

Viết email In

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang rót nhiều tiền vào các dự án kho bãi, vận tải và giao nhận hàng hóa trong khi các địa phương cũng đã lên kế hoạch đầu tư lớn cho hạ tầng logistics trong thời gian tới.

Trung tuần tháng 5, Công ty Emergent Việt Nam Logistics Development Pte (Singapore) đã nhận giấy chứng nhận phát triển dự án Trung tâm Logistics ECPVN Bình Dương 2, tỉnh Bình Dương. Dự án có vốn 34,4 triệu đô la Mỹ này sẽ được phát triển ở khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, nhằm cung cấp dịch vụ kho bãi và lưu trữ hàng hóa; dịch vụ logistics; cho thuê nhà kho, nhà xưởng.


Một khu logistics của doanh nghiệp tại Bình Dương.
(Ảnh: Quốc Hùng)

Trước đó, Frasers Property Việt Nam - đơn vị có nhiều năm tham gia phát triển các dự án bất động sản nhà ở, thương mại và khách sạn - đã công bố dự án đầu tư bất động sản công nghiệp đặt tại tỉnh Bình Dương. Nhà đầu tư đến từ Singapore này sẽ phát triển dự án khu công nghiệp BDIP (Binh Duong Industrial Park) thành trung tâm công nghiệp và logistics, tập trung vào các khách hàng mục tiêu trong lĩnh vực hậu cần và phân phối, công nghiệp nhẹ và công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao...

Cũng trong tháng 5 vừa qua, ESR Cayman Limited và Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW đã công bố hợp tác liên doanh để phát triển dự án tại khu công nghiệp Mỹ Phước 4 nhằm cung cấp cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho lĩnh vực logistics và công nghiệp nhẹ.

Đáng chú ý là hãng vận tải biển Maersk mới đây cũng đã quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh kho bãi tại Việt Nam bằng việc mở thêm hai cơ sở theo hợp đồng mới tại Bình Dương và một cơ sở thứ 3 tại Bắc Ninh. Tổng diện tích mở rộng kho bãi là 38.000 mét vuông, bên cạnh 11 cơ sở tự quản khác của Maersk tại Việt Nam. Còn Công ty Logistics công nghệ EcoTruck vừa nhận 2 triệu đô la đầu tư từ quỹ đầu tư Hàn Quốc STIC Ventures ở vòng gọi vốn Series A để tiếp tục đầu tư vào công nghệ, mở rộng hoạt động kinh doanh.

Nhu cầu kho bãi gia tăng

Trên thực tế, dòng vốn ngoại đã âm thầm rót vào hạ tầng logistics trong những năm gần đây. Tại sự kiện Diễn đàn CEO hồi đầu năm nay, bà Bùi Trang, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam, JLL Việt Nam, đơn vị tư vấn bất động sản, cho biết trong hai năm qua có gần 3 tỉ đô la đầu tư hệ thống kho vận và các trung tâm logistics. Bà cho rằng sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng đang đưa Việt Nam thành trung tâm “kho bãi” vận chuyển của thế giới chứ không chỉ đơn thuần dành cho vận chuyển nội địa. Thống kê của JLL Việt Nam cũng cho thấy hàng chục thương hiệu quốc tế đã dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất sang Việt Nam. Điều này cho thấy viễn cảnh ngành logistics Việt Nam là khá lạc quan.

Không chỉ các doanh nghiệp rót nhiều vốn vào các dự án kho bãi, giao nhận hàng hóa... mà nhiều địa phương cũng đã lên kế hoạch đầu tư lớn vào logistics. Từ đầu năm đến nay Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TPHCM, Đồng Nai, Vũng Tàu, Hậu Giang, Cần Thơ... đã phê duyệt các kế hoạch đầu tư lớn vào ngành logistics.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại khu kinh tế Vũng Áng có quy mô hơn 133 héc ta. Còn TPHCM cũng đã phê duyệt đề án phát triển ngành logistics giai đoạn 2021-2030, trong đó sẽ tập trung phát triển 7 trung tâm logistics với tổng diện tích khoảng 623 héc ta. Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang công bố sẽ phát triển ba trung tâm logistics trong giai đoạn 2021-2025. Long An cũng lên kế hoạch kêu gọi đầu tư các khu tiếp nhận kho vận - logistics tại cảng quốc tế Long An và trung tâm kho vận và dịch vụ logistics ở Bến Lức. Cần Thơ hợp tác với tập đoàn Sovico để đầu tư trung tâm logistics hàng không với quy mô khoảng 50 héc ta để khai thác mảng vận chuyển nông sản xuất khẩu...

Lý giải về quyết định mở rộng hoạt động kho bãi tại Việt Nam, ông Marco Civardi, Giám đốc điều hành tại Việt Nam, Campuchia và Myanmar của Maersk, nhận định nhu cầu về kho bãi của Việt Nam đã tăng nhanh đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Tình trạng thiếu container và thiếu tàu do dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu lưu kho. Ngoài ra, còn nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) và giao hàng tận nơi.

Chất xúc tác thương mại điện tử

Sức nóng của TMĐT được cho là “đòn bẩy” kích nhu cầu đầu tư kho vận tại Việt Nam tăng cao hiện nay vì logistics giữ vai trò quan trọng trong dây chuyền thương mại từ người bán đến người mua.

Theo đánh giá của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) và của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng của TMĐT hiện khoảng 30%, và dự đoán tốc độ này sẽ được duy trì đến năm 2025.

Đơn cử như tại TPHCM, theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng giám đốc sàn Tiki, TMĐT đang phát triển rất nhanh với mức tăng trưởng gấp đôi, gấp ba so với mức tăng trung bình của cả nước. Nhiều trang TMĐT có số lượng giao dịch trong ngày lên đến hàng chục ngàn đơn hàng, tốc độ phát triển cũng được ghi nhận tăng 20-30%, nhu cầu sử dụng TMĐT của người dân ngày càng tăng, nhất là trong thời gian xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, công tác tổ chức và cung cấp dịch vụ hậu cần cho hoạt động này vẫn chưa có nhiều thay đổi. Ông Sơn gọi đây là “cái nút thắt cổ chai của TMĐT Việt Nam”.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch VECOM, cũng cho rằng doanh nghiệp logistics phục vụ TMĐT quy mô lớn, có đầu tư công nghệ hiện đại với mạng lưới lớn còn khá khiêm tốn. Dù một số trung tâm logistics cũng đang dần thay đổi từ truyền thống sang hiện đại, tức phục vụ cho đa dạng nhu cầu và áp dụng cả các tiến bộ công nghệ vào hoạt động quản lý, nhưng thị trường vẫn chủ yếu là các đơn vị giao nhận, chuyển phát... có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu tăng nhanh TMĐT hiện nay.

Rào cản khác mà ngành logistics cho TMĐT đang gặp phải là việc ít doanh nghiệp trong ngành ứng dụng các giải pháp có tính tích hợp cao, mà đa phần áp dụng các giải pháp đơn lẻ. Phần lớn ứng dụng công nghệ đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics là ứng dụng cơ bản như quản lý giao nhận quốc tế, trao đổi dữ liệu điện tử, khai báo hải quan, quản lý kho hàng, vận tải... trong khi đó dịch vụ logistics lại thường hoạt động theo chuỗi. Đáng chú ý, nhu cầu tuyển dụng lao động cho ngành này hiện nay khá lớn, nhưng nhân sự cho ngành lại đang thiếu nghiêm trọng. Nhiều nhà đầu tư than phiền khó tiếp cận được quỹ đất đai tại TPHCM, Hà Nội..., nên họ phải đi thuê lại các cơ sở thứ cấp để mở rộng các trung tâm logistics khiến giá thành bị đẩy lên cao và không ổn định.

Quốc Hùng

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...