Nhà ống du nhập Việt Nam từ thế kỷ 16 rồi phát triển, biến đổi và thăng trầm cùng với đô thị Việt Nam cho đến nay.
Dạo trên các con đường ở TP.HCM, từ phố Tây Bùi Viện qua phố đi bộ Nguyễn Huệ, dọc theo đường Đồng Khởi đến công viên Bến Bạch Đằng, tôi thấy những khu nhà ống san sát nằm kế các tòa nhà kiểu Đông Dương cổ kính đan xen với những cao ốc chọc trời mang đến trải nghiệm khác biệt về không gian, văn hóa lẫn kiến trúc. Sự giao thoa của quá khứ và tương lai trong đô thị là một nét đặc trưng khác biệt mà ít nơi trên thế giới có được.
Một dãy nhà phố cũ trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM). (Ảnh: Hải Quỳnh)
Nhà ống - nốt nhạc của đô thị
Nhà ống (shophouse trong tiếng Anh, compartiment chinois trong tiếng Pháp) vốn chịu ảnh hưởng và phát triển từ mô hình nhà ở cổ của Trung Quốc (xuất hiện từ thời nhà Tống (960-1279). Đây là dạng nhà ở cá nhân xây trên khu đất có mặt tiền hẹp hơn chiều dài, tầng trệt để buôn bán, tầng hai dùng để ở.
Theo Ronald G. Knapp (1), cấu trúc không gian này thích ứng với khí hậu của khu vực phía nam Trung Quốc. Mặt tiền hẹp và độ sâu đáng kể của căn nhà làm hạn chế ánh nắng trực tiếp và giảm nóng, trong nhà có giếng trời để lấy ánh sáng và lưu thông không khí.
Người Hoa di cư đã mang mô hình nhà ống đến nhiều nơi tại Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Singapore... Ở Việt Nam, nhà ống xuất hiện sớm nhất ở phố cổ Hà Nội, Hội An và khu Chợ Lớn (TP.HCM). Ngày nay, các phố Hàng Buồm, Hàng Ngang (Hà Nội) vẫn còn lưu giữ rõ nét dấu ấn kiến trúc của người Hoa.
Nhiều chuyên gia cho rằng nét đặc trưng của phố cổ Hà Nội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ người Hoa. Nhưng sự hình thành những lô đất hẹp dài (mặt tiền rộng từ 3 - 6m, chiều dài lên đến 100m) ở phố cổ Hà Nội cũng đồng thời chịu ảnh hưởng từ các yếu tố khác.
Dưới thời nhà Nguyễn ở thế kỷ 19, triều đình đánh thuế buôn bán theo chiều rộng mặt tiền nên chủ nhà đã chia lô mặt tiền nhỏ để tránh đóng thuế cao. Sau đó, đất khu phố cổ có giá trị cao đã bị các chủ nhà chia nhỏ để bán hoặc chia thừa kế cho các thành viên trong gia đình khi cha mẹ mất đi.
Tương tự 36 phố phường của Hà Nội, Chợ Lớn là trung tâm giao thương buôn bán của miền Nam vào thế kỷ thứ 17 đến 19. Sau khi hợp nhất, Chợ Lớn mất dần vị thế thương mại so với các quận trung tâm TP.HCM nhưng các giá trị kiến trúc của khu phố cổ người Hoa được đánh giá cao và việc bảo tồn là vấn đề cấp thiết.
Một dãy nhà phố cũ trên đường Nguyễn Công Trứ (TP.HCM). (Ảnh: Vân Anh)
Hiện tại, rất nhiều ngôi nhà ống kiểu Hoa hai tầng đã bị đập bỏ. UBND TP.HCM đã có phương án bảo tồn một vài khu vực (như đường Triệu Quang Phục) nhưng bài toán trước mắt là làm sao để giữ được cái hồn của phố phường chứ không chỉ là bảo tồn những căn nhà vô tri.
Cái hồn của khu phố thương mại này chính là hoạt động mua bán, các ngành nghề đặc trưng, đời sống của người dân liên quan đến chức năng của loại nhà ở này (2). Không chỉ khu Chợ Lớn, nhiều khu nhà ống kiểu Hoa của TP.HCM dần dần biến mất trong tiếc nuối của người dân và các chuyên gia bảo tồn.
Trong dòng chuyển đổi kiến trúc và kinh tế đô thị chậm rãi nhưng khó lòng ngăn nổi, những khu trung tâm thương mại bắt đầu cạnh tranh với những khu phố chuyên doanh, những khu chung cư cao cấp - trung cấp - bình dân dần chiếm lĩnh thị trường nhà ở tại các đô thị lớn.
Thế nhưng, dưới cái bóng của những tòa nhà cao tầng, nỗi trăn trở về tính bản địa của kiến trúc chưa hề nguôi ngoai. Và theo kiến trúc sư Lưu Trọng Hải (3), tính bản địa này được lưu giữ trong nếp văn hóa phố phường, tức là trong mối liên hệ mật thiết giữa lối sống của người dân và không gian sinh hoạt. Điều này giải thích vì sao mô hình nhà phố, một kiểu nhà ở có thể xem là truyền thống, không biến mất, mà lại biến đổi, thích ứng dần với sự hiện đại hóa.
Biến chuyển theo dòng chảy đô thị
Sau khi du nhập Việt Nam, nhà phố đã phát triển, thích ứng với các chuyển biến của xã hội. Khái niệm nhà phố ngày nay có thể bao gồm nhiều loại nhà ở khác nhau, nhà ống là khái niệm chính xác hơn để hình dung về những ngôi nhà ở tư nhân, có từ hai đến nhiều tầng, thường chỉ có một mặt tiền và hẹp so với chiều sâu căn nhà, có thể đứng tách biệt hoặc xây thành dãy san sát nhau.
Cụm ba nhà phố cổ những năm 1920, đường Gia Phú (quận 6) đang bị người dân phá đi xây nhà mới. (Ảnh: Michael Waibel)
Có thể nói rằng mô hình nhà ống góp phần cấu trúc nên không gian đô thị của nước ta, một số thành phố Đông Nam Á và nhiều đô thị phía nam Trung Quốc. Kích cỡ của những căn nhà phố, với mặt tiền tiêu chuẩn khoảng 5m, độ sâu từ 15 - 25m, định hình không gian tuyến phố.
Nhà phố có thể xem là đòn bẩy phát triển đô thị, đáp ứng các tiêu chí: nhu cầu nhà ở riêng lẻ, quỹ đất và khả năng tài chính hạn hẹp của chủ nhà. Các chủ đầu tư hốt lãi lớn khi chỉ đầu tư một ít cơ sở hạ tầng đã được phép phân lô bán đất. Cách làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng tai hại hơn hết là sự phát triển tràn lan các khu dân cư mật độ thấp, sử dụng đất kém hiệu quả.
Khi quỹ đất ít đi thì xu hướng nhà ở là chung cư với nhiều phân khúc có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp xã hội, nhà ống dần mất vị thế độc tôn trong các dự án lớn. Mô hình nhà ống hiện đại vì thế cũng dần phân hóa, ngoài nhà phố truyền thống thì còn có những khu shophouse. Có nơi shophouse là những dãy nhà mặt tiền độc lập, cũng có nơi nằm ở khối đế của một cao ốc.
Tuy nhiên, chức năng của nhà phố có thể được chuyển đổi linh hoạt, đa dạng, cấu trúc không gian độc lập. Trong khi đó thiết kế chức năng và hình thức không gian của shophouse là thiết kế cứng không thể điều chỉnh.
Trong những khu đô thị mới, các chức năng ở, văn phòng đã được bố trí ở các khu khác nên shophouse chỉ dùng để kinh doanh nhà hàng, thời trang, quán cà phê… Điều này cũng là dụng ý của chủ đầu tư nhằm tạo sự đa dạng, năng động cho đô thị mới. Nhưng thực tế cho thấy những khu đô thị mới có shophouse vẫn thiếu sức sống so với những khu vực nhà phố truyền thống.
Những dãy shophouse tại các khu đô thị mới vắng hoe, khác với hình ảnh tấp nập tại nhũng khu nhà phố cũ. (Ảnh: Vân Anh)
Điều này có thể thấy rõ qua quan sát các khu shophouse ở khu đô thị mới Thủ Thiêm hoặc Phú Mỹ Hưng và các khu nhà liên kế chuyên doanh ở quận 1, quận 10. Các khu shophouse mặc dù khắc phục hầu hết những nhược điểm của nhà phố truyền thống như có chỗ để xe máy, có hành lang thương mại ở tầng trệt, có vỉa hè dành cho người đi bộ, có hàng cây xanh che mát phía trước…
Điều nghịch lý là không gian rộng rãi này vẫn vắng hoe trái ngược với cảnh tấp nập ở trung tâm quận 1, quận 3... Nhiều người cần sử dụng các dịch vụ thương mại, đa phần mọi người đều chọn đến các quận trung tâm cũ, tuy không tiện nghi bằng khu đô thị mới nhưng dịch vụ lại đa dạng phong phú. Và quan trọng hơn là "không khí" phố xá đông vui tấp nập, mới nhìn có vẻ lộn xộn nhưng tổng thể lại dệt nên một chất thơ rất riêng, không lạnh lùng vô cảm và nhàm chán.
Qua nhiều thế kỷ, thời gian chứng kiến sự phát triển biến đổi của nhà phố. Tuy nhiên, nhà phố không phải là một công trình kiến trúc riêng lẻ mà nó sống được nhờ các yếu tố khác như mạng lưới giao thông, không gian công cộng, cấu trúc dân số - xã hội, văn hóa cộng đồng… đã tạo nên một chỉnh thể không thể tách rời.
Trong các đô thị của Việt Nam hiện nay, nhà ống, nhà phố vẫn chiếm đại đa số (hơn 70% nhà ở đô thị được xây dựng hằng năm là nhà ống do người dân tự xây). Tuy nhiên, Nhà nước chỉ quản lý pháp lý xây dựng, còn tính thẩm mỹ trong kiến trúc, mỹ quan đô thị, thậm chí tính an toàn và các tiện ích không gian của loại nhà này chưa được chú trọng.
Một số nơi cho phép phân lô các nền đất quá nhỏ, mật độ xây dựng cao, không có chỗ cho giếng trời, thông gió. Những trường hợp hỏa hoạn xảy ra ở nhà ống gây chết người thời gian gần đây là một minh chứng cho việc chính quyền buông lỏng quản lý loại hình nhà ở này. Bên cạnh đó, câu chuyện bảo tồn những khu nhà phố có giá trị kiến trúc cũng cần có lời giải trước khi quá muộn.
Nguyễn Phước Vân Anh
Tham khảo:
(1) Ronald. G. Knapp, The Chinese House, Craft, Symbol and the Folk Tradition.
(2) Đoàn Quý, "Khu phố Chợ Lớn: Bảo tồn, nhưng tránh thành... bảo tàng" (Ashui.com, 2012).
(3) Lưu Trọng Hải, Dáng hồn đô thị tùy bút, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2019.
(4) Barbara Drouot-Baille, Papeete et ses shophouses. La sinisation d'un paysage urbain (1900-1970).
(Tuổi Trẻ)
- Di sản kiến trúc Việt Nam trước những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng
- 10 phương án thiết kế Biểu tượng và Sàn diễn cho ELLE Fashion Show 2023
- Khám phá kiến trúc nghệ thuật độc đáo của đình Chu Quyến ở xứ Đoài
- Trụ sở Liên hợp quốc ở gần thủ đô Dakar, Senegal
- National Biodiversity Pavilion: Chiếc cầu nối giữa con người và các loài sinh vật trên trái đất
- Những công trình cao tầng với vẻ ngoài ấn tượng của BIG
- Olive House (Singapore) / thiết kế: Guz Architects
- Định hướng phát triển kiến trúc bền vững
- Sky Vessel House (Nhật Bản) / thiết kế: NKS2 Architects
- Thiết kế Bảo tàng Văn học Quốc gia Hàn Quốc của STL Architects