Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Giải pháp nào để Việt Nam hiện thực hóa cam kết NetZero?

Giải pháp nào để Việt Nam hiện thực hóa cam kết NetZero?

Viết email In

Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đạt mức phát thải ròng bằng “0”, tại Diễn đàn "Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero 2050): Từ cam kết đến hành động" diễn ra mới đây, các chuyên gia, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp đưa ra những đề xuất, góp ý, chia sẻ các định hướng, giải pháp thực tiễn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Nâng cao năng lực quản lý môi trường cho doanh nghiệp

Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050. Net Zero là đạt được sự cân bằng giữa lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển và lượng được hấp thụ tại một giai đoạn bất kỳ.


Các chuyên gia tại Diễn đàn “Phát thải ròng bằng 0 (NetZero 2050): Từ cam kết đến hành động”.

Để tìm giải pháp thực hiện mục tiêu này, ngày 12/1, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI thuộc VIASEE) phối hợp cùng Hội Chiếu sáng Việt Nam, Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã tổ chức Diễn đàn "Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero 2050): Từ cam kết đến hành động".

Tại diễn đàn, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các cơ quan Nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ TN&MT, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, VCCI, VUSTA… và chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực môi trường, kinh tế môi trường, các doanh nghiệp đã trình bày những quan điểm, nêu ra các sáng kiến, giải pháp để Việt Nam có thể hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050.

Trong đó, TS. Nguyễn Sỹ Linh cho rằng để thúc đẩy việc áp dụng công cụ định giá các-bon ở Việt Nam trong thời gian tới cần ưu tiên thực hiện một số khuyến nghị như thực hiện phân bổ hạn ngạch và xác định mức giá trần theo lĩnh vực cho các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính (KNK); nghiên cứu, đánh giá tác động đến khía cạnh chuyển đổi công nghệ, xã hội đối với các cơ sở phát thải lớn; Cần có lộ trình áp dụng mức giá các-bon phù hợp với quá trình chuyển đổi công nghệ, lợi thế cạnh tranh của từng ngành/lĩnh vực bắt buộc giảm phát thải KNK ở Việt Nam.

Trong khi đó, Th.s Nguyễn Thị Hằng lưu ý vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tại các khu công nghiệp đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối, nếu không kiểm soát và xử lý dứt điểm vấn đề này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nói chung và việc kiểm soát các chất suy giảm tầng ô dôn nói riêng.

Từ đó, theo Th.s Nguyễn Thị Hằng, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý các chất suy giảm tầng ô dôn. Đồng thời giáo dục, tư vấn, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải tiến công nghệ nhằm loại trừ và ngăn chặn các hoạt động có ảnh hưởng xấu đến tầng ô dôn. Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai công tác tập huấn, nâng cao năng lực quản lý môi trường cho các cơ sở, doanh nghiệp tiến tới xử lý triệt để ô nhiễm; kiểm soát tốt hơn bụi và khí thải.

Hoàn thiện hành lang pháp lý


TS Hà Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển carbon thấp - Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tại hội nghị TS Hà Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển carbon thấp - Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết: Trong 1 năm vừa qua, Việt Nam đã quan tâm tới việc hoàn thiện các cơ chế chính sách - một trong bước đầu tiên quan trọng nhất trong việc triển khai cam kết của mình. Chúng ta đã ban hành Nghị định 06 quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Quyết định số 01 phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; Quyết định số 148 của Thủ tướng Chính phủ về những giám sát liên quan đến biến đổi khí hậu; Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030; Ban hành chiến lược biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Rà soát, cập nhật NDC 2022, trong đó có tính đến cam kết Net Zero của Việt Nam và một số các văn bản liên quan khác.

Như vậy, về mặt cơ chế chính sách chúng ta đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý giúp triển khai thuận lợi cam kết của mình.

Thứ hai, về mặt nhận thức: trong suốt 1 năm vừa qua, Bộ TNMT cũng đã có những chương trình tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho nhiều tầng lớp, đối tượng người dân để tăng cường hiểu về vấn BĐKH và về những cam kết của Việt Nam tại COP26. Công tác tuyên truyền, tập huấn sẽ được tiếp tục duy trì trong những năm tới. Đây là những hoạt động và những kết quả rất đáng ghi nhận của Việt Nam chỉ sau 1 năm kể từ khi cam kết tại COP26.

Về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ông Hà Quang Anh chia sẻ: Để thực hiện các quy định này, trước mắt doanh nghiệp cần nhận thức tốt về biến đổi khí hậu và cam kết của Chính phủ về mục tiêu Net Zero. Khi nhận thức tốt doanh nghiệp sẽ biến nhận thức thành hành động cụ thể.

Hiện nay, ở Việt Nam có những doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã sớm nhận thức được những vấn đề này nên đã có những định hướng, chiến lược rõ ràng trong việc giảm phát thải và trung hòa carbon cho doanh nghiệp mình. Tiếp đến, doanh nghiệp cần có kế hoạch về nguồn lực nhằm thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp của mình, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ và quản lý thực hiện các hoạt động này. Như vậy nguồn nhân lực được đào tạo cũng là vấn đề các doanh nghiệp cần phải quan tâm trong thời gian tới.

"Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị nguồn lực về tài chính, nguồn lực về khoa học - công nghệ, kỹ thuật để từng bước chuyển đổi sản xuẩt theo hướng phát triển carbon thấp đáp ứng yêu cầu về mặt thực tiễn trong thời gian tới"- ông Hà Quang Anh cho biết.

Còn theo TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận, Bộ Xây dựng cần xây dựng tiêu chí chung về đánh giá "Công trình xanh", ban hành các quy định quản lý công trình xanh trong vòng đời công 11 trình nhằm phục vụ cho công tác quản lý, trên cơ sở đó các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế có các cơ sở để phát triển "Công trình xanh" một cách bài bản, nghiêm túc đi vào thực chất.

Vị chuyên gia này kiến nghị bổ sung một số tiêu chuẩn, hướng dẫn thiết kế, xây dựng "Công trình xanh" về các loại nhà ở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công trình công cộng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Hồng Quang

(Tạp chí Thương Trường)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo