Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Những đô thị đầu tiên - đô thị thần quyền

Những đô thị đầu tiên - đô thị thần quyền

Viết email In

Đô thị, thực ra là gì, là điều không dễ hiểu. Những đô thị ngày nay đã là con lai từ rất nhiều nguồn gen, với tỷ lệ mỗi nguồn khác nhau theo từng khu vực, thậm chí từng đô thị. Để có thể hiểu, phân tích được chúng, trước tiên cần lần ngược cây phả hệ, xem những nguồn gen cơ bản tạo thành những đô thị hiện nay là những gì.  

Lý do được gọi là đô thị

Jericho (thuộc Palestine ngày nay), bên bờ sông Jordan được coi là đô thị đầu tiên trên thế giới, với niên đại khoảng 9.000 năm trước Công nguyên. Đây là một khu định cư lâu dài với quy mô ban đầu chừng 1.000 dân, sống trong khoảng 70 căn nhà bằng đất, xây dựng tập trung tại một vùng đất nhỏ. Những cư dân đầu tiên của thành phố này sống bằng nông nghiệp, săn bắn hái lượm. Như vậy, ta thấy rõ những yếu tố mà ngày nay ta thường dùng làm tiêu chí đô thị như số lượng dân, ngành nghề phi nông nghiệp, thành và thị đều không phải là những đặc điểm mang tính định nghĩa đối với khái niệm đô thị. 


Di chỉ Jericho.
Ảnh TL 

Có hai di chỉ khảo cổ mang tính quyết định đến việc công nhận Jericho cổ đại là đô thị đầu tiên của loài người, đó là một tường bao bằng đá rộng khoảng 3m quanh khu định cư và một tháp đá 22 bậc giữa khu này. Theo các nhà khảo cổ thì bức tường đá này không phải là thành bảo vệ, mà là đê bao chống lũ, vì Jericho là một điểm định cư thấp nhất đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Còn tháp đá là một dạng đền thờ. 

So với tổng dân số và trình độ sản xuất, năng suất lao động tại Jericho khi đó, việc xây dựng hai công trình này đòi hỏi một tỷ lệ đóng góp công sức rất lớn của các cư dân. Và đây chính là điều kiện tiên quyết. Khi những cá thể trong một quần cư có một tỷ lệ đóng góp đạt mức nào đó cho cái chung thì quần thể đó có thể được coi như một đối tượng độc lập, một cơ thể sống mà ta gọi tên là "đô thị". Nếu không có được mức độ chung này thì cho dù có đông dân đến mấy cũng chỉ coi như một quần cư gồm nhiều cá thể sống cạnh nhau mà thôi. Ta có thể so sánh với thế giới tự nhiên: một tổ kiến, tổ mối có thể được coi như đô thị, trong khi bãi đẻ của hàng triệu cặp chim di cư tại một vùng thì không thể.

Điểm quan trọng thứ hai là sự tham gia vào yếu tố công cộng, vào các công trình chung này phải trên cơ sở tự nguyện. Sự tự nguyện này là bằng chứng cho sự tồn tại một gắn kết cộng đồng vô hình, nó là cái “chúng ta”, là một tinh thần chung, chính là phần hồn của đô thị. Nếu không có phần hồn này, những công trình công cộng cho dù to lớn đến mấy cũng chỉ là những cái xác. Hãy hình dung ta dùng vũ lực bắt hàng vạn tù binh xây một bức tường thành to lớn rồi nhốt họ ở trong thì đó vẫn chỉ là một nhà tù chứ không phải đô thị (lưu ý là nhiều công trình, tường thành quả là do tù binh, nô lệ xây dựng, nhưng họ không phải chủ nhân của đô thị, mà bị coi như sức trâu lừa mà thôi).

Vai trò của thần quyền

Nhưng điều gì khiến cho hàng ngàn, hàng vạn cá thể trong một quần cư tự nguyện đóng góp một phần rất lớn công sức vào cái chung như vậy? Một số quan điểm duy vật lịch sử thời kỳ đầu lý giải rằng đó là do thặng dư trong sản xuất. Thứ nhất là “phú quý sinh lễ nghĩa”, khi người ta có thừa cái ăn cái mặc thì sẽ nghĩ tới những thứ cao xa hơn. Và thứ hai là khi người ta có dư thừa thì sẽ cần nhu cầu bảo vệ tài sản, từ đó cần có những thiết chế công cộng, để bảo vệ người giàu trong một cộng đồng, cũng như bảo vệ một cộng đồng giàu trong một vùng. Thế nhưng nhìn lại những đô thị đầu tiên như Jericho, hẳn là người dân ở đây không giàu có, thặng dư tới mức "rách việc" như vậy. Rất nhiều đô thị với những công trình công cộng hoành tráng từ thời cổ đại đều không có gì chứng minh là người dân ở đây quá ư giàu có. Ngược lại có vô số người giàu kếch xù, ngay cả ngày nay, chẳng bao giờ tự nguyện đóng góp một phần tài sản của mình cho mục đích công cộng cả. 


Kim tự tháp Ai Cập.
Ảnh TL

Lịch sử đô thị học đã chỉ ra rằng chính yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo là thứ tạo ra phần hồn của những đô thị đầu tiên. Tín ngưỡng là thứ liên kết các cá thể của một quần cư thành một tập thể, và nhân danh thần thánh, người ta có thể kêu gọi các tín đồ đóng góp đến hơi thở cuối cùng. 

Nhưng tín ngưỡng vốn là thứ tồn tại trong các cộng đồng loài người từ thời nguyên thủy, vậy chẳng lẽ mọi bộ lạc đều có thể được coi như đô thị hay sao? Tất nhiên là không. Tín ngưỡng mới chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Những đô thị đầu tiên được cho là hình thành khi tín ngưỡng trở thành thần quyền. Có nghĩa là khi tín ngưỡng đó được phát triển tới mức thể chế hóa, có một nhóm giáo sĩ chuyên trách nhân danh tôn giáo có quyền đồng thời cũng có năng lực để hô hào, tổ chức các vụ đóng góp công cộng lớn đó. Thần quyền này không phải tự dưng được trao vào tay một nhóm người, mà phải có những điều kiện khách quan.

Thời kỳ đầu của lịch sử loài người, các bộ tộc chủ yếu săn bắn, hái lượm, du canh du cư. Các thầy phù thủy cho dù tự coi như đại diện thần linh, có tài hô mưa gọi gió, cầu xin điềm lành, hay nhờ thần linh trừng phạt, nhưng đó mới chỉ là những tín ngưỡng vu vơ, chưa có chứng minh cụ thể chắc chắn. Với mức độ đó, chưa thể khẳng định quyền lực huy động tối cao. Chỉ khi những nhóm người đầu tiên định cư ở những đồng bằng châu thổ, sống bằng canh tác, khi đó việc đắp đê trị thủy là một nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống cộng đồng. Việc trị thủy đòi hỏi đóng góp lớn của tất cả mọi người, và cũng là yếu tố sống còn cho tất cả. Khi đó, một nhóm người khôn ngoan biết cách trị thủy, mới có thể nhân danh thần thánh huy động toàn thể sức dân vào công cuộc kiến thiết chung. Từ đó, thần quyền hình thành. Tầng lớp giáo sĩ vừa là nhóm người chuyên chăn dắt tâm linh, đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm tổ chức trị thủy, sản xuất cho cộng đồng. Đền và đê do đó là những biểu tượng của thần quyền, và cũng là biểu tượng của đô thị là vì vậy. 

Đại đa số những đô thị thời kỳ đầu của văn minh đô thị loài người, chủ yếu tập trung ở Bắc Phi, Tây Á, Trung Á dọc theo châu thổ Lưỡng hà, châu thổ sông Hằng, châu thổ sông Nile đều thuộc thể loại đô thị thần quyền, mà đỉnh cao phải kể đến các đô thị Ai Cập cổ đại. Những kỳ quan của thời kỳ cổ đại được hình thành không phải vì người dân quá giàu có, mà vì họ dồn toàn bộ sức lực để cống hiến cho thần thánh.

Bộ gen thần quyền


Mô hình cung Xô Viết.
Ảnh TL

Câu chuyện hàng chục ngàn năm trước không phải đã quá xa vời với thực tế ngày nay. Những đô thị xã hội chủ nghĩa, đặc biệt thời kỳ đầu thực ra cũng là một loại đô thị thần quyền. Nhân danh một tín ngưỡng phổ cập, người ta cũng có thể huy động một lượng lớn sức lực toàn dân vào những công cuộc kiến thiết chung, mặc dù không có thặng dư, thậm chí khi đất nước còn rất đói nghèo. 

Tầng lớp giáo sĩ thần quyền cũng đảm nhiệm chức trách chăn dắt phần hồn và tổ chức sản xuất cho cộng đồng. Điểm khác biệt là thời cổ đại, số đông người lao động tự cảm thấy không đủ năng lực tổ chức những vấn đề sản xuất của cộng đồng nên phải trao quyền cho một thiểu số giáo sĩ. Trong khi đó, trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa, người ta cho rằng chính những người trực tiếp sản xuất mới là người có năng lực tổ chức vĩ mô. 

Những đô thị thần quyền cổ đại đã là dĩ vãng xa xưa. Những đô thị xã hội chủ nghĩa cũng đã đi vào lịch sử. Nhưng đối với các đô thị Việt Nam ngày nay, bộ gen thần quyền không phải là nguồn gen cổ xa vời từ mấy nghìn năm trước, mà là bộ gen mới toanh của ngày hôm qua thôi. Chục ngàn năm lịch sử chỉ như chớp mắt. Chuyện xửa xưa cũng vẫn là chuyện ngày nay. Bài báo có hạn, hẹn bạn đọc ở bài sau về cái chết của đô thị thần quyền và bộ gen nó để lại cho những thế hệ đô thị sau này.

TS.KTS Phó Đức Tùng 
(Người Đô thị)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo