Ashui.com

Friday
Mar 29th

"Hanoi Ad Hoc"

Viết email In

Toàn cảnh đô thị của Hà Nội là một bức tranh mosaic được hình thành từ nhiều mảnh ghép tạo tác đô thị được nhào nặn bởi quá trình phát triển của thành phố qua hàng nghìn năm dưới những thay đổi hỗn loạn về chính trị và xã hội. Những cá thể kiến trúc đặc thù là nhân chứng cho sự vận động của xã hội và chính trị, là sự thích ứng phi chính thống với các quy định chính thống. Sự hỗn loạn đầy hấp dẫn này được coi là nguồn tài nguyên cơ bản, là đối tượng cho những nghiên cứu đô thị. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải có các khảo sát, cái nhìn tổng quan về lịch sử và niên đại đô thị để có thể giải mã Hà Nội và các tạo tác đô thị tiềm ẩn của nó - những yếu tố đã ảnh hưởng lâu dài đến mối quan hệ giữa con người và đô thị.

Hanoi Ad Hoc được khởi xướng bởi KTS Mai Hưng Trung với sự tham gia của các cộng sự: Giáo sư, nhà nhân chủng học Christina Schwenkel (Đại học California), giáo sư, nhà địa lý‎ học Sylvie Fanchette (IRD), KTS Lê Đức (Đại học Oxford Brookes), KTS Emmanuel Cerise (PRX Vietnam) GS Danielle Labée (Đại học Montréal) và cố vấn Stephan Truby (người giám đốc nghiên cứu Biennale of architecture 2014: Fundamentals cùng Rem Koolhaas).

Mục đích chính của dự án tập trung vào việc tìm tòi những logic kiến tạo đô thị đặc ứng như đo ni đóng giày với bối cảnh đương đại, đặc trưng của kết cấu, diện mạo đô thị Hà Nội.

Từ những kết quả này, nghiên cứu sẽ góp phần khảo cứu những khoảng trống trong quá khứ và kích thích sự thay đổi trong góc nhìn hiện tại về những thực thể bị lãng quên của chủ nghĩa kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như khai phá những góc khuất (khía cạnh khác) của thực tại đô thị không mấy được sự quan tâm của cộng đồng.

Khái niệm «Ad hoc» nhấn mạnh vào chu trình kiến tạo (making), đảo chiều (unmaking) và tái thiết (remaking) của Hà Nội, chỉ bằng những công cụ với những giới hạn hiện hữu.

Đó là những chuyển biến cần thiết để thích ứng với sự thay đổi thể trạng của chính trị, xã hội và quá trình đô thị hóa.

Dự án hy vọng mang đến một góc nhìn phản biện về các khả năng thích nghi của kiến trúc hiện đại trong đô thị, sự đa dạng ngẫu hứng trong cách thức (tập trung và cải biến), và cách các ứng xử của đô thị (giải pháp) phát sinh hình thành hình thái đô thị ngày nay như thế nào. Do đó, mục tiêu của dự án sẽ tập trung vào 3 hành động chủ yếu: Thu thập (nghiên cứu), Lý thuyết hóa (phản biện) và Gợi mở (thúc đẩy).


Nhà máy dệt 8-3 (nguồn: Bộ môn Kiến trúc Công nghiệp - ĐH Xây dựng)

Thu thập, hệ thống hóa dữ liệu

Tìm kiếm và tái tổ chức, hệ thống hóa các dữ liệu, bản vẽ của các công trình được lựa chọn nhằm mục đích xây dựng lại một nền tảng kỹ thuật số. Chúng tôi muốn tìm hiểu cội nguồn của di sản kiến trúc hiện đại cũng như cách vận hành của nó.


(©Hanoi Ad Hoc)

Lý thuyết hóa

  • Hanoi Ad Hoc hướng tới một Phương pháp lý thuyết hóa, một cách nhìn mới về những hoạt động đô thị thường nhật thay vì giới hạn trong một phương pháp diễn giải và trần thuật thông thường. Đó cũng chính là phần giá trị lõi và cơ bản nhất của dự án
  • Hanoi Ad Hoc tìm cách lý giải kiến trúc Việt Nam hiện đại và trường phái hiện đại trong mối tương quan với những dấu mốc lịch sử diễn ra cùng thời điểm ở những hoàn cảnh địa lý khác nhau, sự trỗi dậy, sụp đổ và những ảnh hưởng của nó tới bộ mặt đô thị đương đại.
  • Hanoi Ad Hoc tìm cách hiểu được mối liên hệ và tương tác qua lại giữa những thực thể đô thị tách biệt. (từ nhà ở, nhà máy đến những công trình văn hóa)


(© Hanoi Ad Hoc)

Gợi mở

  • Nằm giữa hai thái cực, thiết kế sáng tạo và nghiên cứu học thuật truyền thống. Dự án muốn đưa ra một phương thức kết hợp giữa hai Phương pháp này. Mục đích không phải đi tìm câu trả lời cuối cùng mà là những gợi ý, liên tưởng có tính kích thích và những Phương án thiết kế tiềm năng, những viễn cảnh giả tưởng.
  • Một chương trình nghiên cứu định hướng thiết kế với kết quả là những ấn bản hàng năm với mục đích là khai phá những tiềm năng phát triển của những thực thể đô thị bình thường nhất. Kết quả này có thể phục vụ cho những dự án thiết kế kiến trúc và đô thị trên nền tảng lý thuyết.

Hanoi Ad Hoc được hình thành dựa trên ý tưởng về một nền tảng trao đổi đa ngành và dân chủ, nơi mà học giả với những chuyên môn khác nhau sẽ có vị trí ngang bằng trong việc đưa ra phát kiến về quyền kiến tạo thành phố. Trong một điều kiện nhất định, một kiến trúc sư có thể hoán đổi vào vai trò của một người viết, một nghệ sĩ có thể đóng vai trò của người xây và một nhà nhân chủng học hoàn toàn có thể là một người quy hoạch.

Hơn một bộ dữ liệu lịch sử, sản phẩm cuối cùng của dự án sẽ được cố định dưới dạng một chuỗi các ấn phẩm hàng năm, một sản phẩm chính thống về những hiện tượng đô thị không chính thống. Những nghiên cứu này khi đặt cùng nhau sẽ ghép nên một bức tranh tổng thể hoàn thiện về Hà Nội.

Tầm quan trọng và ảnh hưởng

Các nghiên cứu về đô thị ở Việt Nam có xu hướng được thiết lập từ tư duy “rẽ mây nhìn xuống” và hệ quả của điều đó sẽ là sự bỏ sót nhiều khía cạnh và câu chuyện “đặc biệt” của cuộc sống thường ngày. Vì lý do này, các kết quả nảy sinh từ quá trình đô thị hữu cơ phát sinh từ phong tục của cư dân thành phố và các phản ứng tự phát, thường bị gắn mác không chính thống. Chính quyền địa phương và giới truyền thông coi đó là thiếu tổ chức và không mong muốn. Các chính sách và các bản quy hoạch sau đó được đưa ra nhằm loại bỏ những đặc trưng này, vô tình làm đứt gãy kết cấu đô thị và phá vỡ văn hóa của cộng đồng bản địa. Bằng cách nghiên cứu tập trung vào sự kết hợp giữa quan điểm đa chiều và đa ngành từ nghiên cứu đô thị, nhân chủng học, dân tộc học và địa lý học, chúng tôi hy vọng sẽ hình thành một cái nhìn tổng thể hơn về thực trạng của các đô thị này và đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cư dân đô thị.

Ngoài ra, với việc các đô thị Việt Nam đang trải qua làn sóng đô thị hóa tư bản chủ nghĩa, nhiều Tạo tác đô thị (urban artifact) (được kiến trúc sư kiêm nhà lý luận Aldo Rossi định nghĩa là yếu tố chính góp phần vào sự phát triển hình thái và văn hóa của thành phố) nhanh chóng bị phá bỏ để được thay thế bằng các mô hình trung tâm thương mại và khu đô thị mới. Đây là một tình huống bất lợi, vì có nhiều hiện vật đô thị, đặc biệt là những công trình được xây dựng vào thế kỷ 20, thiếu hụt cơ sở lưu trữ dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá di sản. Với tốc độ giãn nở của đô thị, chúng có nguy cơ bị xóa sổ mặc cho những vị trí những giá trị quan trọng về xã hội và lịch sử. Nghiên cứu nhằm hoàn thiện vai trò của hoạt động ghi chép và lưu trữ, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với những tạo tác đô thị đang dần chìm vào lãng quên này.

Các giai đoạn công việc, các cột mốc và kết quả

Các nghiên cứu được tổ chức thường niên, với mỗi một chủ đề được nghiên cứu và thảo luận xuyên suốt trong thời gian một năm. Các chủ đề chính được lựa chọn dựa trên tiêu chí tính cấp thiết của đề tài và ưu tiên các đề tài có sự tương đồng với các kết quả nghiên cứu trước đó của thành viên nhóm. Thành viên nhóm nghiên cứu và các cộng tác viên sẽ gặp mặt 2 tuần một lần trước khi thời điểm khởi đầu của năm nghiên cứu nhằm thảo luận về kế hoạch dự án, chuẩn bị tài liệu kêu gọi tài trợ, chuẩn bị các phương án giao tiếp giữa các bên tham gia.

Với mỗi chủ đề thường niên, ba hoạt động nghiên cứu chính diễn ra bao gồm: nghiên cứu liên ngành, thu thập thông tin thực địa và xuất bản. Nghiên cứu liên ngành đóng vai trò là nền tảng để dữ liệu liên quan đến đề tài được quan tâm - khai thác từ nghiên cứu sẵn có, thông tin trên mạng internet cho đến những hồ sơ lưu trữ gốc - được chắt lọc, phân tích và phát triển. Thu thập dữ liệu thực địa kéo dài trong 2 tuần, diễn ra sau khi 3 nhóm nghiên cứu đã tập trung tại Hà Nội. Hoạt động này là cơ hội để đánh giá hoạt động khảo sát địa điểm, phản ánh sự tiến triển và cho thấy cái nhìn sâu sắc hơn về những nghiên cứu và nhìn nhận trước đó của nhóm. Trọng tâm của cuộc khảo sát này là sự kiện nhóm nghiên cứu trình bày quá trình nghiên cứu với nhóm các nhà nghiên cứu địa phương - những người đã có các nghiên cứu tương đồng. Hoạt động của ngày cuối cùng là xuất bản các tài liệu đã thu thập. Đây cũng là cột mốc cuối cùng của năm nghiên cứu.

Sau khi kết thúc các dự án nghiên cứu theo chủ đề hàng năm, các ấn phẩm về các chủ đề liên quan dự kiến sẽ được xuất bản. Những ấn phẩm này hy vọng sẽ làm phong phú thêm tài liệu nghiên cứu đô thị, chính thống hóa những điều không chính thống.

  • 2021 - Hanoi Ad Hoc 1.0: Kiến trúc, Nhà Máy và Vẽ (lại) giấc mơ hiện đại của quá khứ tân thời
  • 2022 - Hanoi Ad Hoc 2.0: Nước trong thành phố (Sông Hồng và hồ)
  • 2023 - Hanoi Ad Hoc 3.0: Khu tập thể, Khu đô thị mới, Cấu trúc ở
  • 2024 - Hanoi Ad Hoc 4.0: Làng và cổng làng
  • 2025 - Hanoi Ad Hoc 5.0: Cấu trúc tâm linh (chùa, đền, nhà thờ, miếu)
  • 2026 - Hanoi Ad Hoc 6.0: Rong ruổi dọc những vỉa hè (không gian công cộng)
  • 2027 - Hanoi Ad Hoc 7.0: Những cấu trúc kì vĩ ( siêu cơ sở hạ tầng, kiến trúc tượng đài)


Thông tin liên hệ:

Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
Tel: (+33) 06 33 09 47 50

Mạng xã hội:

https://www.hanoiadhoc.com
https://www.facebook.com/hanoiadhoc
https://www.instagram.com/hanoiadhoc
https://www.vimeo.com/user134030411


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo