Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị trong giai đoạn 2021 - 2030.
Ngày 27/4 tại TP.HCM, Dự thảo đồ án quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị lấy ý kiến, góp ý. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Văn cho biết, đây là một trong những quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị trong giai đoạn 2021 - 2030. Tính chất của một một hệ thống đô thị nông thôn được thể hiện rõ.
Để thực hiện tốt quy hoạch đô thị và nông thôn cần rà soát đánh giá 4 vấn đến lớn cần giải quyết, trong đó đô thị là động lực phát triển, phải cân đối hài hòa không chỉ kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội. Phát triển cân bằng, không thể tách dời giữa đô thị và nông thôn; cần kiểm soát không gian phát triển đô thị vì hiện nay đô thị hóa đất đai nhanh hơn rất nhiều so với đô thị hóa dân số…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc Hội nghị.
Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia cho biết, thực trạng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn thời gian qua mở rộng ở cả 3 cấp độ về không gian hành chính tỉnh, huyện, xã. Nhiều đợn vị hành chỉnh cấp tỉnh có xu hướng đô thị hoá toàn tỉnh (lên thành phố trực thuộc trung ương) nhiều đơn vị hành chính cấp huyện có xu hướng đô thị hoá toàn huyện (lên thị xã,thành phố thuộc tỉnh), nhiều đơn vị hành chính cấp xã đã lên đô thị. Xu hướng này tiếp tục gia tăng mạnh trong thời kỳ 2021 - 2030.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Á. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân. Năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đã đạt khoảng 41,5% với 888 đô thị.
Giai đoạn 2011 -2020, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng đã tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Theo đó, tăng trưởng kinh tế đô thị bình quân ở mức 12 -15%/năm, gấp 1,2 - 1,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2020, ước tính kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Trong đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương mặc dù chỉ chiếm 2,9% về diện tích và khoảng 22% về dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% GDP cả nước, thu hút 30% tổng số vốn FDI lũy kế, 32,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Đại biểu phát biểu góp ý đồ án quy hoạch.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, đô thị hóa cũng đặt ra các vấn đề lớn cần giải quyết trong quy hoạch kỳ này là giải quyết điểm nghẽn trong tổ chức không gian đô thị hoá của Việt Nam, nhằm tăng cường tích tụ và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế sang giá trị gia tăng cao hơn; tạo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số đô thị; Kiểm soát không gian đô thị trên nguyên tắc đô thị hoá đất đai tương xứng với đô thị hoá dân số; Tạo cân bằng phát triển đô thị và nông thôn.
Cả nước có 5 vùng đô thị lớn cấp quốc gia và xét trên bình diện đặc thù vùng miền là 5 thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Trong đó, 4 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng có sức lan tỏa liên vùng, riêng Cần Thơ sức lan tỏa còn hạn chế. Trong đó, Hà Nội và Hải Phòng có xu hướng kết nối trở thành vùng đô thị lớn hợp nhất và tối ưu hoá quan hệ sản xuất.
Cũng theo báo cáo của Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia, tốc độ đô thị hóa nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, hình thành hai vùng đô thị lớn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng cùng với các chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền. Hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ.
Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; sự phát triển của một số đô thị đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Cụ thể: Tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị có xu hướng giảm dần, từ mức 4,3% năm 2010 xuống còn 3,1% năm 2019.
Trong khu vực đô thị, tỷ lệ hộ nghèo 3% thấp hơn gần ba lần khu vực nông thôn. Tuổi thọ trung bình của cả nước tăng từ 73,3 tuổi năm 2015 lên 73,7 tuổi năm 2020, trong đó các vùng có mức độ đô thị hóa lớn có tuổi thọ bình quân cao hơn các vùng khác.
Mục tiêu của quy hoạch là thúc đẩy quá trình đô thị hoá nhanh, hiệu quả, có chất lượng; bền vững hơn về môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đảm bảo được an ninh lương thực.
Quang cảnh Hội nghị.
Trên cơ sở tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh, đổi mới mô hình phát triển hệ thông đô thị Việt Nam theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.
Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50% và phấn đấu đạt mức trung bình ASEAN; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9% - 2,3%. Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý tại các đô thị loại II trở lên đạt 40 - 45%; 100% các đô thị loại II trở lên hoàn thành kế hoạch, chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị…
Hệ thống điểm dân cư nông thôn là nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Cả nước có ít 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trung Kiên
(Tạp chí Xây dựng)
- Quy hoạch các tỉnh: Nhiều địa phương muốn trở thành trung tâm, “hạt nhân” của vùng, quốc gia
- Phát triển đô thị biển bền vững
- Thiếu mảng xanh trầm trọng, TP.HCM tăng cường các dự án công viên và cây xanh công cộng
- Nâng cao chất lượng đô thị để phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ
- Bình Dương: 6 giải pháp phát triển công nghiệp - đô thị
- Phát triển đô thị xa trung tâm: xu hướng và thách thức
- Đô thị thông minh: Mô hình nào cho TP.HCM?
- Đi tìm thành phố đáng sống
- Tăng cường năng lực quản lý dự án đầu tư công để phát triển thành phố có khả năng chống chịu
- Một số khía cạnh trong việc lập Quy chế quản lý kiến trúc cho các đô thị, điểm dân cư nông thôn tại Hà Nội