Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Unité d’Habitation: “Đơn vị ở” thẳng đứng

Unité d’Habitation: “Đơn vị ở” thẳng đứng

Viết email In

Trong thế kỷ 20, không một cá nhân nào lại có tầm ảnh hưởng về cả lý luận và thực hành kiến trúc và quy hoạch đô thị như kiến trúc sư gốc Thụy Sĩ Charles Edouard Jeanneret (1887 – 1965), người sau này được biết đến dưới bút danh Le Corbusier. Là linh hồn của trào lưu hiện đại trong kiến trúc và quy hoạch, ông muốn mở “những con mắt vốn không nhìn thấy” vẻ đẹp của nền công nghệ hiện đại.

Le Corbusier bác bỏ xu hướng giải quyết những vấn đề của đô thị công  nghiệp bằng việc trở về với cuộc sống giống như trong các làng quê truyền thống được phản ánh trong trào lưu ‘thành phố vườn’. Le Corbusier cũng phê phán gánh nặng tài chính, sự trói buộc người phụ nữ vào công việc nội trợ và sự nhạt nhẽo của mối quan hệ cộng đồng trong các khu đô thị mật đô thấp ở ngoại ô.


Sau 60 năm tồn tại, Unité d' Habitation vẫn là một kiệt tác của kiến trúc hiện đại. 


Các mặt đứng của Unité d' Habitation

Ông đề xuất một mô hình cộng đồng hoàn toàn mới với tên gọi Unité d’ Habitation, hay ‘đơn vị ở’, với niềm tin rằng tự do cá nhân sẽ được cân bằng với các hoạt động công cộng trong một môi trường mật độ cao.

Unité d’ Habitation không phải là một chung cư theo cách hiểu truyền thống mà là một cộng đồng theo chiều thẳng đứng giữa một không gian xanh. Trong mỗi Unité, các dịch vụ thương mại được bố trí ở tầng giữa, trong khi nhà trẻ, rạp hát, đường chạy bộ (ra đời khi mà hoạt động thể dục – thể thao này còn chưa phổ biến), bể bơi và các tiện ích công cộng khác được bố trí ở tầng thượng. Ngoài ra, Le Corbusier cũng chú ý tới việc tạo ra sự đa dạng xã hội trong Unité bằng việc thiết kế nhiều loại căn hộ khác nhau cũng như bố trí một khách sạn nhỏ cho khách du lịch. Mỗi căn hộ có hai tầng và kéo dài suốt bề ngang của khối nhà để có thể bố trí ban công đón ánh nắng và không khí trong lành ở cả hai mặt của công trình. Điều này cho phép cư dân có mối giao tiếp mạnh mẽ với thiên nhiên không chỉ thông qua việc quan sát không gian xanh xung quanh công trình mà cả việc chiêm ngưỡng bình minh và hoàng hôn mỗi ngày từ căn hộ của mình. Trong hình dung của Le Corbusier, ba hoặc bốn unité hợp lại sẽ tạo thành một khu dân cư riêng biệt với quy mô dân số khoảng 4000 người và nhiều những khu dân cư như vậy sẽ tạo thành một thành phố.


Bản vẽ của Le Corbusier minh hoạ một căn hộ 2 tầng với ban công ở 2 phía công trình.

Le Corbusier phải chờ 20 năm, tới thập niên 1950, mới được thấy đứa con tinh thần của mình thành hiện thực trong nỗ lực tái thiết và xây dựng nhà ở của toàn châu Âu sau Thế chiến thứ II. Tuy nhiên, những lý tưởng xã hội của Le Corbusier nhanh chóng bị quên lãng khi mà mối quan tâm lớn nhất của cả nhà nước và tư nhân là cung cấp nhà ở giá rẻ cho các hộ gia đình truyền thống. Bản thân một Unité có quy mô dân số quá nhỏ (khoảng 1000 người) để có thể đảm bảo hoạt động thương mại và cộng đồng sôi động. Bên cạnh đó, các công trình thường không được quản lý, bảo trì tốt và nhanh chóng xuống cấp. Sự xuống cấp của công trình thường diễn ra song song với sự xuống cấp của môi trường xã hội. Tại nhiều quốc gia phương Tây, những khu nhà ở xã hội xây dựng theo mô hình của Le Corbusier nay trở thành nỗi kinh hoàng về tội phạm và tệ nạn xã hội. Năm 1972, 33 chung cư xã hội có tên Pruitt-Igoe tại thành phố St. Louis bị chính phủ Mỹ đánh sập sau những nỗ lực không thành nhằm giải quyết các vấn nạn xã hội tại đây. Sự kiện này đi vào lịch sử như là cột mốc cho sự kết thức của Chủ nghĩa hiện đại (modernism).

Tuy nhiên, ý tưởng của Le Corbusier không hoàn toàn thất bại. Sự ra đời của camera an ninh và cơ chế quản lý các toà nhà đảm bảo vai trò kiểm soát của cư dân đối với các không gian công cộng và bán công cộng. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế – xã hội tại nhiều quốc gia (ngoài Anglo-Saxon) cho phép cư dân sống trong chung cư không gắn liền với một địa vị xã hội nhất định nào. 


Trẻ em vui chơi trên tầng mái của một Unité d' Habitation

Tham khảo:

  • Davis, W. & Herbert, D. (1993). Communities within Cities: an Urban Social Geography. London: Belhaven Press;
  • Evers, B. et al (2006). Architectural Theory: from the Renaissance to the Present. Koln:Taschen;

Nguyễn Đỗ Dũng (Tạp chí Xây dựng, số 03 – 2010) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo