Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Giao thông đường bộ của vùng ĐBSCL: Chờ những “mắt xích” cuối

Giao thông đường bộ của vùng ĐBSCL: Chờ những “mắt xích” cuối

Viết email In

Cầu Cần Thơ thông xe, nối liền toàn tuyến quốc lộ 1A, đoạn đi xuyên vùng ĐBSCL. Nhưng cũng không bao lâu nữa, tuyến đường này sẽ mất vị trí “độc quyền”, bởi nhiều tuyến đường dọc, nằm song song, nối TPHCM với vùng ĐBSCL đang hoàn thiện dần, rồi những trục đường ngang cũng đang định hình. Bức tranh giao thông đường bộ của vùng ĐBSCL đang dần hoàn chỉnh.

Chờ ngày thông thương

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tuyến đường huyết mạch của vùng ĐBSCL là quốc lộ 1A đã hoàn thành việc nâng cấp bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Dự kiến trong năm 2010 này, cầu Gành Hào 2, sáu cầu trên đoạn Đầm Cùng - Năm Căn (Cà Mau), nằm trong các hạng mục thuộc Hiệp định bổ sung của WB và 16 chiếc cầu khác đang được nâng cấp với tổng mức đầu tư 1.400 tỉ đồng (vốn vay JBIC và vốn ngân sách) cũng sẽ được thông xe.

  • Ảnh bên : Bản đồ các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch của vùng ĐBSCL đã và đang được xây dựng (Ảnh: Metinfo)

Một tuyến đường dọc nằm song song quốc lộ 1A nhưng cắt ngang sông Tiền, sông Hậu phía thượng nguồn là tuyến N2, nối miền Đông Nam bộ với ĐBSCL, hiện đã hoàn thành đoạn Đức Hòa - Thạnh Hóa (Long An), còn cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh dự kiến khởi công trong năm tới...

Tuyến trục dọc N1, nối các tỉnh ĐBSCL dọc theo biên giới cũng đã hoàn thành đoạn Tịnh Biên (An Giang) - Hà Tiên (Kiên Giang). Bộ GTVT đã quyết định đầu tư thêm đoạn Bình Hiệp - Mỏ Vẹt (Long An), dự kiến hoàn thành trong năm 2012 và đang khởi động thi công đoạn Đức Huệ (Long An) - Châu Đốc (An Giang).

Còn phía ven biển, quốc lộ 50 nối TPHCM với Tiền Giang dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2012. Còn quốc lộ 60 nối Tiền Giang, Bến Tre với Trà Vinh, Sóc Trăng dự kiến sẽ hoàn thành việc nâng cấp trong năm nay. Tuy nhiên, trên tuyến này vẫn sẽ còn phà nối Trà Vinh và Sóc Trăng bởi đến nay chỉ mới có dự án cầu Cổ Chiên nối Vĩnh Long và Bến Tre được lập dự án đầu tư để gọi vốn... Tuyến trục dọc tiểu vùng là đường Nam sông Hậu nối Cần Thơ với Sóc Trăng, Bạc Liêu... cũng đã thông xe đoạn Cần Thơ - Sóc Trăng. Riêng đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, giúp rút ngắn khoảng 40 ki lô mét đường từ Cần Thơ xuống Cà Mau so với quốc lộ 1A hiện hữu, dự kiến năm nay cũng sẽ hoàn thành.

Như vậy, dù không kịp thông thương cả bốn tuyến trục dọc chính trong năm 2010 như Quyết định số 344/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng dù sao việc hoàn thành tuyến quốc lộ 1A và cầu Cần Thơ cũng sẽ tạo cơ hội rất lớn để kinh tế vùng ĐBSCL phát triển nhờ xóa cảnh cách trở đò giang, đường sá chật hẹp...

Dù vẫn còn một số khiếm khuyết, nhưng việc thông xe tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương hồi trước Tết Canh Dần cũng đã giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa ĐBSCL với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ít nhất khoảng 30 phút. Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đã được khởi công theo hình thức BOT và có thể hoàn thành vào năm 2014, còn với đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đã phê duyệt dự án đầu tư, dự định vay vốn ADB và Nhật Bản để triển khai.

Riêng các tuyến đường ngang, hiện quốc lộ 80 đoạn Mỹ Thuận - Vàm Cống nối hai tuyến dọc là N2 và quốc lộ 1A đã được đưa vào sử dụng. Còn quốc lộ 30, nối Cao Lãnh (Đồng Tháp) với tuyến N1 cũng đã hoàn thành đúng kế hoạch. Nhiều tuyến ngang khác như quốc lộ 63 (nối Kiên Giang - Cà Mau), quốc lộ 61 (nối Hậu Giang - Kiên Giang), quốc lộ 91 (nối Cần Thơ - Kiên Giang - An Giang)... cũng sẽ hoàn thành việc nâng cấp theo dự kiến vào năm 2012.

Việc hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ của vùng ĐBSCL vẫn chậm khá nhiều so với kế hoạch, ảnh hưởng không ít đến tốc độ tăng trưởng. Tính đến thời điểm hiện nay, quốc lộ 1A vẫn là tuyến đường “độc đạo” nối TPHCM với các tỉnh vùng ĐBSCL và chỉ cần một sự cố, vốn từng xảy ra trước đây như kẹt phà, hư hỏng cầu Bến Lức... là xe cộ và hàng hóa bị ùn tắc rất lớn. 

Giai đoạn sau 2015 sẽ bắt đầu khởi động nhiều dự án mang tầm cỡ quốc gia như dự án tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ, hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc TPHCM - Cần Thơ, tuyến đường Hồ Chí Minh nối dài đến Đất Mũi, đưa vào hoạt động sân bay quốc tế Phú Quốc... Như vậy sau năm 2015 hệ thống cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSCL sẽ mang diện mạo mới, hiện đại với hệ thống các tuyến đường cao tốc, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp, mở rộng và kết nối thông suốt với nhau...

Nhưng vẫn còn chậm

Thực tế, việc hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ của vùng ĐBSCL vẫn chậm khá nhiều so với kế hoạch, ảnh hưởng không ít đến tốc độ tăng trưởng. Tính đến thời điểm hiện nay, quốc lộ 1A vẫn là tuyến đường “độc đạo” nối TPHCM với các tỉnh vùng ĐBSCL và chỉ cần một sự cố, vốn từng xảy ra trước đây như kẹt phà, hư hỏng cầu Bến Lức... là xe cộ và hàng hóa bị ùn tắc rất lớn.

Cầu Vàm Cống trên tuyến N2, theo dự kiến trước đây của Bộ GTVT lẽ ra phải được khởi công vào cuối năm 2008 để kịp đưa vào sử dụng trong năm 2012. Tuy nhiên, đến giờ dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.100 tỉ đồng này vẫn còn chờ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục mới có thể đàm phán vay vốn ưu đãi. Còn cả tuyến N2, đoạn từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Vàm Rầy (Kiên Giang), theo kế hoạch trước đây là đến năm 2010 đã có thể thông xe. Nhưng tính đến đầu năm nay, khối lượng hoàn thành mới đạt khoảng 65%... Ngay cả tuyến cao tốc TPHCM- Trung Lương cũng chậm khoảng một năm so với kế hoạch.

Nguyên nhân chậm trễ chủ yếu là do nguồn vốn. Theo tính toán trước đây, toàn bộ vốn đầu tư cho các công trình giao thông vận tải ở ĐBSCL giai đoạn 2005-2010 cần đến 60.000 tỉ đồng, nhưng có đến một phần ba số tiền này chưa tìm được vốn.

Theo Bộ GTVT, hàng năm vốn ngân sách phân bổ hầu như chỉ đủ bố trí nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA, do đó tạo một khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu đầu tư và nguồn lực. Các công trình tại ĐBSCL hầu hết lại không mang lại lợi nhuận nên kêu gọi đầu tư tư nhân, nước ngoài... rất khó. Vùng đất có mạng lưới kênh rạch chằng chịt, thuận lợi về giao thông thủy nhưng vô tình làm trở ngại cho các công trình đường bộ, khi phải đầu tư rất nhiều cầu, làm tăng nhu cầu vốn... Đây lại là vùng có kiến tạo địa chất mới, phức tạp, có những nơi chiều dày lớp đất yếu đến hơn 100 mét cũng khiến chi phí xây dựng tăng thêm.

Một lý do khác khiến hàng loạt công trình chậm so với kế hoạch chính là khâu đền bù giải tỏa. Bộ GTVT cho biết hầu như tất cả dự án đều triển khai công tác này khá chậm. Quản lý đất đai không chặt chẽ, nhiều nơi bị lấn chiếm trái phép, ban hành giá đất không hợp lý nên khiếu kiện liên tục... khiến đền bù giải tỏa chậm cũng là điều dễ hiểu.

Hồ Hùng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo