Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Thiết kế đô thị: sự tái sinh và ý niệm

Thiết kế đô thị: sự tái sinh và ý niệm

Viết email In

Thiết kế đô thị là một công việc không hề mới mẻ. Từ hàng ngàn năm trước khi những nền văn mình vùng Địa Trung Hải xây dựng những thành phố như Athen hay Roma, thiết kế đô thị đã được thực hiện và để lại tới ngày hôm nay những quảng trường và không gian công cộng vẫn còn đủ sức hấp dẫn thế giới hiện đại về sự hoành tráng, vẻ đẹp và cảm xúc mà chúng mang lại.


Thiết kế đô thị là kiến tạo nơi chốn. Bản vẽ minh họa của dự án Thiết kế tái thiết khu Forest Lawn – Giải thưởng New Urbanism Charter Award 2006

Tuy nhiên, với tư cách là một lĩnh vực học thuật được giảng dạy trong các trường đại học và một lĩnh vực chuyên nghiệp được công nhận trong xã hội, thiết kế đô thị mới chỉ có tuổi đời ngót nghét nửa thế kỷ. Và bất chấp rất nhiều những nghiên cứu và thực hành diễn ra từ những năm 60 ở thế kỷ trước, thiết kế đô thị vẫn là một lĩnh vực mà việc định nghĩa chính bản thân nó không hề đơn giản trong làn ranh mập mờ giữa lĩnh vực này với quy hoạch đô thị, kiến trúc cảnh quan và kiến trúc công trình.

Tái sinh trong sự biến đổi của quy hoạch

Thiết kế đô thị, theo cách hiểu của chúng ta ngày hôm nay, được ra đời nhằm giải quyết những hạn chế về triết lý và mô hình lý thuyết, tính duy lý và kinh nghiệm của Chủ nghĩa Hiện đại (Modernism) trong kiến trúc và quy hoạch (Jon Lang, 2005). Những phê phán mà giới kiến trúc sư tham gia vào trào lưu Thành phố Vườn (Garden City) và Chủ nghĩa Duy lý (Rationalism) trong thiết kế và quy hoạch tại lục địa Âu Châu và trên khắp thế giới nhận được đã đẩy nhiều nhà quy hoạch rời xa lĩnh vực thiết kế xây dựng và các kiến trúc sư rời xa khía cạnh xã hội của đô thị (Jon Lang, 2005). Khoảng trống để lại: yếu tố hình thức của đô thị và yếu tố nhân bản của không gian công cộng, đã thúc đẩy sự ra đời hay đúng hơn là sự tái sinh của thiết kế đô thị.

Khái niệm ‘thiết kế đô thị’ ra đời vào tháng 8 năm 1956 trong một cuộc hội thảo lịch sử được tổ chức tại Đại học Havard (Hoa Kỳ). Giáo sư chủ tọa José Luis Sert (ảnh bên) tuyên bố (Krieger, A. and Saunders, W. 2009): 

… Lúc này, quy hoạch đô thị đã phát triển thành một ngành khoa học mới; các quy hoạch sư hôm nay quan tâm đến cấu trúc của thành phố, tiến trình phát triển và xuống cấp, và nghiên cứu về mọi yếu tố – địa lý, xã hội, chính trị, và kinh tế – mà định hình một thành phố. Chúng ta biết về những vấn đề của các thành phố nhiều hơn là trước kia khi những phương pháp nghiên cứu và phân tích chưa được áp dụng trong lĩnh vực này. Thực tế là trong những năm gần đây, phần khoa học đã được nhấn mạnh hơn phần thẩm mỹ (trong quy hoạch đô thị – NV). Điều này có lẽ là sự điều chỉnh tự nhiên từ phương pháp thực hành cũ khi mà quy hoạch đô thị dựa trên một cách tiếp cận nông cạn của trào lưu “thành phố xinh đẹp” (City Beautiful), bỏ qua gốc rễ của vấn đề và chỉ chú trọng vào hình ảnh bề ngoài (nguyên văn: attempted only window-dressing effects). Thiết kế đô thị là một phần của quy hoạch đô thị mà nhằm giải giải quyết vấn đề hình thức vật chất (physical form) của thành phố. Đây là phần sáng tạo nhất của quy hoạch đô thị mà trong đó năng lực sáng tạo thẩm mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng hơn…. Nhà thiết kế đô thị, trước hết phải là con người có niềm tin mạnh mẽ vào thành phố, sự quan trọng và giá trị của chúng đối với nền văn hóa và sự phát triển của nhân loại…. (nhà thiết kế đô thị) sẽ phải tìm từ trong con người nhu cầu và những khát vọng tinh thần của anh ta, chuẩn mực và định hướng cho mỗi thiết kế. 

Như chính José Luis Sert giãi bày, quy hoạch đô thị đã biến đổi sâu sắc vào khoảng giữa thế kỷ 20. Trước đó, trong suốt một thời gian dài và tại nhiều quốc gia, quy hoạch đồng nghĩa với việc tạo ra những bản vẽ chi tiết và có quy mô lớn thể hiện sự phân bổ sử dụng đất và các công trình quan trọng dự kiến. Tuy nhiên, vào những năm 60, phương pháp này bị tấn công dữ dội tại phương Tây. Quy hoạch được đòi hỏi phải tập trung vào những chiến lược lớn, đề xuất giải pháp và tiến trình đi tới những mục đích đặt ra, thay vì chỉ miểu tả hay “thể hiện” (một cách đồ họa) hình ảnh mong muốn của một đô thị. 

Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của ngành tự động hóa với những hệ thống máy tính phức tạp tác động mạnh mẽ vào khoa học quản lý và quy hoạch (Hall, P. 1981). Các học giả lập luận rằng sự phát triển của đô thị và vùng đô thị cũng có thể được điều khiển và kiểm soát thông qua một hệ thống máy tính, với những mục tiêu được tiên định và thông tin được cập nhật (Hall, P. 1981). Điều này đã thay đổi quan niệm của nhà quy hoạch về chính công việc của họ: tư duy truyền thống được thay thế bởi ý tưởng rằng quy hoạch là một chuỗi liên tiếp các hoạt động kiểm soát sự phát triển đô thị. 

Quy hoạch biến đổi từ kỹ thuật thiết kế và thể hiện bản vẽ thành khoa học về ra quyết định (decision-making) với một loạt những khái niệm và tư duy từ các ngành khoa học xã hội (chính trị học, kinh tế học, xã hội học và tâm lý học). Và sự biến đổi này đã thúc đẩy ‘thiết kế đô thị’ ra đời để quán xuyến yếu tố hình thức của đô thị nay không còn là mối quan tâm của các nhà quy hoạch. 

Cuộc tấn công vào Chủ nghĩa Hiện đại 

Bên cạnh những biến đổi về phương pháp kể trên, quy hoạch đô thị đồng thời chịu tác động của Chủ nghĩa Hiện đại trong xây dựng đô thị với những khu nhà cao tầng và những tuyến đường cao tốc đã băm nát những cộng đồng truyền thống. Như tuyên ngôn của Le Corbusier (ảnh bên), thành phố nay trở thành những ‘cỗ máy’ khổng lồ nghiền nát lịch sử, cộng đồng cũng như mối dây liên hệ giữa con người và không gian sống của họ. Và chúng ta chứng kiến những cuộc phản kháng của thị dân và học giả cho môi trường sống nhân bản hơn diễn ra đồng thời trên đường phố và trên những diễn đàn học thuật. 

Một người phụ nữ bình dân tên Jane Jacobs (ảnh bên) sống tại thành phố New York đã đứng lên lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại những dự án cải tạo đô thị và giao thông mà không đếm xỉa đến cuộc sống hiện hữu của cư dân. Năm 1961, cuốn sách The Death and Life of Great American Cities (Cái chết và cuộc sống của các thành phố lớn Hoa Kỳ) của bà ra đời và ngay lập tức trở thành cú sốc thực sự đối với giới quy hoạch và là phẩm kinh điển nhất của lĩnh vực thiết kế đô thị cho tới tận ngày hôm nay. Trong cuốn sách, bà chống lại cách tiếp cận của Chủ nghĩa Hiện đại trong xây dựng đô thị, đồng thời phân tích giá trị nhân bản cũng như kêu gọi bảo tồn cuộc sống “bừa bộn” (nguyên văn: “messy life”) của những con phố trong các khu dân cư truyền thống (Larice, M. and Macdonald, E., 2007). 

Trước Jane một năm, Kevin Lynch cho ra đời tác phẩm The image of the City (Hình ảnh của thành phố, 1960) mang lại một công cụ về thiết kế đô thị. Sau 5 năm nghiên cứu thông qua những công cụ như bản đồ tâm lý (mental map), tác giả tìm ra mối liên hệ của con người đối với không gian sống thông qua những yếu tố không gian: tuyến, biên, giao điểm, điểm nhấn khu vực. Bằng cách sử dụng các yếu tố này, tác giả biện luận rằng các nhà thiết kế đô thị sẽ có được một bộ công cụ để kiến tạo những nơi chốn có thể dễ dàng “đọc” được bởi cư dân cũng như thỏa mãn tâm lý của họ (Larice, M. and Macdonald, E., 2007). 

Cùng thời gian với tác phẩm của Jane, vào năm 1961, một tác phẩm kinh điển khác của lĩnh vực thiết kế đô thị ra đời bên kia bờ Đại Tây Dương: The concise townscape (Cảnh quan đô thị súc tích) của kiến trúc sư Gordon Cullen. Giống Lynch, Cullen quan tâm tới cách con người cảm nhận về môi trường sống thông qua thị giác, nhưng ông nhấn mạnh về tác động cảm xúc hơn là khả năng “đọc” môi trường. Cullen định nghĩa thiết kế đô thị là nghệ thuật về mối quan hệ (the art of relationship). Cullen cho rằng con người tiếp nhận môi trường đô thị thông qua di chuyển và định vị trong môi trường đó. Từ đó ông phát triển khái niệm Tầm nhìn chuỗi (Serial Vision), trong đó giải trình các hình ảnh đô thị được coi như là một chuỗi các khám phá. Trạng thái liên quan đến vị trí của người quan sát trong môi trường, vd: đây và đó, đóng và mở, sự kiềm chế và sự giải thoát, v.v…, có thể được thiết kế với tính nghệ thuật và mục đích (Larice, M. and Macdonald, E., 2007).

Tiếp theo đó, kiến trúc sư Christopher Alexander trong bài luận kinh điển A city is not a tree (Thành phố không phải là một cái cây, 1965) đã tấn công sự cằn cỗi và khô cứng của phương pháp quy hoạch hiện đại. Trong bài luận, tác giả cho rằng sự phức hợp của các đô thị cần được xem xét như một mạng lưới đa lớp, thay vì chỉ là một biểu đồ hình cây, với sự chia rẽ các chức năng và các hoạt động. Trong cuốn sách sau đó, The timeless way of building (Phương pháp xây dựng vĩnh cửu, 1979), tác giả kêu gọi việc quay trở lại phương pháp thiết kế truyền thống, trong đó cho phép không gian hình thành một cách tự nhiên và mọi người đều tham gia vào quá trình thiết kế (Larice, M. and Macdonald, E., 2007).

  • Ảnh bên : Bản vẽ tay minh họa khái niệm Tầm nhìn chuỗi của Gordon Cullen trong cuốn Cảnh quan đô thị súc tích

Không chỉ những người chống lại Chủ nghĩa Hiện đại mới đòi hỏi sự ra đời của thiết kế đô thị. Một trong những người chủ xướng của lĩnh vực này, giáo sư José Luis Sert, từng là đồng nghiệp của Le Corbusier và là chủ tịch đương nhiệm của Đại hội quốc tế của Kiến trúc hiện đại (Congrès International d’Architecture Moderne – CIAM). Ông sớm nhận ra rằng quá trình ngoại ô hóa của các thành phố Hoa Kỳ đang làm suy tàn chính những lõi đô thị của chúng cũng như việc xuống cấp của không gian công cộng (Krieger, A. and Saunders, W. 2009). Tuy nhiên,  ý tưởng về “thiết kế đô thị” của ông lúc đương thời có thể chỉ là một ngành học dung hòa sự ly tán giữa quy hoạch và kiến trúc, và chính những công trình vốn luôn theo đuổi Chủ nghĩa Hiện đại của ông để lại còn gây nhiều tranh luận. Những nỗ lực của kiến trúc sư José Luis Sert trong việc gắn kết lịch sử, kỹ thuật và mỹ thuật nhằm cứu vãn không gian công cộng và tái lập ngành “thiết kế đô thị” vẫn đáng được ghi nhận trong lịch sử đô thị thế kỷ 20. CIAM giải tán 3 năm sau (1959) hội thảo lịch sử về “thiết kế đô thị”, cùng thời điểm với sự ra đời chương trình đầu tiên về thiết kế đô thị tại trường Đại học Harvard và trường Đại học Pennsylvania.

Thiết kế đô thị tại Việt Nam

Trong tình trạng mập mờ của khái niệm “thiết kế đô thị” trên thế giới ( ví dụ ở trang đầu), định nghĩa khái niệm và xác định vai trò của “thiết kế đô thị” tại Việt Nam là việc khó khăn hơn rất nhiều.

Trước hết, quy hoạch đô thị tại Việt Nam vẫn là một lĩnh vực gần gũi với kiến trúc và vai trò của các nhà chuyên môn là đảm bảo tính “thẩm mỹ” của đô thị. Bản thân những người thực hiện quy hoạch cũng là các kiến trúc sư với nền tảng giáo dục thiếu vắng cơ bản các kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn vốn cần thiết cho cả quy hoạch lẫn thiết kế đô thị.

Thứ hai, điều kiện kinh tế – xã hội Việt Nam đương đại không tương đồng với phương Tây những năm 1960 khi thiết kế đô thị ra đời. Việt Nam mới bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, do đó Chủ nghĩa Hiện đại với hình ảnh nhà cao tầng và đường cao tốc vẫn là nhu cầu và mong ước của đại bộ phận dân chúng và việc biến đổi căn bản các cộng đồng truyền thống cho mục đích đô thị hóa và hiện đại hóa vẫn là hiện tượng được nhìn nhận tích cực hơn là tiêu cực. Bên cạnh đó, những vấn nạn của đô thị phương Tây (vd: ngoại ô hóa mật độ thấp, sự trống vắng trong các không gian công cộng,…) mà “thiết kế đô thị” nỗ lực giải quyết hoàn toàn trái ngược với hiện thực Việt Nam, nơi mà các vấn nạn lại là mật độ công trình và dân số quá cao và có quá nhiều hoạt động diễn ra trong không gian công cộng.

Thứ ba, “thiết kế đô thị” là công cụ tạo dựng mối liên hệ giữa con người và không gian sống và nhấn mạnh và thiết kế không gian công cộng. Tuy nhiên mối quan hệ con người – nơi chốn cũng như khái niệm về không gian công cộng thay đổi theo từng nền văn hóa và thực sự vô cùng khác biệt giữa Việt Nam và thế giới phương Tây. Rõ ràng dù “thiết kế đô thị” có được thực hành tại Việt Nam hay không, chúng ta luôn có thể tự hào về mối liên hệ giữa con người với quê hương và nơi sinh sống vô cùng mạnh mẽ do những quy ước về đạo đức, văn hóa cũng như thói quen sống (“bán anh em xa, mua láng giềng gần”). Bên cạnh đó, định nghĩa về không gian công cộng, đối tượng của “thiết kế đô thị” không hề rõ ràng cả về ngôn ngữ lẫn trong sự phân định không gian. Ví như vỉa hè đối với người Việt không hoàn toàn là không gian công cộng mà thậm chí là không gian bán riêng tư.


Bản vẽ tay minh họa thiết kế mặt bằng một khu đô thị của tác giả

Đặc ra những vấn đề trên để thấy cần có một cuộc cách mạng trong học thuật và thực hành chuyên môn để định nghĩa lại trước hết ngành quy hoạch đô thị cũng như nghiên cứu cách “đọc” và cảm nhận về môi trường sống của người Việt. Việc đưa các quy định về thiết kế đô thị vào trong hồ sơ quy hoạch hiện nay là khá nông cạn và hời hợt khi mà thiếu vắng một sự đồng thuận về khái niệm và phương pháp thiết kế đô thị. Thực tế thiết kế đô thị là để chỉ một công việc nói chung hơn là một loại bản vẽ cụ thể. Việc sử dụng những bản vẽ minh họa tuyến phố như là bản vẽ thiết kế đô thị hiện nay cũng không có giá trị pháp lý vì hồ sơ quy hoạch không thể quy định chiều cao, khoảng lùi và chi tiết mặt tiền cho từng công trình trong một lô phố.

Đặt ra những vấn đề về sự khó khăn khi định nghĩa cũng như áp dụng “thiết kế đô thị” ở Việt Nam cũng không có nghĩa rằng chúng ta chưa cần hoặc không cần cách tiếp cận này khi phát triển đô thị. Thiếu vắng nền tảng khoa học xã hội, bản thân ngành quy hoạch đô thị của chúng ta cũng đang trở nên cằn cỗi và máy móc, mặc dù có cách tiếp cận thiên về thẩm mỹ. Nhưng ứng dụng thiết kế đô thị tại Việt Nam cần những nghiên cứu về văn hóa, xã hội và môi trường để đảm bảo tính mục đích và hiệu quả của thiết kế thay vì chạy theo yếu tố thẩm mỹ bề ngoài của một lĩnh vực đang thời thượng. 

Tham khảo:

  • Hall, P. (1992). Urban & Regional Planning (3rd). New York, NY: Routledge;
  • Krieger, A. and Saunders, W. eds. (2009). Urban Design. Minneapolis: University of Minnesota Press;
  • Lang, J. (2005). Urban Design: A typology of procedures and products. Oxford: Architectural Press;
  • Larice, M. and Macdonald, E. eds. (2007). The Urban Design Reader. New York: Rouledge;
  • UDG (Urban Design Group) (2010). What is urban design? Retrieved from http://www.udg.org.uk/?section_id=8 at 7pm, March 22nd, 2010

Nguyễn Đỗ Dũng (Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, 4/2010)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo