Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị “Siêu đô thị” hay “thành phố sống tốt”?

“Siêu đô thị” hay “thành phố sống tốt”?

Viết email In

Một số nhà nghiên cứu đưa ra những cảnh báo về “siêu đô thị” với các căn bệnh do quá tải dân số gây ra, trong khi một số khác lại cho rằng “siêu đô thị” là xu thế tất yếu cho nên phải định hướng TP.HCM trở thành “siêu đô thị lớn”.

Dân số TP.HCM chưa đạt đến “siêu đô thị” nhưng tình trạng “quá tải” đã biểu hiện khá rõ trên nhiều mặt. Dễ thấy nhất là vấn nạn giao thông. Nguyên nhân chính là dân số quá đông dẫn đến phương tiện giao thông quá nhiều (gần 8 triệu dân, gần 4 triệu xe gắn máy, hơn nửa triệu xe hơi) trong khi diện tích dành cho giao thông còn quá ít (mới khoảng 5%, trong khi cần hơn 20% mới giải quyết được giao thông đô thị). Nếu dân số thành phố chỉ khoảng trên dưới 5 triệu người thì giao thông chưa bị ùn tắc như hiện nay.


(Ảnh: Hồng Thái)

Biểu hiện thứ hai là tình trạng ô nhiễm cả mặt đất, nguồn nước và không khí. Chỉ tính riêng chất thải vệ sinh và rác thải sinh hoạt của 8 triệu người thải ra hàng ngày cũng đã vượt quá khả năng thu gom của công ty vệ sinh. Khói bụi của gần 5 triệu cỗ máy giao thông và nhiều xí nghiệp lớn nhỏ thải ra hàng ngày thì bầu không khí thành phố bị ô nhiễm là điều không tránh khỏi. Nếu dân số thấp hơn thì chất thải cũng ít hơn.

Tình trạng ngập úng mùa mưa cũng có liên quan đến dân số quá đông, vì lượng nước thải sinh hoạt của 8 triệu người đã vượt quá khả năng của hệ thống cống thoát nước, và nhà cửa xây quá nhiều không còn đất trống để ngấm nước, nên khi mưa lớn và triều cường thì nhiều khu vực bị ngập.

Quá tải về y tế cũng có thể nhận thấy rất rõ ở các bệnh viện, gần như lúc nào cũng đông nghẹt người chờ đợi khám và chữa bệnh. 

Quá tải về trật tự xã hội: tình hình tệ nạn xã hội chậm được cải thiện mặc dù thành phố đã phát động phong trào “ba giảm”, nhưng do công tác kiểm soát cư trú ở các địa bàn không đủ sức so với dân số tại chỗ đã quá đông, lại thêm nhiều người nhập cư. 

Văn hoá ứng xử ở đô thị trở nên lạnh lùng hơn, vì một lẽ rất đơn giản là vì quá đông người nên không thể đủ thời gian để chào hỏi mà chỉ lo tránh nhau để khỏi va chạm trên đường đi.

Môi trường tự nhiên và xã hội ấy còn gây ra những biểu hiện quá tải về tinh thần của thị dân. Một đề tài nghiên cứu đưa ra số liệu những người có vấn đề về “sức khoẻ tinh thần” (stress, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, trẻ tự kỷ…) ở thành phố lớn của Việt Nam chiếm khoảng 12%, cao gấp hai lần ở nông thôn.

Những biểu hiện tiêu cực nêu trên đều có liên quan trực tiếp đến dân số và mật độ, đồng thời là các tiêu chí xếp hạng đô thị và chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người).


(Ảnh: Hồng Thái)

Trong một cuộc toạ đàm về đô thị hoá ở trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2009, một chuyên gia Mỹ đã từng tham gia mở rộng thành phố Thượng Hải (phố Đông) Bắc Kinh – đưa ra ý kiến: chúng ta không nên hạn chế sự phát triển quy mô đô thị… cứ để nó phát triển hết mức có thể. Một đại biểu Việt Nam đặt câu hỏi: một thành phố dưới 1 triệu dân và một thành phố hơn 10 triệu dân thì bên nào có thể tạo ra chất lượng sống tốt hơn? Chuyên gia Mỹ trả lời: chất lượng sống không tuỳ thuộc dân số mà tuỳ thuộc trình độ phát triển kinh tế, kỹ thuật. Nhưng khi đại biểu Việt Nam hỏi: nếu giả định là trình độ kinh tế – kỹ thuật tương đương nhau? – thì chuyên gia Mỹ nói: Tôi từ chối trả lời câu hỏi này…

Nên nhớ rằng, họ đang đi tìm cơ hội làm ăn từ các dự án mở rộng đô thị, trong khi chính nhà nghiên cứu đô thị rất nổi tiếng người Mỹ là ông M. Douglas đã đưa ra khái niệm “thành phố sống tốt”, trong đó không có các thành phố lớn nhất thế giới – mà cho rằng các thành phố quy mô vừa và nhỏ về dân số có điều kiện tạo chất lượng sống tốt hơn. Có lẽ vì thế mà họ không muốn trả lời câu hỏi này.

Trong cuộc hội thảo “Quy hoạch cho những thành phố sống tốt” ở Hà Nội, ông M. Douglas đã đưa ra nhận xét: “… Ở Nam Sài Gòn, khi tôi muốn chụp ảnh hay đi vào một nơi nào đó thì luôn đụng phải bảng “cấm chụp ảnh” hoặc “cấm vào”, khác xa sự thân thiện mà tôi nhận được từ những con người trong lòng nội ô cũ… Một thành phố không thể sống tốt khi con người trở nên khó giao tiếp, khó thân thiện với nhau và chúng ta cần phải tránh xa những kiểu phát triển cứng nhắc như vậy. Không thể tách việc sống tốt ra khỏi yếu tố con người.

Tóm lại “siêu đô thị” không đồng nghĩa với “thành phố sống tốt” vì các thành phố lớn nhất và giàu nhất thế giới hiện nay vẫn chưa giải quyết được những vấn nạn xã hội và quá tải hạ tầng kỹ thuật – nó gần giống như người “béo phì” – thân hình to lớn chưa chắc đã là người khoẻ mạnh. Dân số đông có phải là yếu tố cơ bản tạo nên quy mô kinh tế lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh không? Điều này có thể thấy từ trường hợp của Singapore: với dân số 4,839 triệu người, chỉ bằng hơn một nửa dân số TP.HCM, nhưng họ có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao và tạo ra GDP/người gấp hàng chục lần so với TP.HCM.

Do vậy, các dự án phát triển khu đô thị mới ở nam Sài Gòn, tây bắc Củ Chi, Thủ Thiêm, Hiệp Phước, đông bắc… có phải là các “đô thị vệ tinh” để giảm áp lực hay lại làm tăng dân số và làm giảm không gian xanh dành cho nông nghiệp – vì các dự án đó đều nằm trong địa phận TP.HCM.

Câu hỏi có nên giới hạn không gian và dân số thành phố không và làm bằng cách nào, là một vấn đề mà các nhà khoa học và quản lý đô thị cần nghiên cứu và thảo luận.

TS Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo