Ashui.com

Friday
Nov 22nd
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Kiến trúc vị dân sinh

Kiến trúc vị dân sinh

Viết email In

Từ 70 năm trước, cuộc bút chiến giữa “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” đã xác lập một đường lối chính thống, định hướng cho sáng tác văn học nghệ thuật. “Bao nhiêu thăng trầm, biến chuyển trong xã hội về kinh tế, về chính trị, đều gián tiếp hay trực tiếp ảnh hưởng vào nghệ thuật”. Kiến trúc không nằm ngoài quỹ đạo đó, thậm chí còn luôn phải là một phần hiện thực của cuộc sống. Nhưng thực trạng kiến trúc ở nước ta hiện nay không phản ánh đúng thực tiễn - nói chi đến góp phần thúc đẩy sự phát triển, càng không thể dự báo được những biến động của xã hội.

 

Thực tiễn thời kỳ quá độ cần lắm những giải pháp mang tính chiến lược để đạt đến xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong kiến trúc cũng cần lắm những giải pháp, những bước đệm hiện thực gần, làm cầu nối để có thể tái tiếp cận, rồi lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống thường ngày. Thực tiễn đang sản sinh ra một bước đệm hiện thực tất yếu được gọi là: Kiến trúc vị dân sinh - Kiến trúc vì dân, lấy dân làm gốc - Trước hết là góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn then chốt của người dân, sau đó là góp phần thúc đẩy xã hội phát triển bằng những không gian đặc thù có khả năng đối thoại đậm tính nhân văn, định hướng tương lai, tiến tới thực hiện một nền kiến trúc bền vững trong một xã hội hài hòa.

Vị nhân sinh/ vị dân sinh đều có nghĩa là vì cuộc sống của con người, nhưng “vị nhân sinh” nghe chừng khái quát hơn, “cao quý” hơn và cũng cá nhân hơn (mỗi người một khác ) - thậm chí là thoát ly đời sống (chỉ là nhân sinh quan); còn “vị dân sinh” thì gần gũi hơn, hiện thực hơn, đời thường hơn và gắn với số đông/ với cộng đồng nhiều hơn.

Ở thời kỳ công nghiệp hóa và đô thị hóa bùng nổ song những quyền công dân cơ bản được quy định bởi Hiến pháp và pháp luật (như quyền được sống, được có nhà ở, được học tập, được mưu cầu hạnh phúc…) vẫn chưa đến được những nhóm dân cư chịu nhiều thua thiệt/ những người lao động nghèo/ những đối tượng bị xem là “thấp kém”, không có tiếng nói chính danh, không được quan tâm và bị gạt ra bên lề xã hội. Đó chính là những “cộng đồng dễ bị tổn thương” - mà hầu như ở địa bàn nào cũng có - và kiến trúc vị dân sinh hướng tới.

Có thể nói, “vị dân sinh” trước hết là đáp ứng các nhu cầu thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của con người, tạo điều kiện cho người dân cải thiện chất lượng cuộc sống, bù đắp lại những thua thiệt về kinh tế, văn hóa và xã hội. Kiến trúc vị dân sinh là những không gian “của dân, do dân và vì dân”, hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, bù đắp những khoảng trống/ khoảng tối mà kiến trúc chính thống thường bỏ qua vì không mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và nhà quản lý.

Một số khía cạnh của kiến trúc vị dân sinh

Về đối tượng phục vụ: Đa dạng - từ một cá thể đến một gia đình và rộng hơn là cho cộng đồng dân cư, từ những đối tượng dễ bị tổn thương ở vùng bị thiên tai, những đồng bào nghèo ở vùng cao, cho tới những cộng đồng người bị thiệt thòi ở đô thị và nông thôn.

Về nội dung: Đó là những “không gian thiết yếu” trong các lĩnh vực giáo dục - y tế cấp cơ sở; nhà ở gia đình; không gian cộng đồng mở. Tương ứng với ba tầng nhu cầu cơ bản của con người (theo tháp nhu cầu Maslow): Nhu cầu sinh học cá nhân (ăn, ngủ, nghỉ, bài tiết…); nhu cầu an sinh (cảm giác yên tâm, an toàn thân thể, có công ăn việc làm, chỗ ở…); nhu cầu xã hội (muốn được trong một nhóm cộng đồng, bạn bè thân hữu tin cậy…).

Về đặc trưng và thành tố: Kiến trúc mô-đun hóa để đơn giản (dễ dàng thi công, bảo dưỡng, thay thế), linh hoạt (trong cách ghép, cách sử dụng, các phát triển không gian), chi phí thấp. Những “không gian thiết yếu” được hình thành từ những “vật liệu thiết thực” (tái sử dụng, rẻ tiền, sẵn có tại địa phương) với công nghệ xây dựng thích hợp (kết hợp phương pháp thủ công truyền thống với kỹ thuật mới tùy từng bối cảnh) và có sự tham gia của người dân từ khi bắt đầu xây dựng đến khi hoàn thành và nâng cấp trong quá trình sử dụng.

Về nguyên tắc ứng xử: Làm cho đời sống cá nhân và cộng đồng thích ứng với hoàn cảnh, không chỉ để tồn tại mà còn để phát triển. Kiến trúc “chung sống” lâu dài với con người và môi trường, thích ứng với từng khu vực khí hậu và văn hóa đặc thù, tận dụng những gì có lợi và thích ứng với những bất lợi. Nguyên tắc chung: Kiến trúc = kiến tạo những cấu trúc nhân tạo theo các tự nhiên (nương vào tự nhiên, học hỏi và tái hiện tự nhiên). Kiến trúc mà phù hợp với đạo lý của trời và đất thì sẽ trường tồn bền vững.

Tóm lại, kiến trúc vị dân sinh xuất phát từ nhu cầu thiết thực của con người (ưu tiên những nhu cầu cơ bản của cá nhân và cộng đồng) và phù hợp với những điều kiện môi trường cụ thể (về tự nhiên và văn hóa - xã hội) mà hình thành nên những “nơi chốn” nhân văn (chứ không chỉ là những không gian vật lý đơn thuần). Nó góp phần vào sự tiến bộ bền vững của cộng đồng trên cả phương diện vật chất và tinh thần (cải thiện đời sống, vệ sinh môi trường, giáo dục nhận thức và thẩm mỹ, nâng cao ý thức, điều chỉnh hành vi, nâng cấp lối sống văn minh…) hướng đến sự hình thành và hiện thực hóa những nhu cầu cao cấp hơn (nhu cầu hoàn thiện nhân cách và thể hiện bản thân).

KTS Đoàn Thanh Hà - H&P Architects

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...