Sau 5 năm xây dựng, công trình Nhà Quốc hội toạ lạc tại khu trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội đã được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2014.
Với quy mô lớn và phức tạp, các nhà thầu Việt Nam đã hoàn thành xây dựng công trình có kiến trúc mang biểu tượng “Trời tròn Đất vuông” cao 39 mét, gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, trên diện tích sàn hơn 60.000 m2. Nhiều trang thiết bị hiện đại trong toà nhà được nhập khẩu từ nước ngoài. Hệ thống điện được vận hành tương đương một nhà máy. Hệ thống tường kính, mái vòm ngoài trời của toà nhà do nhà thầu là công ty cổ phần TID đảm nhiệm.
Nhờ đáp ứng được yêu cầu sử dụng và bài toán về hoà nhập không gian Quảng trường Ba Đình, công trình Nhà Quốc hội đã nhận Giải thưởng Lớn – Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2014.
Được thiết kế bởi nhóm tác giả Meinhard Von Gerkan, Nikolaus Goetze, Dirk Heller và Joern Ortmann thuộc GMP International GmbH (Đức), công trình Nhà Quốc hội với phong cách kiến trúc hiện đại song vẫn mang đậm bản sắc dân tộc đã tạo nên hình ảnh kết nối giữa quá khứ và tương lai đất nước khi được xây dựng trên vùng đất có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam qua nhiều thời đại. Có lẽ cũng chính vì vậy mà trong cuộc thi tuyển phương án thiết kế Nhà Quốc hội, Gmp International GmbH đã nhận được sự đồng thuận nhất trí cao nhất của cả 15 vị giám khảo. Theo đánh giá của hội đồng giám khảo, công trình Nhà Quốc hội mới xử lý thành công những yêu cầu cơ bản nhất của một Nhà Quốc hội. Đó là yêu cầu sử dụng, nhưng đồng thời giải quyết được sự tồn tại trong một không gian Quảng trường Ba Đình mà không tạo ra sự đối kháng, "va đập" với các công trình xung quanh.
Công trình Nhà quốc hội trong tổng thể khu vực, đối diện với lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Với tính chất công trình quan trọng bậc nhất của quốc gia, hình ảnh Nhà quốc hội toát lên vẻ bề thế, nghiêm trang của cơ quan quyền lực cao nhất này. Tòa nhà còn có khu vực đỗ xe ngầm quy mô 3 tầng hầm với sức chứa 500 ôtô với diện tích trên 17.000 m2; đường hầm nối Nhà Quốc hội và Bộ Ngoại giao dài 60 m, có 2 phần đường dành cho người đi bộ và dành cho ôtô.
Lối tiếp cận chính Nhà quốc hội
Sảnh chính tiếp cận công trình phía Tây hướng ra Quảng trường Ba Đình có hình vuông ôm khối phòng họp chính, ngoài ra còn có công năng của sảnh đón cũng như không gian để tổ chức nghi lễ cấp cao. Hình khuyết trên khối vuông là khu sân vườn cây xanh, tạo ra một khuôn viên thiên nhiên gần gũi. Từ sảnh chính vào tòa nhà, hai hệ thống thang cuốn chạy từ tầng 1 đến tầng 3, các tầng khác phải sử dụng thang máy. Tầng 1 với sảnh giữa rộng và thoáng, không gian mở. Hành lang các tầng thiết kế giống nhau. Phòng họp báo với 100 chỗ ngồi ở vị trí bên trái tầng hầm thứ hai của tòa nhà. Đường hầm nối Nhà Quốc hội và Bộ Ngoại giao dài 60 m, có hai phần đường dành cho người đi bộ và ô tô riêng biệt. Nhiều trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài, hệ thống điện được vận hành tương đương một nhà máy. Tổng số hơn 80 phòng họp lớn nhỏ, đường dây điện dài 1.000 km.
Môi trường làm việc bên trong Nhà Quốc hội được đầu tư về thiết kế ánh sáng và đảm bảo tầm nhìn hợp lý, lấy ánh sáng bên trong từ mái xuống và từ những cái hốc. Không chỗ nào trong Nhà Quốc hội bị ánh nắng chiếu trực diện, mặc dù là hướng Tây, nhờ thiết kế kết hợp hệ thống sunshading che nắng, trang trí bằng nhôm đặc cắt hoa văn theo thiết kế (bên ngoài khung nhôm kính) và hệ thống tự động mặt đứng.
Vấn đề công nghệ trong Nhà Quốc hội cũng được lưu tâm giải quyết một cách chặt chẽ, hợp lý. Các yếu tố về tiết kiệm năng lượng, sử dụng bằng năng lượng của ánh nắng mặt trời, tiết kiệm nước… đều được giải quyết tối đa trong giới hạn cho phép.
Vật liệu mặt đứng toà nhà là đá tự nhiên mầu be sáng, kính và kim loại mầu đồng cũng như chất liệu gỗ. Phần kính lắp đặt bên ngoài toà nhà có màu sắc hài hoà với cảnh quan nhưng vẫn đảm bảo từ bên ngoài nhìn vào khi hệ thống đèn chiếu sáng bên trong không làm lộ các chi tiết. Hơn nữa, lần đầu tiên tại Việt Nam, từng tấm kính được gia công đơn chiếc, thể hiện rõ tại đáy phòng họp chính ốp kính kiểu xương cá với nhiều bán kính cong.
Điều đặc biệt ở công trình này ở việc sử dụng hệ nhôm cùng các hệ kính chống đạn, chống cháy,… của Schueco (Đức) do TID Group trực tiếp phân phối và thi công cũng tăng hiệu quả khi sử dụng. Cùng với hệ thống thoát khói, nhiệt thông minh, khi hệ thống điều khiển trung tâm nhận được tín hiệu khẩn cấp như hoả hoạn thì toàn bộ cửa sẽ tự động mở, hệ thống rèm ngăn khói lửa sẽ hạ xuống. Hệ thống rèm ngăn khói lửa với khổ rất lớn 5x6(m) làm bằng chất liệu đặc biệt, có khả năng ngăn chặn khói, lửa nhưng vẫn đảm bảo để người chạy thoát ra ngoài.
Nhìn chung, công trình Nhà Quốc hội với lối kiến trúc độc đáo và hiện đại đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong và ngoài nước. Mang dáng vóc và ý nghĩa to lớn của một công trình được thiết kế đặc biệt, hội tụ tinh hoa kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tiên tiến vào bậc nhất thời nay, Nhà Quốc hội ghi dấu một ngưỡng phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp xây dựng Việt Nam, và thực sự vươn tới tầm vóc một biểu tượng của cơ quan quyền lực tối cao, với niềm tự hào của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Nguyên Anh - Ảnh: CGahl (TID Group)
- Trải nghiệm nhà sinh thái - kiến trúc xanh của tương lai
- Xu hướng “xanh hoá” của kiến trúc thế giới
- Tòa nhà trụ sở chính của Siemens ở Munich: Đổi mới cấu trúc và giảm tiêu thụ năng lượng
- Bảo tàng Hà Nội - Nghệ thuật truyền thống và đương đại trong kiến trúc mặt đứng
- Vinaconex Tower: Phong cách mới cho tầm nhìn rộng mở
- Tòa nhà Cục Tần số Vô tuyến điện - Sự giao thoa giữa “Cũ” và “Mới”
- Bài toán lợi ích trong đầu tư công trình xanh
- Thiết kế công trình hiệu quả năng lượng: Chiến lược từ hướng và hình dáng
- Khuôn viên Xanh
- Xanh hóa công trình xây dựng