Năm 2013, Tòa tháp đôi của ngành Điện lực Việt Nam - EVN Tower (tọa lạc tại số 11 Cửa Bắc, Quận Ba Đình, Hà Nội) sừng sững vươn mình tại khu trung tâm phía Bắc Thủ đô đã điểm thêm một dấu son tươi thắm cho diện mạo kiến trúc đô thị hiện đại. Những mặt đứng kính lấp loáng in bóng mây trời làm cho tòa nhà thêm phần tráng lệ, độc đáo, mở ra tầm nhìn rộng lớn, ôm trọn vẻ đẹp lãng mạn của hồ Tây, hồ Trúc Bạch và vùng cảnh quan nên thơ của sông Hồng.
EVN Tower được xây dựng với mục tiêu trở thành tòa văn phòng cao cấp, không chỉ xứng tầm là nơi làm việc của ngành Điện lực, một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, mà còn là văn phòng cho thuê hạng A, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam và quốc tế khi tới làm việc tại thủ đô Hà Nội. Với kiến trúc gồm hai tòa tháp vươn cao tới 29 và 33 tầng trên một khối đế 5 tầng và sở hữu 3 tầng hầm hiện đại, các mặt đứng của EVN Tower được thiết kế là hệ tường kính kết hợp với những thanh nhôm chắn nắng, để tận dụng được hết tầm nhìn ra không gian thắng cảnh bên ngoài và đáp ứng hoàn hảo công năng sử dụng bên trong của công trình.
Để đảm bảo được tuyệt đối ý tưởng kiến trúc và đạt chất lượng xây dựng quốc tế, chủ đầu tư EVN đã dày công tuyển chọn những nhà thầu hàng đầu của Việt Nam cũng như Quốc tế cho việc thi công công trình. Trong đó, việc cung cấp vật liệu và thi công các mặt đứng kính được giao cho Công ty Cổ phần TID (TID Group) đảm trách.
Mặt đứng luôn là biểu tượng cho tính chất, công năng của công trình, hơn thế nữa, nó còn là thành tố quan trọng góp phần tạo nên diện mạo và mỹ quan cho đô thị. Vì vậy việc chủ đầu tư tin tưởng chọn TID Group đảm đương phần việc quan trọng này chứng tỏ năng lực và kinh nghiệm vượt trội của nhà thầu này. Toàn bộ toà nhà được thiết kế vách kính khổ lớn, bao gồm cả cửa đi và cửa sổ nhôm kính, trong đó sử dụng các loại cửa kính trượt tự động tấm lớn; cửa quay tự động 4 cánh và cửa chống cháy trong nhà bằng thép.
TID đã sử dụng kính hộp Low-E loại Sunergy Azur của AGC (SX tại Bỉ) dầy 24mm và Nhôm Fletcher (New Zealand) hệ A1 (Unitized) để lắp đặt cho các mặt đứng của EVN Tower. Hệ nhôm, kính này được gia công và sản xuất thành phẩm tại nhà máy của TID theo dây chuyền công nghệ tiên tiến của nước ngoài và được quản lý chất lượng chặt chẽ theo chuẩn quốc tế mà phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hệ thống vách kính và cửa kính của tòa EVN đều là loại kính cách âm, cách nhiệt tốt, làm giảm độ bức xạ của nắng nóng, tiết kiệm được 30% công suất điều hòa và tạo được môi trường làm việc tiện nghi, thoải mái, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Mặt đứng kính hệ Spider kết hợp cùng các lam nhôm trang trí và chắn nắng
Để thể hiện trung thành ý tưởng kiến trúc, TID lựa chọn hệ Spider kính cho các mặt dựng. Hệ Spider (Chân nhện) là một giải pháp thi công hiện đại, tấm kính được cố định bởi một cấu trúc giống như chân nhện liên kết với kính. Hệ kính kết cấu tải trọng điểm, bao gồm kính dán và kính tôi được hỗ trợ bởi các phụ kiện phù hợp, điển hình như chân nhện. Các tấm kính không bị gián đoạn bởi các thanh nhôm, tạo cảm giác phóng khoáng tự do, tầm nhình rộng mở cho người sử dụng, đồng thời tạo thêm giá trị thẩm mỹ cho công trình.
Hệ chân nhện được chế tạo từ thép không gỉ cao cấp, được thiết kế để hấp thụ toàn bộ tải tĩnh và động (trọng lượng của kính, tải trọng gió, mưa, và giãn nở khác nhau do sự chênh lệch nhiệt độ) sau đó phân phối ra các cấu trúc hỗ trợ. Hệ chân nhện rất thích hợp sử dụng cho EVN Tower, bởi công trình nằm trong vùng nắng to gió cả của sông Hồng.
Chi tiết chân nhện liên kết các tấm kính
Cùng với hệ vách kính, các mặt đứng của tòa văn phòng cao cấp này còn thật ấn tượng với các thanh Louvres bằng nhôm định hình theo phương ngang, vừa có tác dụng chắn nắng, vừa là đường nét trang trí cho hai tòa tháp. Nhờ hệ thống mặt đứng kính hiện đại, tầng mái tòa nhà EVN Tower được bố trí đài quan sát với độ cao 147m so với mặt đất. Đây là điểm ngắm cảnh lý tưởng cho đối tác, khách hàng và những người làm việc trong tòa nhà. Từ đây, ta có thể nhìn toàn cảnh Thủ đô, chiêm ngưỡng những thắng cảnh của Hồ Tây, sông Hồng… tạo cảm giác sảng khoái, mát mẻ, sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi.
Hệ thống cửa mà TID sử dụng cho EVN Tower hoạt động tự động đạt tiêu chuẩn an toàn, tự động kết nối với hệ thống quản lý tòa nhà thông minh BMS và các thiết bị hiện đại khác, nhằm đảm bảo an ninh tuyệt đối cho tòa nhà.
Nhờ hệ thống tường kính cách âm cách nhiệt tốt, các phòng họp tiêu chuẩn quốc tế tại tầng 3, 4 luôn chan hòa ánh sáng tự nhiên và tiết kiệm được điện năng sử dụng điều hòa.
Hệ thống camera quan sát tại khu vực công cộng và sảnh chính cùng thẻ từ hiện đại (card reader) giúp bảo mật và an ninh tối đa cho các văn phòng làm việc trong tòa tháp này.
EVN Tower đã đạt giải Nhất loại hình “Tòa nhà mới và hiện có” của Cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng 2014 do Bộ Công thương và Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP. HCM tổ chức. Cuộc thi đã thu hút gần 100 công trình tòa nhà trên địa bàn cả nước tham dự, và Tòa nhà của Điện lực Việt Nam đã đươc tôn vinh cùng 12 tòa nhà khác tại lễ trao giải, diễn ra đầu vào năm 2016 vừa qua. |
Với việc EVN Tower được hoàn thành và đi vào sử dụng hiệu quả từ năm 2013 tới nay, thêm một lần nữa, TID lại khẳng định được uy tín hàng đầu của mình trong việc cung cấp và thi công mặt đứng kính cho các tòa cao ốc hiện đại. Việc sử dụng hệ kính hộp thương hiệu TID với khả năng cản nhiệt ưu việt và giải pháp Spider system cho tòa nhà EVN, TID group đã góp phần mang lại vẻ đẹp bền vững cả về chất lượng và thẩm mỹ cho công trình.
Mộc Cỏ Trần (TID Group) / ảnh nguồn: EVN
- Bồn tự hoại Septic Sơn Hà - sản phẩm an toàn với môi trường
- Yếu tố xanh nào cho các công trình vừa và nhỏ
- AkzoNobel cùng các đối tác phát triển công nghệ thiết bị bay tự động cho ngành công nghiệp hàng hải an toàn hơn
- Thiết kế phòng họp hình kén linh hoạt của MIT và Google
- Trải nghiệm nhà sinh thái - kiến trúc xanh của tương lai
- Xu hướng “xanh hoá” của kiến trúc thế giới
- Tòa nhà trụ sở chính của Siemens ở Munich: Đổi mới cấu trúc và giảm tiêu thụ năng lượng
- Nhìn lại thiết kế công trình Nhà Quốc hội
- Tòa nhà Cục Tần số Vô tuyến điện - Sự giao thoa giữa “Cũ” và “Mới”
- Bài toán lợi ích trong đầu tư công trình xanh