Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Công nghệ Xu hướng 7 kỳ quan hiện đại của công nghệ xanh

7 kỳ quan hiện đại của công nghệ xanh

Viết email In

Kiến trúc xanh xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới dưới mọi kiểu dáng và càng lúc càng sáng tạo, lý thú trong cách thể hiện. Nào là nông trại nhà chọc trời xanh, thành phố sinh thái nổi. Nào là tháp năng lượng mặt trời lấp lánh và những cao ốc sử dụng năng lượng tuôcbin gió. Rồi phải kể đến cả những cỗ máy thu gió trên cao để biến thành năng lượng. Những ý tưởng và cảm hứng tưởng chừng vô tận. Nhưng tận dụng tốt nhất các công nghệ xanh đang nổi dậy phải kể đến “bảy ông lớn kiến trúc xanh” sau đây: 

1. Dự án có tên Lilypad được xem là giàu trí tưởng tượng nhất trong bảy kỳ quan. Ý tưởng chủ đạo của dự án Lilypad là tạo ra một loạt “hòn đảo - thành phố” đa dạng về sinh thái, có khả năng tự duy trì trên mặt đại dương với sức chứa 50.000 cư dân mỗi đảo. Tại trung tâm của đảo là những hồ thu và lọc nước để sử dụng trong sinh hoạt. Khi mực nước tăng lên, đe dọa nhiều hòn đảo tự nhiên và các nơi cư trú khác trên địa cầu thì quần thể đảo nhân tạo Lilypad chính là nơi tị nạn cho những cư dân thế giới bị mất chỗ ở.



2. Ấn tượng nhất của Trung tâm thương mại thế giới mới (WTC) ở Bahrain chính là ba tuôcbin gió khổng lồ nằm giữa hai tòa tháp cấu thành tòa nhà chính. Mỗi tuôcbin sải cánh 24m này nhô ra khỏi cây cầu nối hai tháp. Hình dáng của tòa nhà tạo điều kiện tối đa cho gió đổ về và mạnh lên để biến thành năng lượng thắp sáng và sinh hoạt phục vụ tòa nhà. Đây cũng là công trình năng lượng gió lớn nhất gắn liền vào một tòa nhà trên thế giới.



3. Tuốc-bin gió MagLev (MagLev wind turbine) là bước tiến vượt bậc của công nghệ năng lượng gió. Bằng cách dùng từ tính để làm chuyển động những cánh quạt, việc ma sát sẽ bị loại bỏ, năng lượng sản xuất sẽ nhiều hơn mà không cần bất cứ kích thích nào khác vì từ tính không đòi hỏi năng lượng để vận hành.

Theo tính toán, một tuốc-bin gió MagLev tương đương với 1.000 quạt gió tiêu chuẩn như trong ảnh. Về mặt lý thuyết, MagLev có thể tồn tại trong nhiều thế kỷ và có thể cung cấp năng lượng cho 750.000 ngôi nhà so với 500.000 ngôi nhà của hệ thống quạt gió 1.000 chiếc. Nó chỉ chiếm diện tích 100 acre so với 64.000 acre của hệ thống quạt gió 1.000. Dù đầu tư ban đầu có thể lên đến hàng trăm triệu USD nhưng hiệu quả tuôcbin gió MagLev mang lại là vô cùng lớn.



4. Ngọn tháp mặt trời (solar tower) lóng lánh này trông giống như có trong Thánh kinh nhưng lại nằm ở vùng nông thôn Tây Ban Nha đầy nắng. Nó mọc lên tại tâm điểm của một quần thể tấm thép thu ánh nắng mặt trời để phản xạ đến cỗ máy trao đổi nhiệt (heliostat) nằm ở đỉnh tháp. Cỗ máy này sẽ biến năng lượng mặt trời quần tụ về thành hơi nước chứa trong những chiếc bồn kín dùng để vận hành mạng tuôcbin đủ sức sản xuất điện sinh hoạt cho 6.000 ngôi nhà.



5. Dù ý tưởng về các nông trại kết hợp nhà chọc trời tại đô thị (Urban skyscraper farms) vẫn còn là lý thuyết, nhưng chẳng bao lâu nữa chúng sẽ trở thành hiện thực khi các đô thị lớn đông dân cần được cung cấp thực phẩm ngay tại chỗ. Những bản thiết kế nông trại trên cao này đều có hệ thống tái chế nước cùng các phương pháp tự duy trì khác nhằm giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng xấu đến môi trường và tối đa hóa hiệu năng của nông trại. Tuy nhiên, do kích cỡ khá lớn chúng sẽ tốn nhiều tiền để xây dựng. Chính trở ngại này đã khiến các dự án nông trại trên cao phải tạm hoãn lại thêm một thời gian.



6. Thành phố sinh thái Dongtan ở Trung Quốc (Dongtan Eco-City) không chỉ là thành phố sinh thái đầu tiên được thiết kế trên thế giới mà còn là thành phố có thể tự duy trì về văn hóa, xã hội và kinh tế. Chiếm diện tích hơn 50 dặm vuông gồm hai khu đô thị và nông nghiệp, thành phố trông cậy vào gió và năng lượng mặt trời riêng của nó cùng chiến thuật canh tác hữu cơ tiên tiến. Vận tải công cộng trong thành phố sẽ không cho ra khí thải độc hại. Có thể nói đây là phiên bản mẫu của một thành phố sinh thái lớn hơn trong tương lai gần.



7. Tòa nhà chọc trời có tên Ngọn hải đăng (Lighthouse) cao hơn 300m được thiết kế sao cho việc tiêu thụ nước và năng lượng chỉ bằng phân nửa những tòa nhà cao bằng nó. Mục tiêu này đạt được là nhờ cách thiết kế tận thu năng lượng mặt trời và sử dụng kỹ thuật thu gom gió tốt nhất. Khả năng thu hồi nước và năng lượng nội tại cũng được tăng cường. Khi xây dựng xong, tòa nhà này sẽ là phiên bản cho mô hình thiết kế xanh tương lai tại các đô thị có mật độ xây dựng cao. 



LÊ TÂY SƠN (theo WebUrbanist)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo