ĐBSCL: Đua nhau phát triển khu công nghiệp

Thứ ba, 21 Tháng 6 2011 13:27 Pháp luật TPHCM Kinh tế / Pháp luật
In
Nhiều khu công nghiệp đang bị bỏ hoang nhưng các địa phương vẫn không ngừng xin xây thêm.

Theo thống kê của ngành công thương 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đến cuối năm 2010 toàn vùng đang có 74 khu công nghiệp (KCN) đã được phê duyệt với diện tích hơn 23.900 ha. Hầu hết các KCN này đang trong tình trạng bỏ hoang nhưng nhiều địa phương vẫn đua nhau lập quy hoạch phát triển thêm.

Xây KCN bằng mọi giá

Đã 11 năm qua, khu đất rộng hơn 73 ha nằm sát sông Tiền và sông Cổ Chiên thuộc ấp Tân Vĩnh Thuận, xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long bị bỏ hoang. Tại đây, từ năm 2000 tỉnh Vĩnh Long đã giải tỏa hơn 400 hộ dân cùng nhiều vườn cây ăn trái để lấy đất làm KCN Mỹ Thuận, xây Nhà máy bia Sài Gòn - Vĩnh Long (quy mô 45 ha) và Trung tâm Dịch vụ công nghệ cao. Tuy nhiên, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long, đồng thời là người phát ngôn của UBND tỉnh, cho biết dự án Trung tâm Dịch vụ công nghệ cao đã phá sản, còn nhà máy bia thì mãi đến quý III-2009, chủ đầu tư mới làm lễ khởi công, sau đó bỏ đất trống cho đến nay.
Dù nhiều KCN còn bỏ đất hoang nhưng tới năm 2009, UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục có tờ trình đề nghị Thủ tướng cho xây thêm năm KCN với tổng diện tích hơn 1.900 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 5.400 tỉ đồng. Để tăng sức thuyết phục của tờ trình, tỉnh Vĩnh Long “mạnh dạn” xác định năng suất lúa trên đất nông nghiệp ở các khu vực quy hoạch mở KCN thấp hơn năng suất lúa bình quân toàn tỉnh. Tổng sản lượng lúa bị mất chỉ khoảng 12.436 tấn/năm, không ảnh hưởng nhiều đến tổng sản lượng lúa và an ninh lương thực cả tỉnh.

Cuối tháng 3-2010, được sự phê duyệt của Thủ tướng, tỉnh Vĩnh Long khởi công xây dựng hạ tầng KCN Hòa Phú 2 rộng hơn 137 ha thuộc xã Hòa Phú, huyện Long Hồ. Thế nhưng đến nay, dự án này vẫn còn những đám ruộng lúa xanh mượt.

Đua nhau lấy đất nông nghiệp

Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, nhiều tỉnh ĐBSCL đang nôn nóng phát triển công nghiệp nên ào ào phá ruộng lúa, vườn cây để quy hoạch KCN. Nhiều nhà khoa học cũng cảnh báo: Vựa nông thủy sản lớn nhất nước sẽ nguy ngập vì phong trào xây dựng KCN, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

Bất chấp các lời cảnh báo trên, nhiều tỉnh ĐBSCL vẫn phát triển KCN bằng mọi giá. Tại Đồng Tháp, trong lúc KCN Trần Quốc Toản (TP Cao Lãnh) còn nhiều đất bỏ hoang thì tỉnh này tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích KCN lên 2.730 ha (trong đó xây mới bốn KCN với tổng diện tích khoảng 1.750 ha). Tỉnh Bến Tre cũng đang quy hoạch xây dựng thêm KCN Phú Thuận (230 ha), mở rộng KCN An Hiệp; thành lập năm KCN mới. Tại Hậu Giang, đến tháng 5-2011, hai KCN Sông Hậu - Tân Phú Thạnh (400 ha) vẫn đang trống hoác nhưng tỉnh này vẫn sẽ tiếp tục mở rộng KCN Sông Hậu giai đoạn hai thêm 540 ha. Trong khi đó, tại Long An, Tiền Giang, hàng ngàn hecta đất rừng phòng hộ ven biển Đông và sông Soài Rạp cũng được mạnh tay phá bỏ để làm KCN.

TS Võ Hùng Dũng cảnh báo: Thực tế cho thấy đất đai tại các KCN ở ĐBSCL đang lãng phí vì bỏ hoang hoặc bị nhà đầu tư, các đại gia “xí phần” rồi để đó. Hiệu quả thu hút đầu tư cũng rất thấp, ít dự án đầu tư nước ngoài và thiếu các dự án chiều sâu về chế biến lương thực, thực phẩm (lĩnh vực ĐBSCL đang rất cần). Theo ông Dũng, các tỉnh ĐBSCL phải lập tức rà soát quy hoạch KCN, cân nhắc nhu cầu thu hút đầu tư và lĩnh vực ưu tiên đầu tư, kiên quyết từ chối những dự án gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường.

HÙNG ANH

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: