Sức mạnh của thiên nhiên luôn vô địch, con người luôn bị động và tìm ra những ứng phó nhỏ nhoi, yếu đuối trước thiên nhiên... Tôi lại liên tưởng tới những vùng đồng bào dân tộc - nơi có những cánh đồng lúa được xếp tầng bậc thang đẹp như mơ...
Theo lịch sử thì canh tác trồng lúa nước đã hình thành từ ngàn năm trước của dân tộc Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ (châu thổ sông Hồng)... Ngược dòng thời gian thì canh tác trồng lúa nước trên ruộng bậc thang của các dân tộc miền núi đã ra đời trước. Những khu vực ruộng bậc thang ở các tỉnh: Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang,... đã trở thành những địa điểm quan tâm của khách du lịch trong và nước ngoài, những nhà nông lâm nghiệp học, nhiếp ảnh, hội họa, nhà văn, nhà thơ đã đến những địa danh nơi đây vào mùa lúa chín, vào những ngày nước đổ cho mỗi vụ trồng lúa... Khung cảnh ấy đã tự vẽ thành những bức tranh phong cảnh phong phú của nhiều dân tộc thiểu số là tác giả của những tác phẩm tuyệt vời ấy.
(Ảnh: Bùi Thiên Mai)
Có một thời gian nào đó, bạn có suy nghĩ là các dân tộc ở vùng núi này, đã xây dựng, canh tác trên ruộng bậc thang rất khoa học và hợp lý cả về địa lý lẫn thời tiết... Từ đó để thật hiểu sâu sắc về sự phụ thuộc vào thiên nhiên và cái đói nghèo còn bám đuổi nơi đây. Tôi đã có dăm lần thời gian qua lại vùng núi cao có nhiều dân tộc thiểu số cư ngụ, nguồn sống duy nhất là trồng lúa, trồng các cây hoa màu trên nương rẫy, đặc biệt là trồng lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang mà đa số mang hình vầng trăng khuyết...
Những thửa ruộng bậc thang không phải tự nhiên mà có, mà phải suy nghĩ, tính toán sau đó đem sức lao động cùng công cụ, đổ mồ hôi xây dựng nên. Sự chọn lựa đầu tiên là chọn các khe nước, có nguồn nước ổn định và vị trí khe nước này có địa hình phù hợp để dẫn nước chảy vào những thửa ruộng bậc thang đầu tiên (đây có thể hiểu là bậc thang đầu tiên, rồi tịnh tiến lùi dần xuống chân núi, chân đồi là những ruộng bậc thang tiếp theo...
Thực tế có đến hàng trăm nấc ruộng bậc thang). Về nguyên tắc bờ ruộng bậc thang chỉ cao ngang ngực người lớn, bờ càng cao thì sườn núi càng dốc, bề ngang thửa ruộng sẽ hẹp, nếu để ý thì sẽ nhận biết bờ ruộng bậc thang càng gần đỉnh núi thì bờ cao dần, còn gần chân núi thì bờ thấp dần và chiều rộng mặt ruộng củng nở dần...Mặt ruộng bậc thang phẳng cùng một cao độ (đồng mức) nên có những thửa ruộng bậc thang chỉ rộng từ 0,5 mét đến khoảng 10 mét mà có chiều dài hàng 100 mét bao quanh phần lớn một quả núi, đồi... Về tưới tiêu nước cho ruộng bậc thang là sự kết hợp tự nhiên và óc sáng tạo, kinh nghiệm của con người đã xây dựng, giữ gìn từ đời nay sang đời khác. Đầu tiên là bờ giữ nước và là điểm tựa vững vàng cho cả thể tích một thửa ruộng, trên thực tế chúng là một liên kết nguyên thủy của đất cấu tạo lên núi, đồi là cơ sở hạ tầng của ruộng bậc thang. Đầu tiên, người ta đào đất thân núi, đồi hạ dần độ cao xuống thành mặt bằng như nền nhà, nền sân, tiếp theo khoét mặt ruộng xuống, chừa lại vòng bờ bao quanh có chiều cao khoảng 0,35 mét, chiều ngang bờ vào khoảng 0, 3 mét (dài hơn bàn chân người lớn một chút), còn chiều dài phụ thuộc vào đồng độ cao của mặt ruộng theo địa hình núi, đồi – nơi đặt nền móng cho ruộng bậc thang.
(Ảnh: Công Phạm)
Sau đó dùng dụng cụ cuốc, cày và giúp sức của động vật như trâu, bò, con người đã làm tơi mặt ruộng, tiếp đến dẫn nước có độ ngập trên mặt ruộng khoảng 0,1 mét, rồi dùng bừa cho tơi đất như bùn, sau đó là cấy những cây mạ là tiền thân của cây lúa. Còn xây dựng bờ ruộng bậc thang ở vùng đá sỏi thì hoàn toàn dựa vào bờ đá nơi ruộng bậc thành có khả thi, sau đó người ta dùng đất sét bịt kín các khe hở bờ đá để không cho nước rò rỉ. Công việc dẫn nước vào các ruộng bậc thang rất khoa học áp dụng nguyên lý bình thông nhau. Nước từ khe suối chảy vào ruộng bậc thang đầu tiên có một độ dốc rất nhỏ khoảng 0,1%, sở dĩ phải ở độ dốc này là khi nước chảy qua ruộng sẽ không gây ra bào mòn mất chất mầu mỡ của ruộng. Khi nước vào đủ chiều cao nước thì thông qua một cửa tràn (đối với các thửa ruộng nhỏ có diện tích một, hai mét vuông thì người ta dùng ống tre, nứa làm cống thông nhau) được sẻ qua bờ để chảy xuống ruộng bậc thang bên dưới...
Và cứ như vậy cho đến thửa ruộng bậc thang cuối cùng với cửa xả ra dòng khe suối, hoặc suối dưới chân núi, đồi. Công việc điều tiết tưới tiêu khoa học nên hầu như canh tác ruộng bậc thang không bao giờ bị úng, lụt. Với địa hình, địa mạo và cấu trúc như thế, người dân tộc ở những nơi đây không dùng bón phân hóa học, thuốc trừ sâu,... cho cây lúa; hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Về vụ chiêm họ dùng thân rạ sau khi gặt để lại làm phân bón cho vụ mùa bằng cách cày nhấn chìm rạ, rạ tự hoại trong nước ruộng thành phân bón, về vụ mùa thì dùng lửa đốt rạ thành than để làm phân bón cho vụ chiêm.
(Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)
Đặc biệt phụ thuộc vào thời tiết nhất là nguồn nước tưới cho lúa và hoa mầu, nếu thời tiết khắc nghiệt hạn hán kéo dài đồng nghĩa với mất mùa... Nên đói nghèo luôn bám rễ nơi đây. Cộng hưởng với đói nghèo là do diện tích ruộng bậc thang đã đạt tới tối đa, không thể mở mang được diện tích thêm hơn nữa, trong khi đó dân số tăng cao, cần thêm diện tích ở, cần thêm gạo để ăn!
Chính vì những lý do thực tế này, nhiều sắc tộc thiểu số đã di cư dọc theo biên giới Việt – Lào vào đến tận Tây Nguyên. Tin tưởng sự di cư này họ sẽ đem theo bản sắc của dân tộc mình cùng kỹ năng xây dựng và canh tác ruộng bậc thang... đã gắn kết hữu cơ với sự tồn vong của chính dân tộc họ!
Minh Nguyên
(Người Hà Nội / Ảnh nguồn: Zing.vn)
- Đà Nẵng sẽ kẹt xe, ngập nước như Hà Nội và TP.HCM trong 10 năm tới?
- Chờ đợi 'phố Gầm Cầu' Hà Nội
- Cứu lấy cái đẹp hiền hòa và khiêm nhường
- Đặc khu kinh tế đang mất dần lợi thế?
- Hà Nội: Sống thấp thỏm trong những khu tập thể “chờ sập”
- Luật Thủ đô bị 'vô hiệu' bởi nén chung cư
- Đâu mới là di sản?
- Minh bạch trong quy hoạch
- Khi đô thị bỏ quên ký ức
- Những công trình làm nên kiến trúc đô thị Sài Gòn