Luỵ đò tìm chữ giữa đô thị

Thứ năm, 06 Tháng 12 2012 18:09 SGTT
In

Nằm ngay cạnh những cao ốc sang trọng của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nhưng gần 400 cư dân sinh sống tại ấp 3, ấp 4 xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM vẫn còn bị cô lập bởi bốn bề sông nước. Dù những năm gần đây đời sống của người dân hai ấp có được cải thiện, thế nhưng ước mơ có một cây cầu bắc qua kênh Cây Khô vẫn chưa thành hiện thực... 

Luỵ đò… tìm chữ 


Nằm ngay cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nhưng gần 400 cư dân ấp 3, ấp 4, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM vẫn bị cô lập bởi bốn bề sông nước. 

Tranh thủ khi bọn trẻ đang lên lớp, ông Nguyễn Văn Bé cùng ba người con sửa chữa lại chiếc ghe để đưa học sinh qua sông. Hơn 60 năm làm nghề đưa đò ở khúc sông này, ông Bé cho hay khách hàng chủ yếu của ông là người dân ở ấp 3, ấp 4: “Phí qua đò của mấy bà đi chợ, tui thu 3.000 đồng/lượt, riêng các cháu học sinh, tui chỉ thu 1.000 đồng. Những đứa có gia cảnh khó khăn, tui không lấy tiền”. Theo ông Bé, công việc của ông êm đềm như dòng kênh Cây Khô này, tuy nhiên, cách đây chừng gần chục năm, ông tưởng mình phải chuyển nghề vì nghe nói dự án xây cầu đã được duyệt. Ông Bé cho biết: “Nếu có cây cầu bắc qua con kênh này, tui sẽ bị mất cần câu cơm, nhưng bù lại, tụi nhỏ sẽ đỡ cực, đời sống của người dân sẽ khá lên vì không còn bị cách trở”. 

Theo ông Bé, đời sống của người dân ở đây còn vất vả do giao thông chưa thuận tiện, mặc dù mang tiếng là đang ở thành phố. Băng qua một con đường nhỏ, chúng tôi gặp ông Sáu Bình đang vội vã cắt mớ rau muống dành cho bữa cơm chiều. Khi chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống của người dân nơi đây, ông Sáu Bình cho biết bây giờ có điện, có đường, có nước sạch, người dân đã bớt khổ, nhưng vì đò ngang cách trở, cuộc sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Chỉ tay về phía bờ bên kia với những toà nhà cao ngất, còn bên này sông vẫn bạt ngàn lau sậy, dừa nước, những ruộng lúa bỏ hoang, ông Sáu Bình nói: “Ước mơ lớn nhất của tui là trước khi nhắm mắt tui sẽ không còn thấy cảnh tụi nhỏ hàng ngày phải đi học bằng đò”. 

Ước mong xây thêm chiếc cầu 

“Hàng ngày đi đò mà không mặc áo phao như vậy em có sợ không?”, tôi hỏi. “Em không sợ vì quen rồi!”, bé Hải, học sinh lớp 4 trường tiểu học Bùi Thanh Khiết trả lời hồn nhiên. Em Hải cho biết em mong ước một ngày nào đó em được đạp xe đến trường mà không phải chờ đò nữa. 

Chủ tịch UBND xã Phước Lộc Nguyễn Tấn Tài, cho biết mong muốn lớn nhất của ông là không phải đi vận động doanh nghiệp, các mạnh thường quân tài trợ áo phao cho học sinh qua sông nữa. Hàng ngày, có khoảng 300 học sinh từ ba trường tiểu học tới trung học phải qua sông ít nhất hai lần, nhưng chỉ mới có 20% các em được trang bị áo phao. Theo ông Tài, cả xã hiện nay có gần 40.000 dân; trong những năm gần đây, dù đã cố gắng đầu tư cho hạ tầng, nhưng xã vẫn bị chia cắt bởi hai bến đò Bảy Bé và bến đò ấp 4. Hiện nay, cầu Phú Lộc 1 đang được thành phố đầu tư xây dựng 300 tỉ đồng, nhưng muốn đời sống của cư dân địa phương này không còn bị cách trở, thành phố cần phải đầu tư xây dựng thêm một chiếc cầu bắc qua kênh Cây Khô. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy thành phố cho triển khai xây chiếc cầu này. 

Ông Tài cho biết mang tiếng là xã có vị trí đẹp nhất của huyện Nhà Bè khi nằm sát với trung tâm thành phố, chỉ cần đi xe năm phút là tới đường Phạm Hùng của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng nhưng vì bị sông ngòi chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nên đời sống của người dân trong xã so với các xã khác thì không bằng, dù kinh tế của xã có những chuyển biến nhất định. Ông Tài dẫn chứng, hiện tại xã đã phủ kín quy hoạch 1/2000, nhiều dự án lớn cũng đã được thuận địa điểm, nhưng vì giao thông cách trở, nên chưa có dự án nào được triển khai. 

Gương mặt của vị chủ tịch xã trẻ tuổi này trở nên tươi tỉnh khi chúng tôi đề cập đến chương trình xây dựng nông thôn mới mà thành phố đang triển khai. Ông Tài rút trong hộc bàn xấp hồ sơ khoe: “Xã Phước Lộc vừa có tên trong năm xã được thành phố cho thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2. Chúng tôi hy vọng Phước Lộc được chọn là xã điểm của chương trình để hạ tầng giao thông trong xã và giữa xã với bên ngoài được gắn kết liền mạch, học trò trong xã không phải luỵ đò tìm chữ nữa...” 

An Vũ Nguyên 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: