Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Góc nhìn Phú Quốc: Tham vọng quá lớn

Phú Quốc: Tham vọng quá lớn

Viết email In

Tỉnh Kiên Giang đã có kiến nghị đến Chính phủ, đề nghị áp dụng các cơ chế, chính sách để phát triển hòn đảo Phú Quốc thành một đặc khu kinh tế - hành chính, trực thuộc trung ương vào năm 2020. Nếu kiến nghị được chấp thuận, vị thế của Phú Quốc chắc chắn sẽ được nâng cao trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.  

Không thể phủ nhận những thế mạnh của Phú Quốc. Hòn đảo lớn nhất Việt Nam này có diện tích 56.500 ha với các bãi biển đẹp và khá hoang sơ, cùng với nguồn tài nguyên vô giá là rừng nhiệt đới. Do đó, Phú Quốc có tiềm năng phát triển những khu du lịch sinh thái, khu giải trí như casino. Thậm chí nơi đây còn được đánh giá có tiềm năng trở thành một Phuket của Việt Nam. Năm 2010, Phú Quốc cũng từng được đài truyền hình Mỹ CNN bầu chọn là 1 trong 4 điểm du lịch biển đầy hứa hẹn ở châu Á. 


Phú Quốc 

Chỉ có mỗi lợi thế về du lịch chưa đủ để biến Phú Quốc trở nên quá đặc biệt để phát triển thành một đặc khu kinh tế - hành chính. 

Rõ ràng, Phú Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển về kinh tế lẫn xã hội và việc Nhà nước đã đầu tư khá nhiều vào cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay đã nói lên điều ấy. 

Tuy vậy, việc yêu cầu được đầu tư phát triển là một chuyện, nhưng xin được trở thành một đặc khu kinh tế - hành chính, trực thuộc Trung ương là một chuyện hoàn toàn khác, bởi vị thế và đặc điểm của mỗi một đặc khu là rất khác nhau. 

Hiện tại, có 2 đặc khu kinh tế hành chính nổi tiếng trên thế giới là Hồng Kông và Macao của Trung Quốc. Đây là những mô hình mà các nhà làm chính sách có thể tham khảo để đưa ra quyết sách đúng về Phú Quốc. 

Hồng Kông từ lâu đã là một trung tâm kinh tế tài chính của thế giới, còn Macao là một địa điểm casino và du lịch nổi tiếng ở châu Á. Trên thực tế, cả 2 đều có nền kinh tế phát triển ngay cả trước khi trở thành đặc khu. Do đó, chưa chắc việc trở thành đặc khu đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 lãnh thổ này. 

Ngoài ra, việc thành lập 2 đặc khu này có một phần quan trọng đến từ lịch sử cũng như tính tự trị cao của họ so với phần còn lại của đại lục Trung Quốc. Điều 31 trong Hiến pháp Trung Quốc quy định những đặc khu này thuộc về Trung Quốc, nhưng trên thực tế cả 2 đều có hệ thống quản trị riêng, người lãnh đạo riêng và cả hệ thống luật pháp riêng.

Họ còn có đặc điểm chính trị riêng: đều là thuộc địa của các nước phương Tây trước khi trao trả lại cho Trung Quốc. Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 còn Macao được Bồ Đào Nha trao trả vào năm 1999. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến 2 lãnh thổ này cả về mặt chính trị lẫn xã hội. Vì vậy, có thể việc thành lập đặc khu kinh tế - hành chính là phù hợp đối với Hồng Kông và Macao.

Nếu so sánh với 2 địa điểm nổi tiếng trên, có thể nói Phú Quốc chỉ mới có lợi thế về du lịch. Như thế là chưa đủ để biến Phú Quốc trở nên quá đặc biệt để trở thành một đặc khu, cần có một nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về các chính sách phát triển tại đây.

Hơn nữa, trong khi hiệu quả kinh tế vẫn chưa rõ ràng thì có một điều dễ nhận thấy từ bản kiến nghị của Phú Quốc là địa phương này đã ngay lập tức đòi hỏi ưu đãi khá nhiều từ Trung ương. Cụ thể, Phú Quốc muốn được bố trí trước mắt thêm 4.500 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ, 2.500 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu để xây dựng các tuyến đường trên đảo, cộng thêm 1.600 tỉ đồng vốn hỗ trợ tái định cư từ nay đến năm 2015.

Không chỉ vậy, Phú Quốc còn muốn Chính phủ ban hành một loạt các chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư khách sạn, vui chơi, giải trí, kinh doanh casino, trung tâm thể thao quốc tế, thành lập khu kinh tế ven biển Phú Quốc và cả các chính sách ưu đãi về thuế, nhà ở, đất ở và tài chính khác, cũng như mở rộng thêm các cơ quan tổ chức hành chính và đầu tư thêm vào nguồn nhân lực hiện có.

Một điểm quan trọng khác nữa là kiến nghị cho phép kiều bào nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất trên đảo Phú Quốc, đồng thời cho phép người nước ngoài thường trú tại Việt Nam và các chủ đầu tư nước ngoài được mua nhà và thuê đất tại hòn đảo này.

Những phân tích ở trên cho thấy, để biến Phú Quốc trở thành một đặc khu, Nhà nước cần phải chỉnh sửa nhiều, từ những chính sách đầu tư cho đến những luật lệ riêng cho phù hợp với đặc điểm của khu vực. Thậm chí, cơ quan lập pháp còn phải chỉnh sửa lại Hiến Pháp vì hiện tại, hệ thống các đơn vị hành chính nước ta chưa có một khái niệm gì về một đơn vị hành chính như đặc khu kinh tế - hành chính.

Ở một khía cạnh khác, một câu hỏi đặt ra là việc nâng cấp ồ ạt như thế sẽ mang lại lợi ích cho những ai, người dân trên đảo hay cho một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư đã lỡ đặt chân lên mảnh đất này, đặc biệt khi giá bất động sản chắc chắn sẽ nhảy vọt nếu Phú Quốc được biệt đãi. “Tính đến nay, tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư trên 200 dự án tại đảo Phú Quốc”, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi cho biết.

Và đó còn là vấn đề bảo tồn thiên nhiên với những khu sinh thái vẫn còn hoang sơ và giá trị như rừng quốc gia Phú Quốc. 

Phú Quốc có khá nhiều điểm giống với Phuket của Thái Lan, thậm chí là Bali của Indonesia. Đây đều là những hòn đảo du lịch tuyệt đẹp nhưng không cần phải trở thành một đặc khu trực thuộc trung ương mới có thể phát triển.

Ngoài ra, nếu kiến nghị của Phú Quốc được chấp thuận, liệu những địa điểm nổi tiếng khác như Nha Trang, Mũi Né, Đà Nẵng, Vịnh Hạ Long… có bắt chước theo và lúc đó, liệu Việt Nam sẽ bị phân mảnh như thế nào?

Do đó, điều cần thiết có thể hỗ trợ Phú Quốc là cung cấp cho nó một cơ sở hạ tầng hiệu quả cũng như một cơ chế quản lý hành chính tinh gọn để phát triển, hơn là ban phát cho khu vực này một quyền lực và một vị trí quá lớn trong hệ thống hành chính Việt Nam. 


Phuket (Thái Lan) 


Bali (Indonesia) 

Sơn Thanh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo