Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Hồ Tây giờ còn một chủ!

Hồ Tây giờ còn một chủ!

Viết email In

Sau rất nhiều năm bị quản lý theo kiểu "cha chung không ai khóc", từ ngày 25/1/2010, hồ Tây đã có “chủ” đích thực, đó là Ban Quản lý hồ Tây trực thuộc UBND quận Tây Hồ do đích thân Chủ tịch UBND quận làm trưởng ban. Hy vọng cái hồ có diện tích lớn nhất Hà Nội và có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều hòa không khí cho thủ đô sẽ được quản lý tốt hơn…

I - Hồ Tây không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng mà nó còn chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ...

Gắn với lịch sử ngàn năm của Hà Nội, hồ Tây đã lưu giữ và tạo nên những giá trị cả thiên nhiên lẫn lịch sử, văn hóa mà không hồ nào có được. Quanh hồ có tới 64 di tích, trong đó có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng và nhiều văn vật giá trị: 102 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá...

Nói đến hồ Tây là phải nhắc đến các làng cổ ven hồ: Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ "Bà huyện Thanh Quan" với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo; làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng. Làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh. Làng Thụy Khuê có chùa Bà Anh. Làng Nhật Tân từng một thời dinh đào nổi tiếng.

Rồi làng giấy dó, trồng quất, trồng đào, mai trắng, tạo cây thế, trồng hoa, nuôi cá cảnh... Người xưa đã từng tôn vinh cảnh đẹp của hồ Tây là: Rừng trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, đền thờ Đồng Cổ (trống đồng), Phật say làng Thụy Chương, chim Sâm Cầm rợp bóng, chợ đêm làng Khán Xuân, tiếng đàn hành cung (chúa Trịnh), đường hoa Nghi Tàm...

Không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, với diện tích 526 ha mặt nước, chu vi gần 18km, hồ Tây còn là một lá phổi điều hòa không khí cho thủ đô.

II - Nhưng, cùng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt của thủ đô, những làng cổ ven hồ xưa giờ đều đã thành phường. Xung quanh hồ Tây giờ đã trở thành "làng Tây" với vô vàn biệt thự cho Tây thuê. Và khi tấc đất ở các làng Thụy Khuê, Nghi Tàm đều đã trở thành "tấc vàng" thì chuyện lấn chiếm bằng đổ đất lấp hồ cũng là điều bình thường. Có người đã ước tính từ năm 1987 tới nay, hồ Tây đã bị lấn chiếm khoảng 50ha.

Không biết con số này chính xác tới đâu nhưng có một điều rõ ràng là từ nhiều năm qua, trước khi có công trình hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây thì chuyện người dân ở quanh hồ đóng cọc, đổ đất lấn chiếm mặt hồ là chuyện khá phổ biến. Không những thế, hàng nghìn chiếc cọc tre lớn, nhỏ  tự ý cắm xuống hồ làm chỗ câu trộm cá đang trở thành những chiếc bẫy nguy hiểm.

Cùng với bị lấn chiếm, xâm phạm không gian cảnh quan vì những tòa nhà bê tông quanh hồ, từ nhiều năm nay, hồ Tây còn bị "đầu độc" bởi rác và nước thải từ các khu dân cư của 7 phường xung quanh hồ và hàng trăm nhà hàng, khách sạn, quán nhậu ở xung quanh và trên mặt hồ xả xuống. Chỉ tính riêng năm 2007, Xí nghiệp hồ Tây đã nhổ trên 1.900 chiếc cọc, vớt 800m3 bèo và hàng nghìn mét khối rác ở hồ Tây.

Mỗi ngày, hồ Tây đang phải tiếp nhận 4.000m3 nước thải và sinh hoạt, hàm lượng amoniac trong nước tới 1,5mg/lít, gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép.

Vì thế mà cách đây không lâu, sau khi tổ chức nghiên cứu bài bản, Trường đại học Y Hà Nội đã đưa ra một kết luận gây sốc rằng thủy sản được nuôi ở hồ Tây, hồ Trúc Bạch là bẩn nhất, ô nhiễm nhất Hà Nội.

Sở dĩ hồ Tây bị xâm phạm dưới nhiều hình thức khác nhau một phần do quản lý chồng chéo. Nhiều năm qua, có tới 5 cơ quan cùng tham gia quản lý hồ Tây: UBND  quận Tây Hồ quản lý dân cư trên địa bàn ven hồ, Sở Giao thông vận tải quản lý các phương tiện giao thông thủy trên hồ như du thuyền; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý nuôi trồng và khai thác; Sở Công thương cấp phép kinh doanh  cho các dịch vụ; Sở Tài nguyên - Môi trường  quản lý môi trường. Chính việc quản lý theo kiểu "năm cha ba mẹ" như vậy mà hồ Tây rơi vào cảnh "cha chung không ai khóc".

Vì vậy mà tháng 9/2009, sau rất nhiều lần bàn thảo, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế về quản lý hồ Tây. Theo quy chế này, trách nhiệm quản lý hồ Tây (với phạm vi quản lý gồm mặt hồ, lòng hồ, đường, hè, cây xanh quanh hồ và   hạ tầng   trên phạm vi đường hè xung quanh hồ) được giao cho UBND quận Tây Hồ.

Quận có trách nhiệm thống nhất quản lý bền vững khu vực hồ Tây, để đưa ra các biện pháp hỗ trợ bảo vệ môi trường khu vực. Phối hợp với Sở NN&PTNT thống nhất về các chủng loại thủy sản được phép nuôi trồng và khai thác tại hồ. Thống nhất quản lý, điều phối việc khai thác và sử dụng mặt nước Hồ Tây...

III - Hồ Tây mai này sẽ ra sao? Theo ông Nguyễn Phúc Quang, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - Trưởng ban Quản lý hồ Tây, Ban có tới 15 nhiệm vụ, đó là giúp UBND quận Tây Hồ thực hiện quản lý Nhà nước trong khu vực quản lý hồ Tây về trật tự an ninh, trật tự xây dựng đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, vệ sinh môi trường, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí; quản lý di tích văn hóa; quản lý việc nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Ngoài ra, Ban còn có nhiệm vụ tham mưu cho UBND quận Tây Hồ thực hiện phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố và các cơ quan khác có liên quan trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phát triển bền vững khu vực hồ Tây theo quy định cũng như tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ đối với việc bảo tồn, phát triển các loài thủy sản, động vật, thực vật tự nhiên tại hồ Tây... (có lẽ vì thế mà lãnh đạo của Ban, ngoài ông Chủ tịch UBND quận vốn xuất thân từ Công an, thì 2 trong số 3 phó ban trước đó từng là cán bộ thanh tra xây dựng và quản lý thị trường).

Vậy là hồ Tây đã có “chủ” đích thực, mọi khúc mắc về cơ chế đã được khắc phục. Nhưng hồ Tây có được bảo vệ và phát huy mọi giá trị về lịch sử - văn hóa - kinh tế như đáng ra đã phải làm từ rất lâu rồi hay không? Hãy chờ và hy vọng!

Nguyễn Thiêm - ảnh minh họa : Ashui.com

[ Chuyên đề : Sông hồ Hà Nội

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo