Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Tương tác Góc nhìn Nhà cổ Hội An: Lưu giữ dấu xưa

Nhà cổ Hội An: Lưu giữ dấu xưa

Viết email In

Hội An, khu phố cổ đẹp nhất miền Trung đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999. Hội An có những con phố hẹp, dài với những căn nhà cổ vài trăm năm tuổi nhưng nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa lũ, người dân sống trong những căn nhà cổ ở Hội An lại nơm nớp lo sợ ngôi nhà xưa này có thể sập bất cứ lúc nào. Vì sao không trùng tu các căn nhà cổ quý ấy?

“Sống trong sợ hãi”

Tính đến thời điểm cuối tháng 10-2008, Hội An phải căng lưng đối đầu với 5 trận lũ, trong đó trận lũ ngày 13 đến 17-10 vừa qua, nước dâng cao hơn 1 mét ở khu phố cổ  Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú. Nhiều ngôi nhà cổ với hàng trăm năm tuổi vốn đã xuống cấp nay lại càng rệu rã hơn khi phải ngâm trong nước. Những cây cột chống đỡ cho căn nhà đã xiêu vẹo bởi chân cột đã mục. Những mái ngói âm dương rêu phong đè nặng lên những rui mè, đòn tay đã oằn mình vì sức nặng của thời gian. Không chỉ chủ nhà mà ai cũng hiểu những căn nhà cổ kia có thể sập bất cứ lúc nào.


Phố cổ Hội An trong lũ (2007)

Cuối tháng 10 -2008, khi miền Trung phải “đón” cơn lũ thứ 5, chúng tôi đến Hội An và tìm đến gia đình ông Trần Văn Sung (64 tuổi) với 11 người cả con cháu, dâu rể sống trong căn nhà cổ số 96 đường Bạch Đằng.

Mái ngói đã cũ nát, gia đình ông Sung phải che bạt để tránh nước mưa mới ngủ được. Những mái kèo bị gãy, cột bị mục đứt chân khiến mọi người chỉ lo nhà sập đè chết người, nhất là khi mùa lũ như thế này. Gia đình ông Sung đã phải dùng cây gỗ chèn, chống tạm bợ cho căn nhà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sung cho biết - Theo thiết kế và tính toán của Trung tâm Bảo tồn di tích Hội An, để trùng tu căn nhà này phải mất hơn 200 triệu đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 45%, còn lại gia đình đóng góp. “Nhưng gia đình tui buôn bán nhỏ như ri thì lấy đâu ra số tiền lớn hàng trăm triệu để góp với nhà nước mà sửa nhà?

Hiện nay gia đình tui đang chạy vay mượn tiền để trùng tu cho đỡ sợ”, ông Sung nói giọng lo lắng. Ngoài căn nhà số 96 Bạch Đằng của ông Trần Văn Sung còn có căn nhà số 5 đường Nguyễn Thái Học của gia đình bà Châu Thị Dung, nhà số 10 đường Nguyễn Thái Học của gia đình ông La Gia Hồng cũng lâm vào cảnh xuống cấp trầm trọng và gia cảnh khó khăn như gia đình ông Sung. Sau cơn lũ ngày 17-10 vừa qua, căn nhà cổ 3 gian (ở số 10 đường Nguyễn Thái Học) đã xuống cấp trầm trọng khi 1/3 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn.

Cây cột trước nhà bị nước lũ làm “đứt ngang” vừa được nối lại bằng nhiều mảnh gỗ khác nhau. Ngoài phần ngói phía nhà trước còn có vẻ tươm tất thì phần ngói phía nhà sau đã xộc xệch đến nỗi có thể thấy trời xanh, dù đang ngồi trong nhà. Theo Trung tâm bảo tồn di tích Hội An (TT BTDT HA), để trùng tu căn nhà này cần 500 triệu đồng, nhà nước sẽ hỗ trợ 55% kinh phí, phần còn lại do gia đình đóng góp. Để có thể được sống bình an trong căn nhà đã có từ nhiều đời qua, gia đình này đã phải vừa vay mượn vừa cầm sổ đỏ để có tiền trùng tu căn nhà ba gian vốn rất đẹp này.

Nghịch lý trùng tu

Còn nhớ, mùa lũ năm 2004, căn nhà cổ số 48 đường Bạch Đằng đã bị sập hoàn toàn kéo theo 4 căn nhà bên cạnh bị hư hỏng nghiêm trọng. Cũng từ đây, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thị xã Hội An (nay là UBND thành phố Hội An) đã xây dựng đề án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích Hội An” trình Chính phủ với danh sách 82 ngôi nhà cổ cần được trùng tu khẩn cấp, trong đó có 52 căn của tư nhân, 30 căn của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong 4 năm qua, nhiều căn nhà vẫn không thể trùng tu được. Nguyên nhân gây ách tắc lộ trình trùng tu phố cổ là do vướng mắc khâu thẩm định 52 căn nhà tư nhân. Đến nay, chỉ có 50% chủ các nhà cổ (tư nhân) đồng ý trùng tu. Trong 50% nhà còn lại có 26 căn nhà cổ thuộc diện cần “tu bổ khẩn cấp” mà chủ nhân không đồng ý hoặc không có khả năng tài chính khiến việc trùng tu gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc TT BTDT HA cho biết: Một trong nhiều nguyên nhân khiến quá trình trùng tu nhà cổ tư nhân gặp khó khăn là do sự sở hữu không rõ ràng, đặc biệt là các nhà thờ tộc với nhiều chủ cùng sở hữu.

“Giao tiền của tui để sửa nhà của gia đình tui cho người khác quản lý, vậy sao được ?”. Hàng chục chủ nhân các ngôi nhà cổ đã nói thế.



Nguy cơ “hiệu ứng đô-mi-nô”

Một số nhà nghiên cứu về Hội An lo lắng: việc trùng tu nhà cổ ở Hội An hiện nay cần phải cân nhắc kỹ, nếu không thì nguy cơ sụp đổ hàng loạt nhà cổ sau khi trùng tu một vài căn nào đó là khó tránh khỏi. Theo kết cấu xây dựng nhà ở phố cổ Hội An ngày xưa là “xông liền xông, mái liền mái” (“xông” là “bức tường” theo cách gọi của người Quảng Nam).

Chính nhờ kết cấu ấy mà các nhà cổ Hội An có thể chống chọi được với lũ bão nhiều năm qua. Một điều khiến những nhà nghiên cứu và những người yêu vẻ đẹp mộc mạc, cổ kính của các căn nhà cổ ở Hội An lo lắng là nhiều doanh nghiệp và tư nhân có tiền ở các nơi về mua các căn nhà cổ để mở nhà hàng.

Như đã nói trên, các căn nhà cổ bền vững với thời gian là nhờ kết cấu “xông liền xông, mái liền mái”, nhưng để mở rộng kinh doanh, buôn bán, các doanh nghiệp thường mua 3 đến 4 căn liên tiếp rồi cơi mái, đục tường nhà để tạo sự liên thông các ngôi nhà. Chính điều này đã làm cho nhiều nhà cổ gần đó yếu đi và các căn nhà cổ khó có thể “nương nhau” mà chống chọi với bão, lũ, nếu có xảy ra.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhà chuyên môn, các cấp chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc trùng tu, để tránh cho khu phố cổ rơi vào nguy cơ một nhà bị sập có thể dẫn đến việc sập hàng loạt căn nhà liền kề bởi chủ nhà mới đã tự ý thay đổi kết cấu. Nhiều năm qua, việc trùng tu nhà cổ Hội An được các ngành chức năng hết sức quan tâm. Tuy nhiên, việc trùng tu phải đảm bảo đúng nguyên tắc và quy trình kỹ thuật kỹ càng, nếu không, sẽ khó có thể giữ gìn nguyên vẹn một Hội An có giá trị như hiện nay.

Bảo tồn những khu phố cổ ở Hội An là việc làm cấp thiết của mọi người, mọi cấp; bởi đó không chỉ là giữ gìn những căn nhà mà chính là giữ lại hồn xưa cho muôn đời sau.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo